Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thi vào lớp 10, dứt khoát phải chuyển từ "thi gì học nấy" thành "học gì thi nấy"

Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là đổi mới toàn diện phương thức và nội dung thi vào lớp 10. Cần dứt khoát chuyển từ tâm lý “thi gì học nấy” sang “học gì thi nấy”, đảm bảo học sinh tiếp thu đầy đủ kiến thức theo yêu cầu chương trình giáo dục bắt buộc (từ lớp 1 đến 9).

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân10/04/2025

Đó là ý kiến của GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Giảng viên Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Tổng chủ biên chương trình môn Toán phổ thông tại Chương trình "Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018", tổ chức ngày 10.4 tại Hà Nội.

3 giáo sư gặp khó khi giải đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán

Tại Chương trình tập huấn, GS. TSKH Đỗ Đức Thái chia sẻ về câu chuyện từng gặp phải. Theo đó, ông cùng 2 giáo sư khác cùng Khoa Toán - Tin của trường đã gặp khó với câu 44 (mã đề 109) tại đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán năm 2024. Cả ba đã cùng nhau làm thử, nhưng đến cuối buổi chiều vẫn không làm được. Không thể giải nổi trong khuôn khổ thời gian có hạn.

z6491204418734-d3e7348204dc286aff0362a0fa775cfa.jpg
GS. TSKH Đỗ Đức Thái: "Cần đổi mới phương pháp giảng dạy để đào tạo thế hệ học sinh biết vận dụng kiến thức được học vào thực tế"

“Vậy tại sao chúng ta bắt học sinh học theo cách như vậy? Cần xem lại phương pháp giảng dạy để đào tạo những thế hệ biết cách vận dụng tri thức được học để giải quyết vấn đề thực tiễn”, GS. TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.

Vài năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều thay đổi về phương án thi và định dạng của bài thi. Điều này thể hiện rõ ở đề minh họa thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đã công bố, nhất là đối với đề môn Toán.

"Chương trình GDPT trước đây chủ yếu tập trung vào việc truyền thụ kiến thức, với mục tiêu giúp học sinh trả lời câu hỏi 'biết được gì' sau khi học xong. Tuy vậy, việc áp dụng kiến thức đó vào thực tế thế nào lại chưa được chú trọng.

Ví dụ với môn Toán, học sinh đang chỉ tập trung vào số lượng và dạng bài tập có thể giải quyết, thay vì nắm được ứng dụng của Toán học trong đời sống và các lĩnh vực nghề nghiệp", ông Thái trăn trở.

Ngược lại, chương trình GDPT 2018 được tiếp cận theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, tập trung vào câu hỏi học sinh sẽ làm được gì, làm như thế nào sau khi hoàn thành chương trình học.

"Giáo dục Toán học ở phổ thông mà phụ huynh mong học sinh thụ hưởng không chỉ là kiến thức Toán học. Điều họ cần là chương trình giúp con em khai phá được năng lực Toán học tiềm ẩn trong bản thân, từ đó áp dụng vào giải quyết bài học thực tiễn", GS. TSKH Đỗ Đức Thái chỉ rõ.

z6491204427768-4c57074bcba31c003c214a3ea7f0e471.jpg
z6491204448536-e53986bacd6337445181ecefcbf6b30b.jpg
Các đại biểu tham gia chương trình tập huấn

Gạt bỏ tâm lý "thi gì học nấy", chuyển thành "học gì thi nấy"

GS.TSKH Đỗ Đức Thái đánh giá, kỳ thi vào lớp 10 nhiều năm qua vô cùng khốc liệt. Tại Hà Nội, chỉ khoảng 60% học sinh đỗ vào trường công lập. Để cạnh tranh, học sinh thường chỉ tập trung vào Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, bỏ qua các môn Khoa học tự nhiên. Điều này ảnh hưởng đến lựa chọn môn học ở bậc THPT, gây mất cân bằng trong đào tạo nhân lực ngành khoa học, công nghệ.

Thực trạng hiện nay, học sinh thường chỉ tập trung vào tổ hợp Khoa học xã hội hơn là Khoa học tự nhiên. Ảnh minh họa

Thực trạng hiện nay, học sinh thường chỉ tập trung vào tổ hợp Khoa học xã hội hơn là Khoa học tự nhiên. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, số thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) luôn thấp hơn bài thi Khoa học xã hội. Năm 2024, chỉ 37% trong hơn 1,07 triệu thí sinh thi tốt nghiệp chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên.

Ở bậc đại học, khối ngành Kinh doanh và quản lý thu hút nhiều thí sinh nhập học nhất trong những năm qua, với khoảng 25% thí sinh, trong khi tỷ lệ nhập học ngành Công nghệ kỹ thuật và Máy tính, Công nghệ thông tin lần lượt là 9 và 12%.

"Vấn đề này không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục, mà còn là chuyện quốc gia đại sự, cần được nhìn nhận nghiêm túc để không trở nên trầm trọng. Không có quốc gia nào với dân số quy mô 100 triệu dân có thể trở thành nước phát triển nếu chỉ tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, phi công nghệ", GS. TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.

Một nhiệm vụ cấp bách hiện nay được đề ra là đổi mới toàn diện phương thức và nội dung thi vào lớp 10. Cần dứt khoát chuyển từ tâm lý “thi gì học nấy” sang “học gì thi nấy”, đảm bảo học sinh tiếp thu đầy đủ kiến thức theo yêu cầu chương trình giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến 9.

"Tôi đề xuất bổ sung một bài thi tổng hợp, ngoài Toán và Ngữ văn, để đánh giá toàn diện tất cả môn học bằng điểm số. Chỉ có 'học gì thi nấy', học sinh mới học đầy đủ, đảm bảo chất lượng đúng với yêu cầu của chương trình ở giai đoạn giáo dục bắt buộc", GS Thái kiến nghị.

4 giải pháp

Tại buổi tập huấn, GS.TSKH Đỗ Đức Thái đã đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế trong chương trình giáo dục thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, cần chuẩn hóa chương trình của một số môn học theo Chương trình GDPT 2018.

Thứ hai, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Thực tế cho thấy, việc chỉ tập trung đào tạo giáo viên cốt cán, rồi các giáo viên đó lan tỏa cho đồng nghiệp khác không đạt kết quả như kỳ vọng.

Thứ ba, thúc đẩy công tác hướng nghiệp từ THPT xuống THCS với nội dung và phương thức triển khai rõ ràng, có thể qua tài liệu hướng dẫn chi tiết.

Thứ tư, đổi mới toàn diện nội dung, phương thức thi cử. Đây là khâu then chốt, cần được ưu tiên, tránh ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chương trình, đặc biệt là kỳ thi vào 10.

"Khi học sinh nắm vững kiến thức và trải qua kỳ thi chuyển cấp, các em mới đủ trải nghiệm để định hướng được mục tiêu, hiểu được điểm mạnh và yếu trong quá trình thực hiện. Từ đó, lựa chọn đúng nhóm môn học phù hợp khi bước vào lớp 10", GS. TSKH Đỗ Đức Thái nhìn nhận.

Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tại các cơ sở giáo dục đại học

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, chương trình tập huấn được tổ chức nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu, cập nhật những đổi mới về nội dung, phương pháp và cách tiếp cận trong Chương trình GDPT 2018 cho đội ngũ giảng viên các trường sư phạm. Đây là một trong các hoạt động trọng điểm trong lộ trình triển khai chương trình GDPT 2018, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tại các cơ sở giáo dục đại học.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong số 12 trường đại học chủ chốt và hai trường trọng điểm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được xác định là một trong những trường trọng điểm đào tạo sư phạm quốc gia.

Trong những năm qua, Trường Đại học sư phạm Hà Nội đã chủ động xây dựng mạng lưới các trường phổ thông phát triển nghề nghiệp, với hơn 100 trường tham gia. Mạng lưới này được tổ chức theo từng nhóm bộ môn, tạo điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn và đồng hành cùng sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên.

"Thời gian tới sẽ có thêm một mạng lưới mới, đại diện giảng viên các cơ sở đào tạo giáo viên cùng hợp tác và đồng hành với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên trên toàn quốc", PGS.TS Nguyễn Đức Sơn kỳ vọng.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/thi-vao-lop-10-dut-khoat-phai-chuyen-tu-thi-gi-hoc-nay-thanh-hoc-gi-thi-nay-post409871.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm