Sáng 3.4, tại Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, với sự tham gia của lãnh đạo sở GD-ĐT thuộc 63 tỉnh, thành.
Lãnh đạo các sở GD-ĐT nêu ý kiến đề xuất tại Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2025
ẢNH: MỸ QUYÊN
Dù chỉ một thí sinh cũng phải tổ chức thi đúng quy chế
Theo GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, công tác tổ chức thi giữa chương trình GDPT 2006 và 2018 có một số điểm khác biệt. Cụ thể, về công tác in sao đề thi, số lượng đề thi trắc nghiệm của chương trình 2006 cần đóng trong mỗi túi bao gồm đủ 24 mã đề và in trong 4 - 5 tờ A4, trong khi chương trình 2018 chỉ in đủ số lượng thí sinh (TS) trong phòng thi. Ví dụ, phòng có 10 TS thi vật lý thì chỉ in từ mã 01 đến mã 10 và in vào 2 mặt của 1 tờ A3.
Về công tác coi thi, TS chỉ dự thi môn thứ 2 trong bài thi tự chọn/tổ hợp phải có mặt trước thời gian thi môn thi là 10 phút đối với chương trình 2006, trong khi TS chương trình 2018 phải có mặt từ đầu buổi và chờ tại phòng chờ. Thời gian giữa 2 môn thi của chương trình 2006 là 10 phút, trong khi chương trình 2018 là 15 phút. Ngoài ra, TS chương trình 2006 được sử dụng Atlat khi thi môn địa lý, còn TS 2018 không được sử dụng…
Với tính chất của chương trình 2018 và những thay đổi trong tuyển sinh ĐH 2025, số lượng phòng thi năm nay sẽ tăng so với trước đây do TS đăng ký nhiều tổ hợp môn khác nhau. Vì thế, về nguyên tắc xếp phòng thi, theo ông Chương, sẽ sắp xếp theo bài thi tự chọn. Trong buổi thi bài thi tự chọn, khi đã bóc đề môn nào, tất cả TS đăng ký môn thi trong phòng thi đó đều phải dự thi ngay. Ngoài ra, ở mỗi ca thi của buổi thi bài tự chọn, trong một phòng thi có thể thi đồng thời nhiều môn khác nhau.
Đặc biệt, ông Chương nhấn mạnh: "Hội đồng thi các tỉnh thành cần tổ chức điểm thi riêng dành cho nhóm TS thi theo chương trình 2006, kể cả chỉ có một TS đăng ký cũng phải tổ chức thi riêng và đúng quy chế dành cho TS chương trình này".
Có cần thành lập 2 hội đồng thi?
Bày tỏ sự lo lắng khi cùng lúc tổ chức thi cho 2 đối tượng của 2 chương trình giáo dục với sự khác nhau về môn thi, đề thi, phương pháp tổ chức, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng chia sẻ: "Năm nay tỉnh chỉ có 5.000 TS với 21 điểm thi cho TS chương trình 2018 và 3 điểm thi cho TS chương trình 2006, nhưng chúng tôi vẫn không thể lơ là hoặc chủ quan. Đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể hơn về các khâu tổ chức thi cho 2 chương trình. Liệu có phải tổ chức độc lập tất cả các khâu và có cần 2 hội đồng thi hay không?".
Bà Lê Thị Thanh Xuân, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, thông tin năm nay tỉnh có trên 20.000 TS với 33 điểm thi và 900 phòng thi, trong đó có 2 điểm cho TS học chương trình 2006. Tỉnh huy động hơn 3.000 cán bộ giáo viên tham gia kỳ thi. "Do có nhiều điểm mới với độ khó, sự phức tạp và yêu cầu cao hơn nên sở cũng rất mong có sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ", bà Xuân nói.
Đại diện Sở GD-ĐT Quảng Trị băn khoăn khâu chấm thi khi năm nay thực hiện 2 quy chế cho chương trình 2006 và 2018. Theo đó, chương trình cũ chấm tự luận riêng, trắc nghiệm riêng, còn chương trình 2018 là một ban chấm thi chung cho tự luận và trắc nghiệm, vậy ban chấm thi được tổ chức ra sao?
Học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều điểm mới vào tháng 6 năm nay
ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhiều địa phương đề xuất giao đề thi sớm
Một số tỉnh thành có số lượng TS dự thi lớn ở cả 2 chương trình bày tỏ lo lắng về công tác in sao đề thi.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết năm nay số lượng TS của Hà Nội là 126.000, tăng tới 17.000 TS so với năm 2024. "Với tính chất khác nhau của công tác tổ chức thi giữa 2 chương trình, chúng tôi mong muốn có nhiều thời gian hơn cho khâu chuẩn bị in sao đề thi. Ngoài ra, do in sao số lượng lớn, máy móc, kỹ thuật cũng có thể gặp trục trặc. Vì thế, rất mong năm nay Bộ cung cấp đề thi sớm hơn 1 - 2 ngày để địa phương kịp chuẩn bị và xử lý các vấn đề phát sinh nếu có", đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất.
Cũng là địa phương có số lượng TS lớn, trong đó có tới 10.000 TS dự thi theo chương trình 2006, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cung cấp đề thi sớm. Đặc biệt ưu tiên chuyển sớm đề thi của chương trình 2018 để tránh nhầm lẫn với đề thi của chương trình 2006.
Lãnh đạo nhiều sở cũng đề xuất Bộ cần quy định về dấu hiệu phân biệt các túi đề thi của 2 chương trình để tránh việc in nhầm đề, cho đề thi vào nhầm túi, đưa đề thi vào nhầm phòng…
"Để đảm bảo công tác in sao đề thi chính xác, không bị nhầm lẫn, nên có 2 ban in sao đề thi riêng cho 2 chương trình", đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay. Sở này cũng đề xuất các địa phương có lượng TS tự do (chương trình 2006) lớn cần được áp dụng biện pháp kỹ thuật đặc biệt trong khâu tổ chức thi. Đồng thời, đề nghị khi xây dựng phần mềm quản lý thi, Bộ cũng cần tính toán hỗ trợ để việc chép dữ liệu của các địa phương có lượng TS lớn diễn ra được thuận lợi hơn, tránh mất quá nhiều thời gian.
BỘ SẼ XEM XÉT CÁC ĐỀ XUẤT
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi theo chương trình mới với việc thay đổi phương thức thi, số môn thi giảm, thời gian giảm…, tuy nhiên vẫn cần phải tập huấn kỹ các công tác tổ chức điểm thi, tổ chức thi, chấm thi. Nhất là cùng lúc phải tổ chức thi cho cả 2 đối tượng theo học 2 chương trình.
"Khâu in sao đề thi rất quan trọng. Cục Quản lý chất lượng cần nghiên cứu, tham mưu để có hướng dẫn cho các sở. Đề thi nên bàn giao sớm, trước ít nhất 2 ngày, nhất là đối với các địa phương có số lượng TS lớn như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An…", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay.
Về thắc mắc khâu tổ chức thi có cần 2 hội đồng thi cho 2 chương trình giáo dục hay không, ông Huỳnh Văn Chương nhận định: "Chúng ta cố gắng tinh gọn và tiết kiệm nhận sự, chia ra các tổ công tác. Phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kế hoạch và rõ trách nhiệm thì mọi việc sẽ diễn ra nghiêm túc, hiệu quả".
Theo ông Chương, phong bì đề thi của chương trình 2006 và 2018 chắc chắn sẽ khác nhau để tránh nhầm lẫn.
2 phương án của Thanh tra Bộ GD-ĐT
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, công tác chuẩn bị thi sẽ chiếm 80% sự thành công của kỳ thi.
Hiện Thanh tra Bộ đề xuất 2 phương án trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Phương án 1: Tại thời điểm diễn ra kỳ thi và các hoạt động có liên quan, Thanh tra Bộ vẫn là một đơn vị của Bộ GD-ĐT, Thanh tra Sở vẫn là một đơn vị của Sở GD-ĐT. Mô hình phương án thanh tra, kiểm tra cơ bản giữ ổn định như mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo đó, chỉ thanh tra công tác chuẩn bị thi, chấm thi, phúc khảo; chỉ kiểm tra chứ không thanh tra công tác coi thi.
Cụ thể, địa điểm có dưới 20 phòng thi, địa phương cần bố trí ít nhất 2 người làm nhiệm vụ kiểm tra, từ 20 đến 40 phòng thi bố trí ít nhất 3 người, từ 41 phòng thi trở lên bố trí ít nhất 4 người.
Phương án 2: Khi cơ quan thanh tra được sắp xếp, tinh gọn tổ chức theo Nghị quyết 18, Kết luận số 134 ngày 28.3.2025 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư và Đề án sắp xếp cơ quan Thanh tra, Bộ GD-ĐT không có cơ quan Thanh tra Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT không có cơ quan Thanh tra Sở, thì Bộ GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ kiểm tra các khâu của kỳ thi giống phương án 1. Còn UBND tỉnh, ban chỉ đạo cấp tỉnh và Sở GD-ĐT thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra theo phân cấp trách nhiệm đúng chủ thể quản lý và chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thi-tot-nghiep-thpt-2025-cung-luc-2-chuong-trinh-cac-so-gd-dt-lo-lang-185250403220616511.htm
Bình luận (0)