Chuyên gia đề xuất xem xét miễn, giảm thuế với các khoản đầu tư dài hạn nhằm khuyến khích đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán - Ảnh: HÀ QUÂN
Để không chỉ là kênh đầu tư "nóng" mà trở thành nền tảng vốn bền vững cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cần bước vào giai đoạn cải cách chiến lược, với trọng tâm là chất lượng niêm yết, thu hút dòng tiền bền vững và khung chính sách - đặc biệt là thuế - đủ sức "nuôi dưỡng" thị trường dài hạn.
Cần thêm nhiều hàng hóa chất lượng
Ông Đặng Trần Phục, chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam - công ty chuyên giải pháp đào tạo, tư vấn tài chính chứng khoán, cho rằng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán phải bắt đầu từ chất lượng hàng hóa trên sàn. Do đó, việc cải thiện chất lượng và số lượng "hàng hóa" - tức các doanh nghiệp niêm yết - phải là ưu tiên hàng đầu.
"Không thể kỳ vọng một thị trường lành mạnh nếu tăng trưởng chỉ dựa trên các "game" đầu cơ hoặc phụ thuộc vào diễn biến giá của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn", ông Phục cảnh báo và cho rằng một thị trường khỏe không thể thiếu sự góp mặt của các doanh nghiệp đầu ngành, có khả năng thiết lập chuẩn mực mới về quản trị, quy mô và tính minh bạch.
Do vậy, việc khuyến khích các tập đoàn lớn, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và các ngành có tiềm năng dẫn dắt xu hướng tương lai như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử... tham gia thị trường là một nhiệm vụ mang tính chiến lược, vị chuyên gia nhấn mạnh. Ngoài ra, cần một quy trình niêm yết đơn giản và minh bạch, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tích cực lên sàn.
Trong khi đó, theo chuyên gia chứng khoán, nhiều doanh nghiệp lớn có liên hệ mật thiết với ngân hàng không mặn mà niêm yết, vì được tiếp cận tín dụng rẻ, dễ tiếp cận lại đỡ lo chuyện "minh bạch". "Việc quá phụ thuộc vào vốn vay không chỉ làm méo mó thị trường vốn, mà còn tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng", vị này cảnh báo.
Do vậy, theo vị này, cần quy định điều kiện tiếp cận tín dụng ưu đãi, vay vốn lớn tại các ngân hàng phải đi kèm tiêu chuẩn minh bạch tài chính - bao gồm việc công bố báo cáo kiểm toán, công bố thông tin định kỳ...
Ngoài ra, có thể cân nhắc giới hạn tỉ lệ tín dụng ngân hàng được cấp cho doanh nghiệp chưa niêm yết, không công khai minh bạch - nhằm tạo động lực chuyển dịch sang kênh chứng khoán để huy động vốn.
Việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang niêm yết cũng được xem là một đòn bẩy quan trọng để tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường.
"Những năm qua, kế hoạch thoái vốn tại các "ông lớn" như FPT, Vinamilk, Sabeco, Vietnam Airlines... nhiều lần được công bố nhưng phần lớn vẫn dừng lại ở mức chủ trương...", chuyên gia nói.
Cần chính sách thuế khuyến khích phát triển thị trường vốn
Cũng theo các chuyên gia chứng khoán, một thị trường muốn phát triển dài hạn cần một hệ thống thuế vừa công bằng, vừa thúc đẩy tinh thần đầu tư tích cực, hạn chế đầu cơ. Trong khi đó, đề xuất gần đây của Bộ Tài chính về việc áp thuế 20% trên lợi nhuận đầu tư chứng khoán với các nhà đầu tư cá nhân đang gây nhiều tranh cãi, lo ngại với nhiều nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng việc áp một mức thuế cố định 20% cho mọi giao dịch là chưa phù hợp. Theo ông Minh, với thị trường cận biên mới nổi như Việt Nam, nên chia bậc theo thời gian nắm giữ cổ phiếu, nhằm khuyến khích, ưu đãi hơn những nhà đầu tư dài hạn so với lướt sóng đầu cơ.
Ngay cả tại thị trường phát triển như Mỹ, dù thu thuế chuyển nhượng chứng khoán dựa trên phần lãi ròng, nhưng mức thuế phụ thuộc vào thời gian nắm giữ và thu nhập của cá nhân. Đặc biệt, Mỹ cho phép bù trừ lỗ (capital loss deduction). Nếu bán lỗ cổ phiếu, có thể được giảm trừ lãi từ các giao dịch khác hoặc khấu trừ vào thu nhập chịu thuế, phần lỗ còn lại chuyển sang năm tiếp theo.
"Việc áp dụng cơ chế thuế phân hóa theo thời gian không chỉ giúp tạo động lực giữ vốn trên thị trường lâu hơn mà còn góp phần phát triển thị trường vốn theo chiều sâu, phù hợp với định hướng giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng", ông Minh nói.
Ông Đặng Trần Phục cũng cho rằng chính sách thuế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và phân loại theo mục tiêu đầu tư, thời gian nắm giữ và quy mô giao dịch. "Cần áp dụng sao cho phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán, với từng đối tượng đầu tư... để vừa giúp thu ngân sách tốt nhưng cũng tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư", ông Phục đề nghị.
Trong khi đó, anh Trịnh Hồng Thắm, một nhà đầu tư chứng khoán, bày tỏ lo ngại rằng nếu nhà đầu tư cá nhân phải tự tổng hợp giao dịch, chứng từ và hoàn thiện hồ sơ khai thuế theo đúng thời hạn quy định chi phí thời gian và rủi ro pháp lý có thể vượt quá cả khoản thuế phải nộp. "Điều có thể làm suy giảm động lực tham gia thị trường một cách lâu dài và chính thức", anh Thắm cảnh báo.
Nâng tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức, giảm tỉ lệ nhà đầu tư "tự chơi"
Ông Nguyễn Đức Thông, CEO Chứng khoán SSI, cho rằng việc nhà đầu tư cá nhân chiếm tỉ trọng rất lớn trong cơ cấu, khiến thị trường thường xuyên biến động mạnh. Do vậy, cần tạo cơ chế để thành lập và vận hành quỹ dễ dàng, đa dạng sản phẩm và tiếp thị tốt để nhà đầu tư biết đến và lựa chọn, đồng thời đẩy mạnh giáo dục tài chính để nhà đầu tư hiểu rõ lợi ích của đầu tư gián tiếp thay vì chỉ "tự chơi".
Theo ông Đặng Trần Phục, Việt Nam cần sớm thúc đẩy các sản phẩm T0, bán khống và giao dịch xuyên trưa để thị trường vươn tầm khu vực và thế giới.
Triển vọng thị trường tích cực nhưng cần tỉnh táo
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn "thăng hoa" với chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.500 điểm - mốc tâm lý quan trọng thể hiện kỳ vọng lạc quan của dòng tiền. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng, tránh tâm lý "mua đuổi" theo thị trường.
Ông Nguyễn An Huy, cố vấn tài chính cấp cao tại FIDT, cho biết VN-Index đang được giao dịch ở mức P/E 14,66 và P/B 1,9, trong khi VN30 - nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn - ghi nhận mức P/E 13 và P/B 2. Xét trên dữ liệu trung bình dài hạn, đây vẫn là những ngưỡng định giá hợp lý, chưa phản ánh trạng thái "quá nóng" của thị trường.
Dù vậy, việc chỉ số tăng quá nhanh trong thời gian ngắn vẫn tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh, khi tâm lý nhà đầu tư bắt đầu "định giá lại" kỳ vọng. Đặc biệt, với nhóm cổ phiếu tăng trưởng, vốn đã tăng đáng kể trong thời gian qua, nhà đầu tư nên tránh mua đuổi, thay vào đó là chờ các nhịp điều chỉnh để tích lũy dần, tránh rủi ro bị kẹt ở vùng giá cao.
"Khi dòng tiền quay đầu hoặc tâm lý thị trường hạ nhiệt, những cổ phiếu đầu cơ rất dễ quay về lại điểm xuất phát, thậm chí thấp hơn", ông Huy cảnh báo.
Nguồn: https://tuoitre.vn/them-luc-day-cho-thi-truong-chung-khoan-20250724092111089.htm
Bình luận (0)