Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 33 văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các nội dung của Luật; rà soát, sửa đổi 34 văn bản, trong đó đã cập nhật và bổ sung 9 văn bản, thể hiện sự chủ động trong xây dựng thể chế.
Quảng Ninh cũng đã đầu tư đáng kể cho công tác bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2022-2024, tổng kinh phí chi sự nghiệp môi trường hơn 2.231 tỷ đồng, chiếm 2,37% tổng chi ngân sách địa phương, vượt mức quy định tối thiểu 1% của Trung ương. Cùng với đó, tỉnh tiếp nhận và triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, như xử lý nước thải tại Vịnh Hạ Long, tái chế phế thải xây dựng, giảm rác thải nhựa... Đặc biệt, tỉnh đã đạt tỷ lệ 100% khu công nghiệp và cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định; công tác quan trắc, giám sát chất lượng không khí, nước mặt được triển khai đồng bộ. Đến nay, 36 vị trí quan trắc nước mặt đều đạt tiêu chuẩn, chất lượng không khí tại các địa phương thường xuyên duy trì ở mức tốt.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh công tác bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, mà còn là một trụ cột phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, trong suốt quá trình tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, chuyển dịch từ ‘nâu’ sang ‘xanh’.
Đồng chí cho biết, nhiều chỉ tiêu môi trường đã được tỉnh đưa vào các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, coi đó là điều kiện tiên quyết trong thẩm định, quyết định đầu tư. HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, phân bổ ngân sách ưu tiên cho xử lý chất thải, đầu tư hạ tầng môi trường, hỗ trợ các mô hình kinh tế xanh. Đồng chí mong muốn được Quốc hội tiếp tục đồng hành, giám sát, hỗ trợ để Quảng Ninh thực hiện thành công mục tiêu phát triển xanh, bền vững, vì lợi ích lâu dài của nhân dân.
Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến các vấn đề: Thu gom, xử lý rác thải; phạm vi phủ sóng các trạm quan trắc tự động, tính chính xác và khả năng cảnh báo sớm khi xảy ra sự cố môi trường; đồng thời làm rõ cơ chế công khai dữ liệu tới người dân; cơ chế giám sát nghĩa vụ tài chính, thuế, phí trong bảo vệ môi trường; quản lý phát thải khí nhà kính, các đại biểu quan tâm đến tiến độ kiểm kê khí nhà kính và các giải pháp tỉnh đang triển khai nhằm giảm phát thải trong các ngành công nghiệp trọng điểm…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quang Mạnh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đánh giá cao nỗ lực của Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đóng góp vào phát triển bền vững. Đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phản ánh cụ thể những khó khăn, chồng chéo giữa các quy định liên ngành (môi trường - đất đai - đầu tư - tài nguyên nước)… đây là những vấn đề thiết thực cần tổng hợp để Quốc hội xem xét hoàn thiện pháp luật.
Mặt khác, tỉnh cần tiếp tục phân bổ ngân sách hợp lý trong công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục đánh giá năng lực cán bộ làm công tác môi trường, nhất là cấp xã; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn sâu, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn ngày càng cao.
Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số đơn vị sản xuất, kinh doanh lớn có tác động đến môi trường: Công ty CP than Hà Lầm - Vinacomin; Công ty CP Than Cao Sơn - TKV; Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương. Qua khảo sát, Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của tỉnh và doanh nghiệp trong việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, đồng thời chỉ ra các vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện để đảm bảo phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đoàn tổng hợp, kiến nghị chính sách với Quốc hội và Chính phủ trong thời gian tới.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/doan-giam-sat-cua-quoc-hoi-giam-sat-cong-tac-bao-ve-moi-truong-tai-quang-ninh-3366872.html
Bình luận (0)