Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tìm giải pháp tăng tốc chuyển đổi số ngành xuất bản

(PLVN) - Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà là con đường chiến lược giúp ngành xuất bản Việt Nam bắt kịp hơi thở thời đại. Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng các nhà xuất bản số, một số giải pháp trọng tâm cần được triển khai đồng bộ, trong đó chính sách hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam24/05/2025

Xu hướng xuất bản trong kỷ nguyên số

Bước vào kỷ nguyên chuyển mình của đất nước, ngành xuất bản là lĩnh vực quan trọng, đã và đang thu hút được sự quan tâm của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý đến các đơn vị sự nghiệp, công ty và giới học giả. Minh chứng là, Hội sách Tuệ Đăng lần thứ nhất năm 2025 vừa diễn ra trong tuần đã thu hút được đông đảo các bên liên quan, với 5.000 đầu sách được giới thiệu và bày bán với nhiều nhà xuất bản, công ty in ấn, phát hành sách uy tín.

Đáng chú ý, Tọa đàm “Xu hướng xuất bản trong kỷ nguyên mới” trong khuôn khổ sự kiện này đã thảo luận nhiều vấn đề nổi bật về thực trạng và giải pháp đối với các nhà xuất bản trong giai đoạn hiện ngay để định vị lại, lựa chọn hướng đi phù hợp, lựa để tồn tại và phát triển bền vững. Các thách thức mới ngành xuất bản đang đối mặt bao gồm đổi mới xuất bản sách truyền thống, cập nhật các xu hướng mới như sách nói, sách điện tử và sách tự xuất bản; thói quen đọc sách thay đổi do các nền tảng số như Kindle, Wattpad, Google Books, Spotify, Audiobooks đang tái định hình văn hóa đọc; làm thế nào để sách tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt tri thức trong thời đại số…

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam, khẳng định sách nói riêng và ngành xuất bản nói chung dù đang đứng trước nhiều khó khăn, nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội trước ngưỡng cửa bước vào kỷ nguyên mới, nhưng sách vẫn luôn tồn tại, vẫn luôn đồng hành cùng độc giả. Bởi vì sách giữ vai trò to lớn trong việc tích lũy, truyền bá tri thức và các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách và trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tìm giải pháp tăng tốc

Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ then chốt, đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất lao động, đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, ngành xuất bản cần tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, để đổi mới mạnh mẽ toàn bộ chuỗi giá trị xuất bản, từ sản xuất, phát hành đến tiếp nhận và trải nghiệm của bạn đọc.

Nhà xuất bản Thông tin & Truyền thông đánh giá, Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, dân số trẻ và năng động, có khả năng tiếp cận công nghệ số nhanh, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế số nói chung và ngành xuất bản số nói riêng. Chuyển đổi số là yếu tố đột phá giúp ngành xuất bản Việt Nam vượt qua những thách thức truyền thống như hạn chế về thị trường, chi phí in ấn, phát hành, tạo ra cơ hội mới mở rộng phạm vi tiếp cận bạn đọc, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh. Nhà xuất bản đang vận hành ba nền tảng số: nền tảng phát hành sách in Book365.vn; nền tảng xuất bản số Ebook365.vn; và nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu quốc gia Sachdientu.vn. Các nền tảng này đã chứng minh tính hiệu quả trong việc hỗ trợ chuyển đổi số, mở rộng thị trường, nâng cao trải nghiệm người đọc và bảo đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Đồng thời, Nhà xuất bản đã chủ động hợp tác với các chuyên gia công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước để ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, bảo mật nâng cao vào hệ thống nền tảng.

Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng các nhà xuất bản số, một số giải pháp trọng tâm cần được triển khai đồng bộ. Trước hết là đầu tư vào hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực thông qua xây dựng trung tâm dữ liệu, nâng cấp bảo mật và tổ chức đào tạo về chuyển đổi số, AI và an ninh mạng. Song song đó, cần xây dựng hệ sinh thái mở, tạo điều kiện kết nối linh hoạt giữa các nhà xuất bản địa phương, các start-up công nghệ giáo dục, thư viện và cơ sở đào tạo; đồng thời khuyến khích phát triển các sản phẩm nội dung số đa dạng như sách nói, podcast, sách AR/VR.

Về công nghệ, các nhà xuất bản cần ưu tiên ứng dụng các công nghệ lõi như AI để tự động kiểm tra lỗi chính tả, gợi ý tiêu đề phù hợp, xây dựng hệ thống chatbot hỗ trợ khách hàng 24/7, cũng như cá nhân hóa đề xuất nội dung dựa trên hành vi và lịch sử tương tác của người dùng. Việc tăng cường hợp tác quốc tế sẽ mở rộng không gian phát triển cho xuất bản số Việt Nam, nhằm liên kết với các sàn sách điện tử lớn trong khu vực, góp phần đưa sách tiếng Việt ra thị trường quốc tế.

Nguồn: https://baophapluat.vn/tim-giai-phap-tang-toc-chuyen-doi-so-nganh-xuat-ban-post549513.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm