Ông Nguyễn Văn Toại, Giám đốc Công ty chứng khoán VPS, phân tích: Luật Thuế thu nhập cá nhân 4/2007, hiệu lực từ 1/1/2009 quy định 2 phương pháp thu thuế với chuyển nhượng chứng khoán.
Cụ thể, trường hợp áp thuế trên thu nhập với kỳ tính thuế theo năm thì mỗi lần chuyển nhượng cá nhân tạm nộp thuế thu nhập cá nhân 0,1% trên giá bán từng lần và không phải quyết toán thuế khi kết thúc năm tính thuế.
Với trường hợp cá nhân áp dụng phương pháp thu thuế theo thuế suất 20%, có kỳ tính thuế theo năm thì mỗi lần chuyển nhượng cá nhân tạm nộp thuế 0,1% trên giá bán từng lần, cuối năm quyết toán được trừ số thuế đã tạm nộp.
Sau đó, luật về thuế có hiệu lực từ đầu năm 2015 quy định thống nhất một phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần.
"Như vậy thực tế quy định thu thuế 20% trên lãi chứng khoán hàng năm đã được thực hiện rồi, giờ chỉ là đề xuất lại, thống nhất một phương pháp thu thuế với các giao dịch chứng khoán. Vì vậy tôi cho rằng chính sách này là bình thường, mức thu 20% cũng hợp lý.
Chính sách này thậm chí còn giúp nhà đầu tư có lợi nhiều hơn khi quyết toán vào cuối năm. Bởi nếu tính phí theo từng giao dịch trực tiếp, nhà đầu tư sẽ mất tiền nhưng chọn quyết toán cuối năm, nếu nhà đầu tư không có lợi nhuận sẽ không mất phí gì cả. Trên thực tế, tính theo cả năm, tỷ lệ nhà đầu tư lỗ rất cao", ông Toại nói.
Ông Toại cũng cho rằng, việc thu thuế thu dựa trên mức lợi nhuận hàng năm sẽ có lợi cho nhà đầu tư "lướt sóng". Bởi theo chính sách cũ, thu thuế 0,1% cho mỗi giao dịch, những nhà đầu tư này thường giao dịch nhiều lần năm trong năm sẽ mất rất nhiều tiền. Trong khi với chính sách mới, dù bao nhiêu giao dịch trong năm cũng sẽ chỉ bị tính phí 1 lần, điều này có lợi hơn.
Ngược lại, với các "cá mập", cả năm chỉ có một vài giao dịch lớn trước đây chỉ mất ít tiền hơn thì hiện nay phải tính theo mức 20% lợi nhuận và có thể sẽ bị phát sinh chi phí. Tuy nhiên, điều này lại khiến họ khó thao túng thị trường hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi - cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất chuyển sang mô hình đánh thuế thu nhập cá nhân theo lợi nhuận thực tế hàng năm từ giao dịch chứng khoán với mức thuế suất 20% về mặt lý thuyết là hình thức công bằng hơn, bởi chỉ khi nhà đầu tư có thu nhập thực mới phải đóng thuế.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, ở góc độ thực tiễn, nếu thiếu lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng, việc chuyển đổi sang mô hình này có thể tạo ra một số hệ quả không mong muốn.

Bộ Tài chính đề xuất thống nhất thu thuế 20% trên lãi chứng khoán hàng năm. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, việc thu thuế trên lãi chứng khoán có thể khiến thanh khoản thị trường bị suy giảm, do tâm lý thận trọng và phản ứng phòng thủ từ phía nhà đầu tư.
Chính sách này cũng có thể tác động lan tỏa đến định giá cổ phiếu, khi chi phí đầu tư tăng làm thay đổi khẩu vị rủi ro và chiến lược nắm giữ.
