Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiễn đưa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng

(NLĐO) - Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách cao đẹp của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sẽ mãi là niềm tự hào, là di sản tinh thần vô giá trong lòng đồng đội, văn nghệ sĩ trẻ

Người Lao ĐộngNgười Lao Động31/03/2025

Tiễn đưa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng- Ảnh 1.

Di ảnh của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng

Từ tờ mờ sáng 31-3, đông khán giả, văn nghệ sĩ đã đến Nhà tang lễ quốc gia phía Nam chờ đến giờ đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương.

Ngoài gia đình và thân hữu còn có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, nhân sĩ trí thức đến tiễn ông như: NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, NSƯT Trần Vương Thạch, Nhà thơ Tú Lệ, Biên đạo múa Lê Nguyên Hiều, ca sĩ Bích Phượng, NSƯT Bạch Yến, ca sĩ Đào Đức, nhà báo Trần Nhật Vy, nhà văn Bích Ngân, nhà văn Trầm Hương, nhà báo Thúy Nga…đã đến từ sớm.

Tiễn đưa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Đông – Bí thư TP Thủ Dầu Một – Bình Dương đọc điếu văn tiễn biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Các nghệ sĩ đã ôn lại nhiều kỷ niệm khó quên về nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, NSƯT Bạch Yến (VOH) khóc: "Mỗi chuyến đi sưu tầm bài dân ca các tỉnh thành phía Nam, tôi đều được theo chân ông bà. Mỗi chuyến đi đọng lại quá nhiều ký ức, rồi sau chuyến đi ngồi lại, đúc kết, ghi chép, trao đổi tạo nên những bản phối âm nguyên gốc của đợt sưu tầm. Khi đó ông vui như được dự ngày hội lớn".

Tiễn đưa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng- Ảnh 3.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, thắp hương tiễn biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Mọi người đều xúc động và rơi nước mắt trong lần đưa tiễn nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ca sĩ Bích Phượng rưng rưng khi nghe NSND Trọng Phúc hát ca khúc "Bài ca đất phương Nam" trong giờ động quan. Chị là người may mắn được ông trao gửi ca khúc "Kiên Giang mình đẹp lắm!", mà ông và vợ là nhà thơ Lê Giang đã sáng tác, dựa theo "Lý chèo đưa cá ông". 

Tiễn đưa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng- Ảnh 4.

Từ trái sang: Nhà văn Trầm Hương, bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó giám đốc Sở VHTT TP HCM, nhà thơ Tú Lệ - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM, nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM) tiễn biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Ông Nguyễn Văn Đông – Bí thư TP Thủ Dầu Một – Bình Dương đọc điếu văn, trong đó ghi nhận: "Đồng chí Lê Văn Gắt - Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam, đã vĩnh viễn rời xa chúng ta, về cõi vĩnh hằng vào lúc 09 giờ 30 phút, ngày 29 tháng 3 năm 2025, hưởng thọ 89 tuổi.

Tiễn đưa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng- Ảnh 5.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, bà Ngọc Diễm - Phó Trưởng Phòng Khoa giáo, Văn hóa, Văn nghệ Ban Tuyên giáo và Dân vận TP HCM thắp hương tiễn biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Hôm nay, ngày 31 tháng 3 năm 2025, trong niềm tiếc thương vô hạn, chúng ta – những người đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè thân hữu, gia quyến và khán giả ngưỡng mộ tài năng của nhạc sĩ cùng có mặt nơi đây để tiến hành Lễ truy điệu, tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa, người đã để lại cho đời nhiều tác phẩm xuất sắc: đồng chí Lê Văn Gắt - nghệ danh Lư Nhất Vũ".

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh ngày 13-4-1936 tại Phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương;  lớn lên trong bối cảnh đất nước còn chia cắt, ngay từ khi còn cắp sách đến trường (giai đoạn 1953 – 1955), ông đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước. Cậu bé Lê Văn Gát thời đó đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh của học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn tại trường tư thục Nguyễn Trãi.

Tiễn đưa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng- Ảnh 6.

Ca sĩ Bích Phượng, NSƯT Bạch Yến tiễn biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Tháng 7-1955, hưởng ứng lời kêu gọi của phong trào Bảo vệ hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn, đồng chí được bố trí vượt tuyến ra miền Bắc để tiếp tục học tập, chuẩn bị cho chặng đường dấn thân vì Tổ quốc.

