Phổ điểm đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025
ẢNH: ĐH QUỐC GIA TP.HCM
Phổ điểm thi đánh giá năng lực có gì đặc biệt?
ĐH Quốc gia TP.HCM vài ngày trước đã công bố phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025. Theo đó, mức điểm trung bình là 618,4 với điểm thấp nhất là 40, cao nhất là 1.060/1.200. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân bố điểm thi có dạng gần với phân bố chuẩn và dải điểm trải rộng thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao.
Như Thanh Niên mới đưa tin, thí sinh đạt điểm cao nhất đợt 1 năm nay là Phan Lê Thúc Bảo, hiện là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Hai năm trước, khi còn là học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế, Bảo cũng từng đạt điểm cao nhất kỳ thi này vào đợt 2, ở mức 1.133.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính lưu ý thêm, kết quả phân tích cho thấy độ khó của các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025 tương đồng với thiết kế. Đồng thời, đa số các câu hỏi của đề thi có độ phân biệt tốt và rất tốt, điều này giúp phân loại tốt thí sinh, phù hợp cho mục đích tuyển sinh.
Về phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1, thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến tại TP.HCM, nhận xét số lượng thí sinh có điểm dưới trung bình (dưới 601 điểm) lần này tăng cao hơn đợt 1 năm ngoái, lên tới 60.092 người, chiếm gần một nửa (47,5%) tổng số thí sinh. Điều này khiến phổ điểm lệch trái hơn so với đợt 1 năm trước, vì lúc đó chỉ có hơn 1/3 (37%) thí sinh dưới mốc 601 điểm.
Một điểm đáng chú ý nữa là đợt 1 năm 2025 có tới 11 thí sinh đạt điểm từ 200 trở xuống, trong đó 1 thí sinh 40 điểm, 2 thí sinh có khoảng điểm từ 51-100, 3 thí sinh từ 101-150 và 5 bạn từ 151-200. Đây là những mốc điểm thấp không thí sinh nào rơi vào trong lần tổ chức thi đánh giá năng lực đợt 1 năm trước. Lần tổ chức đó, điểm thấp nhất trong kỳ thi là 203 (cao hơn đợt 1 năm 2025 163 điểm) và cao nhất là 1.076 (cao hơn 16 điểm).
Nguyên nhân điểm thấp tăng
Theo thạc sĩ Công, có hai lý do có thể dẫn tới việc số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình tăng đáng kể. Thứ nhất, có thể do đề thi đánh giá năng lực theo cấu trúc mới có độ khó cao hơn trước. Thứ hai, cũng có thể do nhiều thí sinh năm nay tham dự với tâm thế cọ xát dạng đề thiết kế theo cấu trúc, nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới chứ không thật sự dành quyết tâm cao cho kỳ thi này.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025 hồi tháng 3
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Thầy Nguyễn Võ Minh Tâm, đồng sáng lập Trung tâm TTE - The Learning Center (Q.3, TP.HCM), thì cho rằng phổ điểm lệch trái "không nhất thiết là điều đáng lo", do đây có thể là kết quả của việc nâng cao chất lượng đề thi trong bối cảnh ngày càng nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng điểm thi đánh giá năng lực để xét tuyển và số thí sinh dự thi cũng tăng cao hơn qua từng năm.
Bên cạnh đó, cũng có khả năng nhiều thí sinh chưa quen cấu trúc đề thi mới, nhất là khi đề ra những nội dung môn học mà các bạn có thể chưa từng được học suốt 3 năm THPT, bởi mỗi học sinh thời chương trình mới đều được chọn tổ hợp một số môn phải học chứ không học hết tất cả các môn như ở chương trình cũ. Tuy nhiên, rào cản này có thể được các bạn khắc phục trong đợt thi tiếp theo.
"Dù có sự tập trung điểm số quanh mức 600 song đề thi vẫn đảm bảo tính phân loại tốt. Có hơn 10.000 thí sinh đạt điểm từ 800 trở lên, trong đó 2.026 thí sinh từ 901-950 điểm, 716 thí sinh từ 951-1.000 điểm, cho thấy nhiều bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với đợt thi này", thầy Tâm nhận định.
Cũng theo các chuyên gia, vì hầu như không trường ĐH, CĐ nào xét các điểm dưới trung bình nên mốc này không có nhiều ý nghĩa tuyển sinh, và thí sinh chỉ cần quan tâm tới tỷ lệ đạt điểm trên 600.
Các chuyên gia luyện thi đánh giá năng lực cũng lưu ý, nếu đạt điểm trong khoảng 700-950, thí sinh có thể cân nhắc đăng ký thi tiếp đợt 2 để tăng cơ hội trúng tuyển, trong bối cảnh tất cả phương thức tuyển sinh đều phải quy đổi điểm về thang chung theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. "Hiện tại, mức độ cạnh tranh ở mức 600-800 điểm khá cao", thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống Lasan - Helius Education chuyên ôn luyện các kỳ thi riêng ở TP.HCM, chia sẻ.
"Trong bối cảnh hơn nhau từng điểm một như thế, các bạn thí sinh dự thi tiếp đợt 2 nên thật sự cố gắng, tập trung giải nhiều đề hơn", thầy Hùng khuyên. Còn thạc sĩ Công nhận định những thí sinh thi dưới 700 điểm ở đợt 1 nên cân nhắc tìm hướng khác để xét tuyển vì khả năng bứt phá là "rất khó".
Đến nay, 111 cơ sở giáo dục đã chọn đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển, trong đó có thêm một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Nếu muốn dự thi tiếp đợt 2 tổ chức vào ngày 1.6 sắp tới, thí sinh có thể đăng ký trên trang chủ của kỳ thi từ ngày 17.4 tới 7.5. Đợt 2 lần này sẽ tổ chức tại 11 địa phương là Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thi-danh-gia-nang-luc-gan-nua-thi-sinh-diem-duoi-trung-binh-co-dang-lo-185250417155639367.htm
Bình luận (0)