Sáng 30/3, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng trăm phụ huynh đã tham gia buổi họp mặt gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Nhiều gia đình phát hiện sự bất thường của con từ sớm
Chị H.T.N (Kiên Giang) phát hiện cậu con trai thứ 2 của mình 2 tuổi chậm hơn so với anh lớn. "Anh trai 16 tháng đã nói được từ đôi. Cậu em suýt 2 tuổi chưa nói được. Tôi cố gắng tới mấy, bé không nói. Khi bé đòi cái gì, tôi không đáp ứng, muốn con nói ra nhưng bé không nói được nên có hành động cáu gắt. Sợ nhất là con có hành vi đập đầu", chị N. nói.
Tại địa phương, sau khi test 30 phút, con chị được chẩn đoán có dấu hiệu tự kỷ. Chị bảo chồng (đang công tác ngoài Hà Nội) tham khảo bác sĩ ở bệnh viện tuyến Trung ương. Sau 2 tháng theo dõi, con chị vẫn không tiến triển, chị quyết định tạm thời xin nghỉ việc không lương, đưa cả 2 con ra Hà Nội, gia đình sống tại Thanh Oai.
Các bác sĩ Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cùng kết luận với bác sĩ địa phương. Chị N. ngoài gửi con ở trường mẫu giáo công lập, chị gửi thêm con 2 giờ/ngày với cô giáo can thiệp. Định kỳ, chị đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
![]() |
Các cha mẹ tham gia buổi họp mặt. |
Sau 4 tháng can thiệp 1-1, bé mới nói được từ "con bò", giờ sau 2 năm đã gọi được mẹ, nói nhu cầu nhưng hành vi vẫn còn nhiều bất thường.
"Chúng tôi gặp khó khăn trong việc kiểm soát các hành vi kích động, bất thường của cháu. Khi bố mẹ không đáp ứng kịp thời, con tôi vẫn ném đồ đạc, hay bức bối. Con vẫn chưa hòa nhập hoàn toàn với các hoạt động tập thể ở trường mẫu giáo. Nhiều khi con có hành vi như vậy, mình cũng nóng tính quát con. Có lúc cũng than thân vì sao mình lại sinh ra con như vậy", chị N. rơm rớm nước mắt.
Tại buổi họp mặt hôm nay, chị N. chia sẻ, chị tiếp thu thêm được nhiều kiến thức mới, đặc biệt chị hiểu hơn trước nay mình nghĩ con chưa nhận thức, nhưng các bác sĩ đã chia sẻ kiến thức rằng nhận thức của con phải bắt đầu từ cảm giác, từ đó mới hình thành hành vi. "Nhờ bổ sung kiến thức này, tôi sẽ có phương pháp dạy con mình", chị N. tâm sự.
Cũng như chị N., gia đình anh Đ.N.N (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, con gái thứ 2 của anh càng lớn, càng phát triển chậm. Anh trai lớn trong nhà cũng sống nội tâm, khép kín nên gia đình cũng không nghĩ con mình có vấn đề, do vậy cũng chần chừ đi khám. Nhưng đến thời điểm 2,5 tuổi, bé ít nói hẳn, muốn gì gắt gỏng, la hét và ít giao tiếp thì gia đình không trì hoãn việc đi khám.
Đầu tháng 3 vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, con anh được kết luận có biểu hiện rối loạn phổ tự kỷ. Chưa tin, anh lại cho con tới Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec khám và kết quả cũng tương tự.
Gia đình đã cho con đi can thiệp ngay một tháng vừa qua. Ngoài học ở trường mầm non dân lập, gia đình thuê một giáo viên đến trường can thiệp cho con. Nhờ thế, bé đã có những tiến bộ vượt bậc, chịu khó giao tiếp hơn.
"Gia đình tôi cũng hơi chần chừ cho con đi khám cho đến khi biết con mắc tự kỷ. Thời gian này, vợ chồng tôi cũng đã rút ngắn thời gian làm việc lại, chiều về nhà sớm hơn và dành nhiều thời gian hơn chơi với con", anh H. nói.
Nâng cao kiến thức cho cha mẹ đồng hành cùng con tự kỷ
Trao đổi với các cha mẹ có con tự kỷ tại buổi gặp mặt, Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm 2024, bệnh viện tiếp nhận 16 nghìn lượt cháu mắc chứng tự kỷ. Nhu cầu đưa con đến khám, tư vấn rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng và việc điều trị kéo dài rất quan trọng. Tuy nhiên, mỗi năm, bệnh viện chỉ can thiệp được cho khoảng 4.00-450 lượt cháu, là con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của các cha mẹ.
Vì thế, việc tổ chức gặp mặt các gia đình sẽ có thêm nhiều thời gian chia sẻ. Tại đây, các bác sĩ sẽ cập nhật phương pháp điều trị, đánh giá tác động trong quá trình điều trị, tham khảo tình hình trong quá trình điều trị để các bác sĩ có chiến lược can thiệp đúng cách cho trẻ, tuân thủ tính liên tục và kiên trì chăm sóc cho các cháu.
![]() |
Bác sĩ chuyên khoa II Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần chia sẻ với các cha mẹ tại buổi gặp mặt. |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần cho hay, Khoa Tâm thần luôn đặt vai trò của cha mẹ lên hàng đầu trong can thiệp trẻ tự kỷ. Mỗi năm, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương đều tổ chức buổi gặp mặt và mỗi năm đều cập nhật những kiến thức mới về chăm sóc trẻ tự kỷ trên thế giới và Việt Nam nhằm hỗ trợ cho cha mẹ có con tự kỷ sớm hòa nhập với cuộc sống.
Tại chương trình năm nay, theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó Khoa Tâm thần cho biết, các nhân viên của khoa sẽ trang bị cho cha mẹ các kiến thức, kỹ năng và giúp họ nhận thức rõ vai trò của mình; động viên và hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ; cung cấp cơ hội để cha mẹ tiếp nhận các kiến thức mới, cập nhật và trao đổi với các chuyên gia.
"Mỗi năm, khoa sẽ lựa chọn các chủ đề quan trọng đối với gia đình, thí dụ như năm nay là hoạt động chơi và tự phục vụ bản thân. Với mỗi chủ đề, chúng tôi sẽ hướng tới việc thực hành, giúp cha mẹ áp dụng được ở gia đình và tìm ra giải pháp cho những khó khăn gặp phải.
Buổi gặp mặt cha mẹ trẻ tự kỷ cũng là cơ hội tốt để họ gặp gỡ, chia sẻ và động viên lẫn nhau. Quá trình can thiệp trẻ tự kỷ rất dài và đòi hỏi nhiều nỗ lực, cha mẹ cần sự tự tin và động lực từ những người cùng hoàn cảnh", bác sĩ Hương bày tỏ.
Tại chương trình, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý đã chia sẻ với các cha mẹ một số hoạt động trị liệu vận động cho trẻ tự kỷ.
![]() |
Nhiều hoạt động trị liệu vận động cho trẻ tự kỷ được chia sẻ tại chương trình để cha mẹ can thiệp cho con tại nhà. |
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Thúy cho biết, thông qua hoạt động vui chơi, trẻ em có thể phát triển các kỹ năng về thể chất, xã hội, cảm xúc và nhận thức.
Hoạt động vui chơi có tác động đến sự phát triển của não bộ, kích thích các kết nối thần kinh và giúp trẻ tập trung chú ý, từ đó hỗ trợ quá trình học tập sau này; giúp trẻ trải nghiệm và điều chỉnh các trạng thái cảm xúc, cả tích cực và tiêu cực.
Đặc biệt, khi bố mẹ tham gia chơi cùng trẻ, nó sẽ tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa bố mẹ và trẻ, giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân.
Tại chương trình, các cha mẹ được cung cấp nhiều kiến thức khác để hiểu hơn trong cách can thiệp cho trẻ tại gia đình.
Nguồn: https://nhandan.vn/thau-hieu-va-dong-hanh-cung-cha-me-co-con-tu-ky-post868781.html
Bình luận (0)