"Đoàn quân bước trên đường rừng,

Bình minh lấp lánh chân trời xa.

Miền biên giới xanh thẳm,

Hạt sương long lanh cành lá.

Từ nơi biên cương núi cao,

Người lính qua trăm suối nghìn đèo.

Lắng nghe tiếng ru của mẹ hiền

Ngày đêm giục bước con hành quân…."

Có lẽ từ nhiệt huyết của tuổi trẻ, từ những tháng ngày ông gia nhập Đoàn thanh niên xung phong Trung ương, tham gia lao động xây dựng trên nhiều công trường lớn (tháng 8-1955 đến 10-1956), đã hun đúc trong lòng đồng chí những lời ca khí thế, để sau này khi trở thành người sáng tác âm nhạc, và đến khi đưa con trai lên đường nhập ngũ trong chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam (1978), giây phút chia tay, anh Lê Anh Trung nói: ''Ba mẹ hãy yên lòng về con''. Câu nói gợi cho ông nhớ lại tuổi trẻ của mình, khi đó đối diện với lý tưởng của con trai, để ông viết ca khúc để đời "Hãy yên lòng mẹ ơi".

Tiễn đưa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng- Ảnh 7.

Các nghệ sĩ, ca sĩ TP HCM thắp hương nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhớ lại: "...Ngày 1-5-1975, trong niềm vui đại thắng của dân tộc, ông có mặt trong đoàn tiếp quản thành phố Cần Thơ, chứng kiến những giây phút lịch sử của đất nước. Đây là giai đoạn đồng chí đã sáng tác những ca khúc cách mạnh, tạo khí thế mới trong xây dựng đất nước sau ngày thống nhất, đó là những ca khúc: Sáng ra công trường, Gửi bạn Algérie, Chiếc khăn rằn, Tưởng nhớ Trần Văn Ơn...".

PGS TS Thế Bảo cho biết từ ngày 19-5-1975 đến năm 1997, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trở lại Sài Gòn – TP HCM và tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc Nước nhà, đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng. Trên mọi cương vị công tác, ông luôn là người lãnh đạo gần gũi, sâu sát, vui vẻ và hòa đồng với đồng nghiệp. Đặc biệt, với vai trò Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam tại TP HCM, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, dám đổi mới vì sự phát triển của ngành văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Tiễn đưa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng- Ảnh 8.

Các văn nghệ sĩ TP HCM, lãnh đạo TP HCM, Bình Dương tiễn biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Tiễn đưa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng- Ảnh 9.

Bà Nguyễn Thanh Mai - con dâu của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - bày tỏ lòng biết ơn của gia đình đối với các cơ quan, ban ngành đã quan tâm, chia buồn, động viên gia đình trong thời gian tổ chức tang lễ nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Đến năm 1997, ca khúc "Bài ca đất phương Nam", bài hát viết chung với người bạn đời tri kỷ nhà thơ Lê Giang, ra đời, mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, ca ngợi vẻ đẹp của vùng sông nước Cửu Long và tình nghĩa sâu đậm của con người nơi đây. Đặc biệt, ông là người đưa âm nhạc ngũ cung với "hò, xự, xang, xê, cống" vào sáng tác của mình một cách ngọt ngào, sâu lắng, như chính tâm hồn và hơi thở của mình. Gia tài tác phẩm âm nhạc và những công trình nghiên cứu, sưu tầm dân ca của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang không chỉ là niềm tự hào của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, của quê hương Bình Dương và TP HCM mà còn là di sản âm nhạc cách mạng quý báu để lại cho các thế hệ muôn đời sau".

  • Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên viếng tang nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

  • NHẠC SĨ LƯ NHẤT VŨ: Trọn đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc

Với những cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và xây dựng, phát triển đất nước, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Quyết thắng hạng nhì; Huy chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy chương "Vì thế hệ trẻ"; Huy chương "Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam"; Huy chương "Vì sự Nghiệp Âm nhạc"; Huy chương "Vì sự nghiệp Văn hoá thông tin"; Xác nhận kỷ lục "Có nhiều công trình nghiên cứu Dân ca Nam Bộ nhất Việt Nam"; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; Giải thưởng Bài ca "Đất Phương Nam"; Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng và được trao thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý của Bộ, Ngành Trung ương và địa phương.


Nguồn: https://nld.com.vn/tien-dua-nhac-si-lu-nhat-vu-ve-noi-an-nghi-cuoi-cung-196250331095402015.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm