Từng có thời gian, người ta hay miệt thị nhau bằng câu: "Đồ nhà quê!". Lắm người siêu dị ứng với câu nói này bởi họ đang cố thoát nét quê bằng những thứ vá víu lên người, lên nhà, lên không gian sống. Nhưng kết quả: Vẫn quê thật, thậm chí càng tô vẽ, giấu cái quê ấy bao nhiêu, nét duyên quê lại càng hiển lộ.
GS Kiều Linh tự hào là người Việt
Ảnh: NVCC
Thế là ranh giới của thanh lịch, hào hoa và kệch cỡm, trưởng giả, nhiều khi chỉ là một cử chỉ, một câu cửa miệng là "lộ bài" ngay. Khổ nỗi, chỉ do con người tự chê mình là quê, chứ quê đâu phải dở, cụ Nguyễn Bính xưa đã từng tha thiết: "Hãy giữ yên quê mùa" cơ mà. Bởi nếu đào vào mỏ văn hóa thì "quê" chính là bản sắc. Ở góc độ khác, còn là cái duyên.
"Tâm lý thực dân" là khái niệm hội tụ trong đó những người tự chối bỏ bản ngã của mình, hoặc không nhận ra cái hay, cái đẹp của bản thân để phát huy, mà rơi vào "bẫy" để rồi vùng vẫy mãi không tìm được đường ra. Câu chuyện nghiên cứu của GS Kiều Linh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến nghiên cứu Việt Nam mới tại Trường UC Davis (California, Mỹ) những năm qua đã chỉ ra nhiều chuyện thú vị.
TỰ CHỐI MÌNH
Trong một nghiên cứu của GS Kiều Linh về đề tài "Người Việt ở hải ngoại", chị cho biết có gặp qua trường hợp từ chính người bạn thân: "Tôi có người bạn Việt kiều nhưng đổi tên hoàn toàn là Mỹ, và bạn ấy khuyên tôi đừng dùng tên Việt. Anh ấy cho rằng khi sử dụng tên Mỹ sẽ khiến cộng đồng bản địa và cộng đồng Việt nể trọng hơn". Cũng có thời sau mở cửa, những cậu ấm cô chiêu được du học ở "bển" về, chỉ mới vài năm, nhưng vờ quên tiếng Việt, sống trong môi trường Việt toàn phần nhưng hễ chạm nhau là giao tiếp bằng tiếng Anh, coi cách hành xử ấy như một kiểu khoe với thiên hạ: "Mình là người bên bển".
GS Kiều Linh viếng mộ liệt sĩ Nguyễn Thái Bình cùng gia đình liệt sĩ trong chuyến tìm hiểu về sử Việt
Ảnh: NVCC
Sang Mỹ từ năm lên 6, GS Kiều Linh cũng từng có giai đoạn dài đến 15 năm, không là người Việt, không nói tiếng Việt. Chị giãi bày: "Bố mẹ tôi khuyên đừng nói tiếng Việt. Trong khi đó, mẹ tôi lai nửa Tây Ban Nha, nửa Việt Nam, nhưng chính mẹ không nhận là người lai. Mẹ tôi tự hào là người Việt, dù trông bà rất lai. Tuy nhiên, thế hệ như mẹ tôi đến Mỹ từ châu Á, họ biết mình không phải là Mỹ, chỉ là dân nhập cư và bị kỳ thị. Vậy nên bố mẹ tôi cứ theo lý thuyết là nếu giỏi ngôn ngữ bản địa nào đó, ví dụ tiếng Mỹ, thì dễ thành công hơn và không bị kỳ thị. Các cụ yêu cầu tôi không nói tiếng Việt, chỉ nói tiếng Mỹ, không phải vì muốn tôi như người da trắng, mà sợ tôi bị kỳ thị thôi".
Ở Mỹ còn có tiếng lóng "chuối" (banana) hàm ý miệt thị, chỉ những người Việt máu đỏ da vàng nhưng sinh ra và lớn lên ở Mỹ, cố chỉ nói tiếng Mỹ và hành xử y như người da trắng. Từ "chuối" ở đây có ý nghĩa là "vỏ vàng ruột trắng". Qua thời gian, nhiều người Việt nghiệm ra rằng càng cố gắng "giống Mỹ", lại càng khiến người da trắng nhìn ra mình không phải là họ. Chuối vẫn cứ là chuối! Từ thực tiễn đó tạo nên giằng xé trong bản ngã, bởi không là người Việt (do cố ý chối bỏ nguồn gốc), cũng chẳng thể là Mỹ (do không được thừa nhận). Và hiệu ứng mang tính phán xét ấy, chính là "tâm lý thực dân".
