Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiếp sức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Dự án 1, giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình) đã giải quyết một số nhu cầu cấp thiết trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, trên 2.100 hộ nghèo được hiện thực hoá giấc mơ an cư, là nền tảng để người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang28/06/2025

 

Gia đình chị Dương Thị Sang (ngoài cùng bên trái) thôn Đá Trơn, xã Đông Thọ (Sơn Dương) được hỗ trợ kinh phí xây nhà mới khang trang.

Hiện thực giấc mơ an cư

Gia đình chị Dương Thị Sang, thôn Đá Trơn, xã Đông Thọ (Sơn Dương) thuộc hộ nghèo, sống trong ngôi nhà cũ, nhỏ hẹp đã xuống cấp và không có khả năng làm nhà ở mới. Trước hoàn cảnh đó, từ nguồn vốn của chương trình MTQG, xã Đông Thọ đã hỗ trợ gia đình chị Sang 50 triệu đồng làm căn nhà vững chãi với diện tích 90m2, 1 phòng khách, 3 phòng ngủ, mái lợp tôn. “Tôi mừng lắm! Có nhà ở đàng hoàng, con cái có chỗ học hành tử tế, tôi có thêm động lực để làm ăn, thoát nghèo”- chị Sang bộc bạch.

Chị Sang chỉ là 1 trong 42 hộ nghèo đồng bào DTTS tại xã Đông Thọ được hỗ trợ làm nhà từ nguồn vốn các chương trình MTQG. Đồng chí Nguyễn Thanh Ba, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Thọ (Sơn Dương) cho biết, các hộ được thụ hưởng đều là hộ nghèo thật sự khó khăn, có ý chí vươn lên. Từ chỗ ổn định nơi ở, họ có điều kiện phát triển kinh tế, chăm lo con cái, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

 

Hội LHPN huyện Sơn Dương trao tiền hỗ trợ xoá nhà tạm cho hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Từ khi triển khai Chương trình, xã đã làm mới, sửa chữa 42 nhà, kinh phí 1,8 tỷ đồng. Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở được thực hiện minh bạch, công khai, đúng đối tượng và nhận được sự đồng tình cao từ Nhân dân. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án đã hỗ trợ 286 téc nước sinh hoạt cho bà con, kinh phí 856 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 40 hộ nghèo với kinh phí 400 triệu đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống..."

Gia đình anh Dương Văn Bính, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) là một trong số hàng nghìn hộ ở Tuyên Quang được hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn Chương trình, để làm nhà mới. Nhiều năm nay, gia đình anh ở trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa to, gió lớn là cả gia đình lại nơm nớp lo sợ. Năm 2024, anh Bính được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Anh vay thêm 100 triệu đồng và nhờ bà con, họ hàng giúp ngày công, vật tư để xây căn nhà mới.

Anh Bính vui mừng: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi đã có ngôi nhà mới. Cả nhà ai cũng mừng lắm, niềm hạnh phúc mong ước bao lâu nay của mình về ngôi nhà khang trang làm nơi tránh mưa, tránh bão giờ đây đã thành hiện thực. Đây là động lực lớn để gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế”.

Động lực vươn lên thoát nghèo

Xác định việc xóa nhà ở tạm, dột nát là một nội dung trọng tâm giúp đồng bào DTTS sớm cải thiện đời sống, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, cán bộ cơ sở tại Hàm Yên đã có nhiều cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế để vận động, tuyên truyền các hộ nghèo nắm bắt cơ hội, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để xây dựng, sửa chữa nhà ở dột nát.

Đồng chí Ma Văn Liên, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hàm Yên cho biết, huyện cũng huy động mọi nguồn lực để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; phối hợp phân bổ nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từ nguồn vốn các Chương trình MTQG. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động đã được cả hệ thống chính trị Hàm Yên quan tâm thực hiện đồng bộ nhằm nêu rõ mục tiêu của Chương trình, tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong Nhân dân. Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, đến nay toàn huyện đã làm mới và sửa chữa nhà ở cho trên 1.100 hộ gia đình khó khăn.

Theo thống kê của Sở Dân tộc và Tôn giáo, giai đoạn từ 2021 - 2025, thực hiện dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tỉnh được phân bổ trên 155 tỷ đồng để làm nhà ở. Từ kinh phí trên, đã hỗ trợ trên 2.100 hộ nghèo làm nhà ở, đạt 102% kế hoạch.  

Những kết quả trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và cải thiện đời sống vùng đồng bào DTTS thời gian qua đã tạo tiền đề vững chắc cho tỉnh trong công tác giảm nghèo. Bước vào giai đoạn mới, tỉnh đặt mục tiêu kiên định thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, các sở, ngành của tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện những hộ gia đình còn gặp khó khăn về nhà ở, đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt. Ngoài nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cộng đồng để tăng cường nguồn lực hỗ trợ; lồng ghép chặt chẽ với các chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất kinh doanh để giúp các hộ gia đình có sinh kế bền vững, thực sự thoát nghèo bền vững….

Với những định hướng rõ ràng và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin rằng giấc mơ về những ngôi nhà kiên cố, cuộc sống ấm no sẽ ngày càng lan tỏa rộng khắp vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Lý Thu

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/202507/tiep-suc-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3803499/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm