Cơn sốt mang tên "vàng kỹ thuật số"
Thật khó tin rằng một tài sản từng bị gán mác "tiền của tội phạm mạng" giờ đây lại được bàn luận nghiêm túc trong các phòng họp của những định chế tài chính quyền lực nhất thế giới. Bitcoin đang trải qua những ngày tháng rực rỡ nhất kể từ đầu năm. Sau khi vượt mốc 120.000 USD vào giữa tháng 7, hiện giá đồng tiền số này dao động quanh ngưỡng 118.000-119.000 USD.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý không nằm ở con số, mà ở những thế lực đang âm thầm tiếp sức cho bitcoin: các quỹ ETF nghìn tỷ USD trên phố Wall, những tập đoàn công nghệ lớn và các chính trị gia công khai ủng hộ Web3. "Sức nóng" hiện tại của bitcoin không chỉ đến từ làn sóng đầu cơ, mà từ cả một hệ sinh thái quyền lực đang cùng đặt cược vào tương lai của đồng tiền số này.
Cuộc chơi đã thực sự thay đổi kể từ khi các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bitcoin giao ngay được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phê duyệt vào năm ngoái. Rào cản cuối cùng giữa dòng tiền khổng lồ từ phố Wall và thế giới crypto đã chính thức bị phá bỏ.
Với các ETF, nhà đầu tư, dù là cá nhân nhỏ lẻ hay quỹ hưu trí lớn, đều có thể mua bitcoin một cách đơn giản thông qua tài khoản chứng khoán truyền thống, không cần lo lắng về ví điện tử hay sàn giao dịch tiền mã hóa.
Ông Przemysław Kral, CEO của sàn Zondacrypto, nhận định, làn sóng quan tâm từ các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt thông qua các quỹ ETF, đã giúp thị trường trở nên dễ tiếp cận hơn. Khung pháp lý dần rõ ràng hơn, tiêu biểu là đạo luật MiCA (Markets in Crypto-Assets - Thị trường Tài sản điện tử) của Liên minh châu Âu, đang tạo ra một môi trường thuận lợi chưa từng có, thúc đẩy nhu cầu sở hữu bitcoin tăng mạnh.
Nhưng làn sóng này không chỉ dừng lại ở tài chính. Một xu hướng mới đang định hình, đó là các tập đoàn lớn bắt đầu xem bitcoin như một loại tài sản chiến lược để đưa vào bảng cân đối kế toán. Dẫn đầu là MicroStrategy, dưới sự dẫn dắt của “thuyền trưởng” Michael Saylor, công ty này đã mua vào lượng bitcoin trị giá hàng chục tỷ USD.
“Michael Saylor gần như mỗi tuần đều gom thêm nửa tỷ USD bitcoin”, nhà phân tích Scott Melker cho biết. Chiến lược đó đang biến các doanh nghiệp thành "kho bạc bitcoin", tạo ra một lực cầu mạnh và bền vững, đủ sức "đỡ giá" mỗi khi thị trường biến động mạnh.
Canh bạc chính trị và cái bóng của Fed
Sự trỗi dậy của bitcoin không chỉ là câu chuyện tài chính, mà còn mang đậm màu sắc chính trị. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã công khai tuyên bố ủng hộ biến quốc gia này thành "thủ phủ tiền mã hóa toàn cầu". Động thái đó, cùng với việc các dự luật liên quan đến ngành công nghiệp crypto, được đưa ra thảo luận tại Hạ viện, đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới thị trường.
Việc đồng bitcoin được Tổng thống Mỹ ủng hộ, theo giới chuyên gia, lại tạo ra một nghịch lý thú vị. John Hawkins, giảng viên tại Đại học Canberra, nhận xét: “Thật trớ trêu khi chính quyền Tổng thống Trump lại đang chống lưng cho bitcoin và tiền mã hóa nói chung mà ban đầu được quảng bá như một công cụ phi tập trung, chống lại hệ thống tài chính nhà nước”.
Đối với những người hoài nghi, điều này là bằng chứng cho thấy bitcoin đã xa rời lý tưởng ban đầu và chỉ đơn thuần là một công cụ đầu cơ. "Sau 16 năm tồn tại, nó vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh trở thành một phương tiện thanh toán phổ biến. Nó vẫn chỉ là một bong bóng đầu cơ", ông Hawkins khẳng định.
Trong khi đó, một thế lực còn quyền lực hơn cả chính phủ đang đứng trong bóng tối và quan sát, đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã gọi các chính sách thuế quan tiềm năng của ông Trump là yếu tố "đầy bất định", có thể tác động sâu sắc đến triển vọng kinh tế. Ông nhấn mạnh rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách "hơi thắt chặt" và mọi quyết định về lãi suất trong tương lai đều phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu kinh tế.