TÂM LÝ THỰC DÂN
Từng một thời gian dài dưới chế độ thuộc địa, tâm lý thực dân ngấm sâu vào không ít người Việt. Cùng là một người, nhưng trong suy nghĩ có hai mặt. Đầu tiên là niềm tự hào bởi đã chiến thắng những trận lẫy lừng, đánh bại những đối thủ ngoại hạng, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc… Thế nhưng, đồng hành với niềm tự hào ấy, lại là một "nỗi đau tự nhận", ấy là tâm lý tự ti, cho rằng mình không bằng Âu - Mỹ, độc lập rồi, tự do rồi nhưng tư tưởng vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng. Cứ việc gì mà dính chút "tây tây" là khẳng định luôn đấy mới là đỉnh, là chuẩn, còn của Việt Nam thì không bằng.
Gặp gỡ nhà nghiên cứu Trịnh Bách, cũng là một Việt kiều góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt
Ảnh: NVCC
Chủ nhân nhà hàng S.R trước đây trên đường Ngô Văn Năm, Q.1, TP.HCM kể lại kinh nghiệm sai lầm của mình: "Nhà hàng làm theo phong cách yến tiệc, và chúng tôi đi đến thống nhất phải thuê tây về phục vụ. Một pha chế tây, một quản lý tây. Vì nghĩ rằng phải có tây vào mới thêm sang trọng". Chưa đầy 6 tháng, anh chủ phải cho hai ông tây nghỉ việc vì không hề mang lại kết quả như mong đợi, các bộ phận thiếu kết nối, dẫn đến vận hành không hiệu quả dù lương phải trả cao gấp 3 lần so với nhân viên Việt.
Người Việt đến Mỹ, một bộ phận nhỏ đến trước năm 1975, sau đó thì nhiều hơn, tính đến nay cũng đã hình thành nên 2, 3 thế hệ. Sau quá trình chung sống với nhiều cộng đồng Việt tại Mỹ ở Oakland (California), Honolulu (Hawaii), Boston (Massachusetts)…, GS Kiều Linh đúc kết: "Bây giờ vẫn còn không ít người Việt thế hệ ngoài 70, ngày xưa phục vụ cho chế độ miền Nam, họ vẫn giữ lịch sử của họ. Ở Mỹ không được trọng dụng nhiều nên nhớ quá khứ, rồi nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, không tin Việt Nam hiện nay phát triển, vẫn nghĩ là trở về sẽ bị bắt, hợp tác đầu tư thì dễ bị lừa đảo. Và trong tâm tưởng họ nghĩ rằng nếu không có họ, không có miền Nam, thì Việt Nam chẳng là gì cả. Tâm lý tiêu cực ấy ảnh hưởng nhiều đến thế hệ con cháu. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một bộ phận nhỏ. Ngày càng có nhiều người về Việt Nam, thông tin trên mạng xã hội cũng phổ biến hơn, tết về lại quê nhà ăn tết, tảo mộ, lập mộ cho người thân, tâm tưởng và tư duy với Việt Nam của họ cũng thay đổi dần theo hướng tích cực".
Tâm lý thực dân ảnh hưởng qua nhiều thế hệ, có rất nhiều việc bị "nhiễm" mà không hay biết, nhất là ở chuyện phân biệt. Lấy ví dụ về khái niệm người trong nước, người ngoài nước. Từng một thời, cứ ở "bển" về mới là sang xịn. Từng một thời cứ phải là thành thị mới xứng tầm đẳng cấp, sành điệu. Thành thị là sáng sủa, còn nông thôn là nghèo đói... Thế nên không khó để nhận ra ở các làng quê Việt bây giờ, làng biến thành phố, nhà cửa lô xô, chen nhau, mặt tiền là những kiểu thức kiến trúc mang phong cách Âu, những biệt thự kiểu tây ngập tràn.
Ngay cả lĩnh vực bất động sản, các khu đô thị mới cũng ra rả những khẩu hiệu quảng cáo như: "Không gian sống đậm chất châu Âu, phong cách hoàng gia, phong cách quý tộc"… với trang trí các hình tượng sao chép thô thiển từ Âu đưa về. Cái sự thô thiển ấy, hiển nhiên rõ nét bởi ngay cái bản sắc riêng mình còn diễn tả không được, việc sao chép chỉ càng làm bộc lộ sự thiếu tự tin. Để xóa bỏ được tâm lý thực dân ấy, không chỉ ngày một ngày hai, mà nói như GS Kiều Linh là: "Cần đến tác động của cả xã hội".
LỢI THẾ LÀ NGƯỜI VIỆT
Không khó để nhận ra một thế hệ người Việt mới đang dần khẳng định "thương hiệu Việt Nam" với toàn cầu. Hình ảnh Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của trò chơi điện tử Flappy Bird, ngồi cắn hạt dưa, uống trà đá vỉa hè Hà Nội với Sundar Pichai, CEO của Google; hay một Phạm Thiên Ân đem đến liên hoan phim Cannes danh giá tác phẩm Bên trong vỏ kén vàng để rồi được vinh danh với giải Camera vàng nhờ sự sáng tạo trong tác phẩm điện ảnh đầu tay… Và còn nhiều những tên tuổi đình đám trong các lĩnh vực kinh doanh, thời trang, nghệ thuật, văn chương, giáo dục… là người Việt, họ lan tỏa dấu ấn Việt trong lĩnh vực chuyên môn và được quốc tế công nhận.
Đình làng cổ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) trầm mặc, một nét đẹp đầy bản sắc
Ảnh: NVCC
Một địa phương ở Việt Nam nhưng mặt tiền các ngôi nhà đều có thiết kế phong cách châu Âu
Ảnh: NVCC
Đặt vấn đề với GS Kiều Linh rằng lối tư duy tâm lý thực dân đã ăn sâu vào tiềm thức các thế hệ trước, đồng thời là cái bẫy với thế hệ sau, không tỉnh táo là "dính đòn", vậy làm sao để thoát bẫy?, chị chia sẻ: "Người Việt bây giờ giỏi lắm, họ biết tận dụng lợi thế, nền tảng, bản sắc là người Việt để khi hòa nhập xã hội bên ngoài, họ dùng chính thế mạnh bản sắc để khẳng định khả năng, không hề kém cạnh mà thậm chí còn vượt trội hơn. Và quan trọng hơn là ý thức tự hào dân tộc. Lấy ví dụ ngày trước, người Việt sang Mỹ, ai cũng muốn nhanh nhanh vào quốc tịch, bỏ quốc tịch Việt Nam, nhưng thời gian gần đây, người lấy lại hộ chiếu Việt Nam, nhập quốc tịch Việt Nam ngày càng nhiều. Một khi bạn tự tin vào bản sắc của mình, tự hào khẳng định mình, khoe với mọi người tôi là người Việt Nam, chắc chắn khi ấy sẽ không có chỗ cho tâm lý thực dân".
Lấy ví dụ cụ thể về bản thân, GS Kiều Linh chia sẻ thêm: "Nhờ kinh nghiệm đa sắc tộc và quốc tế của mình, tôi sớm hiểu rằng mọi người thuộc mọi thành phần đều đóng góp cho cộng đồng toàn cầu của chúng ta. Vì vậy, tôi tiếp thu thành công những lý tưởng về lòng khoan dung trong bối cảnh căng thẳng chủng tộc ở Mỹ. Tôi đến gần hơn với cộng đồng người Mỹ gốc Việt khi đang khám phá các vấn đề về bản sắc và tích lũy của chính mình. Trong đó, yếu tố văn hóa, nghệ thuật chiếm lĩnh vị trí quan trọng. Để hiểu rõ hơn về văn hóa Việt Nam, tôi đầu tư nhiều năm vào việc học tiếng Việt. Tôi đã mất khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ này khi gia đình định cư ở Mỹ. Để khắc phục, tôi kêu gọi phong trào sinh viên và cộng đồng học tiếng Việt ở Trường UC Berkeley từ năm 1992, đây là khóa học lâu dài cung cấp các cấp độ từ cơ bản đến nâng cao về tiếng Việt. Bây giờ tôi cũng là người thúc đẩy phong trào tiếng Việt tại UC Davis dành cho người Việt thế hệ thứ ba và thứ tư ở hải ngoại".
Thiên nhiên - con người, những vẻ đẹp tạo nên một Việt Nam ngày càng hùng cường, hưng vượng
Ảnh: NVCC
Thêm một lợi thế để người Việt thoát bẫy thực dân, với GS Kiều Linh, đó là thế hệ trẻ: "Ngày trước ra đường ở Sài Gòn, nhìn Việt kiều là nhận ra ngay, bây giờ khó rồi. Còn khi vào câu chuyện, khi làm việc, nhiều bạn trẻ chẳng thua gì so với các bạn đồng trang lứa đến từ bất kỳ đâu. Sự phân biệt trong - ngoài nước cũng không còn nặng nề như trước. Đặc biệt thế hệ mới ở Việt Nam thực sự năng động và sáng tạo. Những lợi thế về cả thân - tâm - trí của người Việt đang thực sự ở giai đoạn chín muồi. Đã đến lúc đem những lợi thế ấy ra để cùng chung tay gìn giữ, phát triển và tự hào là người Việt Nam".
Nguồn: https://thanhnien.vn/thoat-bay-tam-ly-thuc-dan-185250429161204801.htm
Bình luận (0)