Thương binh Trần Văn Đấu vệ sinh chuồng nuôi heo.
Hai ông Trần Văn Đấu và Danh My đều là cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.
Ông Trần Văn Đấu kể: “Năm 1971, tôi nhập ngũ, lúc đầu thuộc Tiểu đoàn 207, sau chuyển về Huyện đội Tân Hiệp. Năm 1977, tôi được lệnh chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1978, khi đang làm nhiệm vụ, tôi bị thương nặng do súng ĐKZ của quân Pol Pot bắn trúng. Nhiều đồng đội hy sinh ngay tại hầm, còn tôi phải điều trị suốt 3 tháng. Hồi phục xong, tôi lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ đến năm 1983 mới trở về địa phương”. Cùng thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Mến - vợ ông Đấu vẫn lặng lẽ chờ chồng. Bà Mến nói: “Năm 1980 cưới nhau, ảnh chỉ ở nhà đúng 1 tháng rồi đi biền biệt. Ba năm trời tôi chỉ nhận được một lá thư tay”.
Trở về khi đất nước hòa bình, cuộc sống của vợ chồng ông Đấu cũng không ít gian nan. Chỉ có vài công ruộng lúa mùa, thêm việc nuôi heo để mưu sinh. Vừa bám đất làm kinh tế vừa tham gia công tác địa phương, ông đã có 32 năm (1985 - 2017) làm Trưởng ấp Thạnh An 1, xã Thạnh Đông. Giờ đây, ông sở hữu hơn 7ha đất ruộng, nuôi hơn 100 con heo, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền của xã.
Ông còn tiên phong trong chuyển đổi sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “5 phải, 1 đúng”, góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân. Từ chỗ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nay bà con Thạnh An 1 đã ứng dụng cơ giới hóa như máy bay phun thuốc, máy gặt đập liên hợp, giúp làm nông nhàn hơn, hiệu quả cao hơn.
Ban lãnh đạo ấp Thạnh An 2 đến thăm hỏi thương binh Danh My (giữa).
Tại ấp Thạnh An 2, thương binh Danh My (74 tuổi) là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên và trong giáo dục con cháu. Ông có 12 năm tham gia chiến đấu, từng 7 lần bị thương.
Trở về đời thường với sức khỏe yếu, ông My cùng vợ vẫn cần cù lao động, nuôi dạy ba người con nên người. Dưới sự giáo dục của ông, người con út là Danh Minh Thương trở thành đảng viên và tình nguyện nhập ngũ. Mới đây, cháu ngoại Danh Duy Khanh do ông nuôi nấng từ nhỏ cũng hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Ông Trần Văn Trường - Trưởng ấp Thạnh An 2 cho biết: “Ấp có 72 gia đình chính sách đều gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó, ông Danh My là tấm gương tiêu biểu, truyền lửa cách mạng cho con cháu và thanh niên hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc”.
Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và Mặt trận xã Thạnh Đông đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Đông Dương Quang Đáng cho biết, toàn xã hiện có 45 thương binh, bệnh binh; 61 người có công đang nhận trợ cấp hàng tháng; 20 thân nhân liệt sĩ; 150 người thờ cúng liệt sĩ; 19 người thờ cúng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 2 người nhiễm chất độc hóa học. Tất cả gia đình chính sách đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ khám, chữa bệnh, nhà ở theo quy định. Riêng năm 2025, xã đã phối hợp xây dựng, sửa chữa 16 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách và thân nhân liệt sĩ.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/thuong-binh-trong-thoi-binh-a424950.html
Bình luận (0)