Lực lượng tình nguyện tham gia là các bạn sinh viên tình nguyện đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, bao gồm: 30 sinh viên Trường Đại học Tiền Giang đang hoạt động tại xã Tân Điền và xã Gò Công Đông; 10 sinh viên Trường Cao đẳng Tiền Giang tại xã Tân Đông; 10 sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang tại xã Tân Phú Đông.
Đợt hoạt động cao điểm này diễn ra từ ngày 21-7 đến hết ngày 25-7, tập trung vào việc hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số tại địa phương.
Chiến dịch "Bình dân học vụ số" mang nhiều ý nghĩa và nội dung thiết thực như phổ cập kiến thức số, triển khai sâu rộng phong trào nhằm phổ cập kiến thức, kỹ năng số cơ bản cho người dân tại 11 xã, phường biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, nâng cao nhận thức, hình thành thói quen và kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong đời sống hằng ngày, thúc đẩy phát triển công dân số, kinh tế số và xã hội số tại khu vực biên giới, góp phần thu hẹp "khoảng cách số" giữa các vùng, miền.
Phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên tình nguyện, tiên phong trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận, học tập, rèn luyện và ứng dụng kỹ năng số, hình thành thói quen sử dụng nền tảng số phục vụ đời sống, sản xuất.
Trong những ngày này, các đội hình đang triển khai nhiều hoạt động trọng tâm như tuyên truyền nâng cao nhận thức số; tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp, giới thiệu về công dân số, kỹ năng số cơ bản, và vai trò của chuyển đổi số trong đời sống, sản xuất. Hướng dẫn sử dụng các nền tảng thiết yếu như VNeID, Dịch vụ công quốc gia, ví điện tử, ngân hàng số...
Hỗ trợ "1 kèm 1": Thành lập các đội hình nhỏ đi đến từng hộ gia đình hoặc điểm nhóm để hỗ trợ cài đặt VNeID, ví điện tử, hướng dẫn sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, quét mã QR, thanh toán điện nước qua mạng và bảo vệ tài khoản.
Tập huấn kỹ năng số và AI cơ bản: Tổ chức các lớp học về cách tra cứu thông tin chính thống, chống tin giả, giới thiệu công cụ AI đơn giản (ChatGPT, Gemini) và kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, phòng tránh lừa đảo công nghệ.
Sân chơi "Công dân số nhí": Tổ chức các hoạt động cho học sinh từ 8 - 14 tuổi làm quen với máy tính, trải nghiệm công cụ học tập/giải trí, kỹ năng sử dụng Internet an toàn và giới thiệu AI đơn giản.
Triển khai "Chợ 4.0" và "Căn tin không dùng tiền mặt": Hướng dẫn các tiểu thương, quán ăn cài đặt ví điện tử, thanh toán bằng mã QR, giúp việc giao dịch tiện lợi và minh bạch hơn.
L.OANH
Nguồn: https://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202507/tiep-suc-cac-doi-hinh-binh-dan-hoc-vu-so-tai-vung-bien-gioi-bien-1047180/
Bình luận (0)