Về mặt cấu trúc quản trị, việc đánh thuế theo lãi ròng đòi hỏi năng lực quản lý dữ liệu cực kỳ mạnh mẽ. "Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng nền tảng dữ liệu tích hợp giữa cơ quan thuế - hệ thống giao dịch - công ty chứng khoán. Vì vậy cần áp dụng có lộ trình để tránh gây quá tải vận hành và rủi ro tính sai thuế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin thị trường”, ông Huy nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc đánh thuế trên lợi nhuận phát sinh từ giao dịch có thể làm chậm luồng thanh khoản, giảm tính hấp dẫn trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng về lâu dài, thị trường sẽ ổn định trở lại và đây không phải là yếu tố gây tổn hại đến thị trường chứng khoán.
Ông Hiếu nhấn mạnh chính sách thu thuế trên lãi chuyển nhượng chứng khoán là cần thiết. Bởi tất cả những tài sản khi chuyển nhượng với nhau mà phát sinh lãi thì trở thành thu nhập và phải trả thuế.
“Do đó, khi hoạt động chuyển nhượng chứng khoán phát sinh tiền lãi thì số tiền lãi đó phải đóng thuế. Và mức thuế 20% là hợp lý. Hiện nay, nhà đầu tư đang phải nộp thuế trực tiếp trên các giao dịch phát sinh. Nhưng thực tế, số tiền giao dịch này là số tiền đã được đóng thuế rồi, nếu tiếp tục thu thuế trên mỗi lần chuyển nhượng sẽ xảy ra việc thuế chống thuế. Do đó bây giờ sẽ chỉ đánh thuế trên tiền lãi phát sinh sẽ công bằng hơn”, ông Hiếu nói.
Cần phương pháp kiểm soát công bằng, minh bạch
Ông Hiếu cũng nhấn mạnh để thực hiện chính sách mới một cách công bằng và hiệu quả, chi phí đầu vào và giá bán ra phải được xác định rõ ràng để tìm ra được mức chênh lệch dương và đánh thuế trên mức đó. Còn nếu mức chênh lệnh âm thì cá nhân sẽ không phải đóng thuế.
Từ đó, ông Hiếu cho rằng, lãi chuyển nhượng chứng khoán cần được công khai, minh bạch, đảm bảo tính chính xác và phải được ghi nhận bằng hệ thống điện toán kết nối với các cơ quan quản lý.
“Ở đây đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, không chỉ của các cơ quan quản lý mà các thành phần tham dự thị trường cũng phải có sự trung thực”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Chuyên gia Nguyễn Quang Huy thì đề xuất nên áp dụng thuế suất lũy tiến hoặc thuế suất phân biệt theo thời gian nắm giữ. Ví dụ: Nắm giữ <6 tháng: thuế suất cao (20%); Nắm giữ từ 6–12 tháng: thuế suất trung bình (10–15%); Nắm giữ >1 năm: thuế suất ưu đãi (5–10%)
Ngoài ra, nên miễn thuế với phần lợi nhuận nhỏ để hỗ trợ nhà đầu tư nhỏ, khuyến khích thị trường đầu tư đại chúng. Và cho phép chuyển lỗ liên kỳ (tối đa 2–3 năm) như các nước phát triển để giảm tính chu kỳ đầu tư.
“Chính sách cần lộ trình ít nhất 1-2 năm để không gây sốc thị trường. Đồng thời, tổ chức đối thoại chính sách công khai với các hiệp hội, công ty chứng khoán và nhà đầu tư để điều chỉnh hợp lý. Cần xây dựng hệ thống chuyên nghiệp để giải thích, tra cứu và hỗ trợ người nộp thuế, tránh tạo gánh nặng tâm lý hoặc cảm giác bị đối xử bất công”, ông Huy nói.
Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định về thu nhập chịu thuế và cách tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn và chứng khoán.
Cơ quan này đề xuất khoản thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân cư trú được xác định bằng khoản thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%.
Khoản thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ tính thuế (theo năm).
Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng, thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán nhân với thuế suất 0,1% theo từng lần chuyển nhượng.
Còn thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm giao dịch hoàn thành theo quy định pháp luật.
Nguồn: https://vtcnews.vn/thu-thue-20-tren-lai-chung-khoan-hang-nam-ngan-ca-map-thao-tung-thi-truong-ar956027.html
Bình luận (0)