Đại điện Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Mỹ thuật Huế tặng hoa và trao giấy chứng nhận đến ông Lê Trung Hưng, 
con trai của nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Thành Nhơn

Xem Huế là quê hương thứ hai

Nhắc đến nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, không riêng gì giới nghệ sĩ Huế mà cả nước đều biết đến ông với tài năng và “bản lĩnh sáng tạo”. Huế may mắn có nhiều tác phẩm của nhà điêu khắc này, và lần này gia đình ông từ Úc, vượt hàng ngàn cây số đã lại về Huế để tiếp tục trao tặng 3 tác phẩm của ông:  “Không tên” (chất liệu sơn dầu, kích thước 61x51cm), “Bình gốm” (chất liệu gốm, kích thước 50x35x35cm), “Tượng Phật Thích Ca” (chất liệu thạch cao, kích thước 61x51cm). Tất cả được trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Nhà điêu khắc gốc Nam Bộ nặng tình với Huế, yêu Huế theo cách riêng. Vì thế, tâm nguyện hiến tặng tác phẩm cho vùng đất mà người nghệ sĩ gốc Nam Bộ ấy lỡ trót yêu vẫn theo ông đến cuối cuộc đời, được ông gửi gắm lại cho gia đình. Người con trai của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn – ông Lê Trung Hưng, với vốn tiếng Việt “đủ dùng” trước khi trao tặng tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã kể về những năm tháng cuối đời, những dự định và đặc biệt là tình yêu với Huế của cha mình. Ông Hưng bảo rằng, sinh thời, cha mình xem Huế là quê hương thứ 2, sau sinh quán Bình Dương.

Ông Lê Trung Hưng, con trai của nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Thành Nhơn (trái) trao tặng tượng “Phật Thích Ca” cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế 

Ngoài dạy học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế), ông đã tham gia ủy ban dựng tượng danh nhân Việt Nam do các nhân sĩ trí thức và giảng viên Mỹ thuật Huế thành lập, do PGS - Họa sĩ Vĩnh Phối làm trưởng ban và Giáo sư Trần Viết Ngạc làm tổng thư ký. Dù thời gian lưu tại Huế không dài, nhưng ông đã góp phần đào tạo nhiều điêu khắc gia ở Huế, được bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ học sinh tôn vinh là người thầy tận tụy, tấm gương lao động nghệ thuật và đã để lại cho Huế những tác phẩm nghệ thuật để đời.  Phải kể đến, đó là bộ 3 tác phẩm nổi bật, đồ sộ và hoành tráng là tượng đồng Phan Bội Châu, rồi tượng Cô gái Việt Nam và tượng Quán Thế Âm. Cả 3 đều được đặt trên con đường Lê Lợi bên dòng sông Hương trữ tình, góp phần tạo nên những điểm nhấn cho vùng đất ẩn chứa nhiều lớp trầm tích văn hóa và tăng thêm vẻ đẹp cho dòng Hương thơ mộng.

Sức hút của Huế đối với người nghệ sĩ

“Dịp này, khi tặng 3 tác phẩm của cha tôi cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế, đồng nghĩa với việc cha tôi sẽ hiện diện trong Bảo tàng Mỹ thuật Huế, và sẽ mãi mãi là đứa con tinh thần của Huế như ước vọng trước khi mất”, con trai của nhà điêu khắc nổi tiếng chia sẻ đầy xúc động.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế) nói rằng, ông quen biết nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn cách đây hơn 50 năm. Thời điểm đó, ông Nhơn khát khao làm được rất nhiều tượng danh nhân để từ đó phát động phong trào yêu nước. “Có thể nói rằng, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn là người rất gắn bó với Huế, là hiện tượng, sức hút của Huế đối với người nghệ sĩ. Và không chỉ những bức tượng ông đã tặng cho Huế trước đó, lần này khi các tác phẩm được con ông đưa về tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế thêm một lần nữa khẳng định tình yêu ông dành cho vùng đất này”, ông Hoa chia sẻ.

Tiếp nhận những tác phẩm từ người con trai nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, bà Đinh Thị Hoài Trai - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế bảo rằng, đó là vinh dự, niềm vui lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với bảo tàng trong công tác lưu giữ, bảo tồn, trưng bày và giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Thành Nhơn đến công chúng trong và ngoài nước. “Cùng với những bức tượng Phan Bội Châu, Cô gái Việt Nam và Quán Thế Âm đang được đặt tại các vị trí trang trọng trên con đường Lê Lợi, nhiều thế hệ mãi trân trọng và tri ân sự cống hiến đóng góp của nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Thành Nhơn cũng như gia đình ông Lê Trung Hưng dành cho Huế”, bà Trai tâm sự.

Nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Thành Nhơn sinh năm 1940 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Sau năm 1975, ông sang định cư tại Úc cho đến khi qua đời vào năm 2002. Ông tốt nghiệp thủ khoa ngành điêu khắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định năm 1963 và trở thành giảng viên của trường này. Những năm 1970 - 1975, ông đi dạy và sáng tác nhiều nơi ở miền Trung, trong đó có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế).


Bài, ảnh:NHẬT MINH

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/them-lan-nua-le-thanh-nhon-tro-ve-hue-than-yeu-152214.html