Thị trường tiền mã hóa cực kỳ nhạy cảm với các tín hiệu này. Một cú sốc thuế quan trong quá khứ đã từng khiến vốn hóa thị trường crypto "bốc hơi" hàng trăm tỷ USD chỉ trong vài ngày. Lời cảnh báo của ông Powell cho thấy, dù được các chính trị gia hậu thuẫn, số phận của bitcoin vẫn phụ thuộc rất nhiều vào những quyết định tại Washington, đặc biệt là chính sách tiền tệ vốn được thiết kế để kiểm soát hệ thống tài chính truyền thống.
Bất kỳ động thái nào nhằm kiềm chế lạm phát hay đối phó với suy thoái kinh tế đều có thể gián tiếp tác động đến dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro như bitcoin.

Quốc hội Mỹ bật đèn xanh với Đạo luật GENIUS - cú hích chính sách mạnh mẽ thúc đẩy bitcoin và toàn ngành tiền mã hóa (Minh họa: WIRED).
Pha lê hay bong bóng: Tương lai nào cho bitcoin?
Với tất cả những yếu tố trên, câu hỏi lớn nhất vẫn là giá bitcoin sẽ đi về đâu?
Một khảo sát gần đây của Finder với 24 chuyên gia trong ngành đã vẽ nên một bức tranh đầy lạc quan nhưng cũng không kém phần phân hóa. Những người lạc quan nhất, như CEO Martin Froehler của Morpher, tin rằng bitcoin có thể chạm mốc 250.000 USD trong năm nay, với lý do: "Cầu từ giới tổ chức và doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, trong khi nhà đầu tư cá nhân vẫn đang đứng ngoài cuộc".
Về dài hạn, các dự báo còn táo bạo hơn đó là giá bitcoin sẽ vượt 458.000 USD vào năm 2030 và vượt ngưỡng 1 triệu USD vào năm 2035.

Mức dự báo trung bình của các chuyên gia cho đỉnh giá bitcoin trong năm 2025 là 162.353 USD (Minh họa: Matthew Modoono).
Tuy nhiên, con đường đến tương lai không hề bằng phẳng. Giáo sư Ravi Sarathy từ Đại học Northeastern cảnh báo rằng thị trường có thể đang hình thành một bong bóng, khi các tổ chức lớn như MicroStrategy tích trữ lượng bitcoin khổng lồ, góp phần "thổi phồng" giá trị của nó.
Bên cạnh đó, các chu kỳ thị trường vẫn là một quy luật khó tránh. Kadan Stadelmann, CTO của Komodo Platform, dự đoán rằng đợt tăng giá này có thể đạt đỉnh vào quý I/2026, trước khi bước vào một "mùa đông crypto" mới, tức giai đoạn thị trường gấu (bear market) kéo dài.
Và một mối đe dọa từ tương lai đang dần hiện hữu, đó là máy tính lượng tử. 79% chuyên gia trong khảo sát của Finder tin rằng công nghệ này sẽ trở thành mối nguy đối với hệ thống mật mã của bitcoin. Những cỗ máy siêu mạnh này có khả năng phá vỡ các thuật toán mã hóa hiện tại, đe dọa an ninh của toàn bộ mạng lưới. Dù phần lớn cho rằng mối đe dọa này sẽ chỉ trở nên hiện thực sau 5-10 năm nữa, đây vẫn là một "thanh gươm Damocles" treo lơ lửng trên đầu tương lai của bitcoin.
Bitcoin, từ một ý tưởng công nghệ xa lạ, nay đã trở thành một tài sản tài chính phức tạp, bị chi phối bởi dòng vốn nghìn tỷ USD, toan tính chính trị, chu kỳ kinh tế và cả chiến lược kinh doanh tinh vi của giới thợ đào. 61% chuyên gia cho rằng đây là thời điểm tốt để mua vào. Nhưng lời cảnh báo từ CEO Zondacrypto vẫn còn nguyên giá trị: "Sự cuồng nhiệt (hype) luôn đi kèm với rủi ro. Đừng đầu tư chỉ vì tin đồn hay cảm xúc. Hãy tìm hiểu kỹ và trang bị kiến thức trước khi xuống tiền".
Từ đây, đường đi của bitcoin sẽ không còn bằng phẳng. Một bên là kỳ vọng nó trở thành “vàng kỹ thuật số” trong kỷ nguyên mới. Một bên là lo ngại về bong bóng tài chính lớn nhất thế kỷ. Giữa làn sóng hậu thuẫn từ giới đầu tư và chính trị gia, bitcoin vẫn phải đối mặt với sự dè chừng từ các ngân hàng trung ương và bàn tay can thiệp của nhà nước. Đỉnh cao mới của bitcoin, dù là 160.000 USD hay 1 triệu USD, sẽ được quyết định trên chính sàn đấu phức tạp này.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cuoc-choi-bitcoin-thay-doi-binh-minh-tai-chinh-hay-sieu-bong-bong-20250723231034284.htm
Bình luận (0)