Anh Phạm Ngọc Đá, Giám đốc HTX công nghệ cao ODA, huyện Phong Điền giới thiệu sản phẩm bột lê ki ma.
Tận dụng nguồn nấm rơm sẵn có từ trang trại của gia đình, chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã mở hướng đi mới, làm bánh phồng nấm rơm, mang thương hiệu Tài Phát. Hiện Cơ sở Tài Phát đã đưa vào sản xuất và thương mại hóa 3 loại bánh phồng, gồm: bánh phồng nấm rơm, bánh phồng nấm bào ngư và bánh phồng nấm đùi gà, với chất lượng thơm ngon, giàu dinh dưỡng, thích hợp sử dụng cho mọi khách hàng, đặc biệt là người ăn chay hoặc ăn kiêng.
Chia sẻ cơ duyên khởi nghiệp làm bánh phồng từ nấm rơm, chị Yến bộc bạch: Sau nhiều chuyến đi tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu ở nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL, tôi thấy nhiều nơi sản xuất bánh phồng từ cá, mực, tôm, mà chưa có bánh phồng nấm rơm. Từ đó, tôi đã ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp làm bánh phồng từ nấm rơm và cuối năm 2023, tôi bắt đầu đầu tư trang thiết bị, máy móc để chế biến món bánh phồng từ nguồn nấm rơm vốn có của gia đình mình. Qua 1 năm dày công nghiên cứu và chế biến, đến nay những chiếc bánh phồng Tài Phát đã được nhiều khách hàng biết đến, bởi hương vị thơm ngon đặc trưng và giàu dinh dưỡng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo chị Yến, để làm ra được những chiếc bánh phồng đạt chuẩn chất lượng cao, cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu tuyển chọn nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo nấm rơm tươi 100% được trồng và thu hoạch theo quy trình an toàn, đến khâu sơ chế nguyên liệu, hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo chị Yến, để xây dựng và phát triển thương hiệu bánh phồng nấm rơm, Cơ sở Tài Phát tiếp tục sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới từ nấm rơm, từ đó không chỉ đa dạng hóa sản phẩm bánh phồng nấm rơm hiện có của Cơ sở, mà còn giúp tạo thêm việc làm cho lao động địa phương cũng như đưa thương hiệu bánh phồng nấm rơm Tài Phát trở thành một đặc sản nổi tiếng của địa phương.
Nhận thấy nguồn trái lê ki ma vốn có ở địa phương khá dồi dào, anh Phạm Ngọc Đá, Giám đốc HTX công nghệ cao ODA, huyện Phong Điền, đã áp dụng công nghệ sấy thăng hoa và chế biến thành công sản phẩm bột lê ki ma, với hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe cho người sử dụng. Hiện HTX công nghệ cao ODA cho ra thị trường sản phẩm bột lê ki ma dạng đóng hộp, có trọng lượng 500 gram/hộp, cung cấp cho nhiều cửa hàng, đại lý ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh… với sản lượng bình quân 3 tấn bột thành phẩm/tháng; đồng thời, hỗ trợ bao tiêu đầu ra trên 2 tấn trái lê ki ma tươi mỗi ngày, với giá cả ổn định từ 8.000 đồng/kg cho 20 nhà vườn ở huyện Phong Điền.
Chia sẻ hành trình chế biến thành công nông sản quê thành mặt hàng thực phẩm dinh dưỡng, anh Đá, nói: Lê ki ma là cây ăn trái dễ trồng, dễ chăm sóc và cho trái quanh năm, nhưng giá bán trái tươi sau thu hoạch lại không cao (trên dưới 5.000 đồng/kg) do hạn chế người mua. Để giải quyết đầu ra trái lê ki ma cho nhà vườn ở địa phương, HTX bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa để sấy trái lê ki ma tươi thành trái cây sấy khô. Và để làm được bột lê ki ma thơm ngon, giữ được hương vị đặc trưng, HTX đã dày công nghiên cứu, xử lý mủ trái lê ki ma (để loại bỏ vị chát của lê ki ma) trước khi làm thành bột. Không chỉ dừng lại đó, để bột lê ki ma có thêm nhiều dưỡng chất bồi bổ cơ thể cho người dùng, HTX còn phối trộn thêm bột nấm đông trùng hạ thảo, bột nghệ, bột bí đỏ… Nhờ kết hợp được nhiều thành phần dưỡng chất trong cùng một sản phẩm, lại được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn, nên bột lê ki ma ODA hiện được nhiều khách hàng tin dùng. Tuy nhiên, để thương hiệu bột lê ki ma ODA chinh phục được khách hàng khó tính, hướng tới HTX công nghệ cao ODA sẽ tạo các video giới thiệu quy trình sản xuất và công dụng của sản phẩm bột lê ki ma tới khách hàng, thông qua kênh hàng trực tuyến và trực tiếp; đồng thời, tích cực tham gia các chương trình hội nghị, hội thảo kết nối hàng hóa nông sản địa phương, để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Việc áp dụng công nghệ chế biến để nâng tầm giá trị cho nông sản quê nhà đã mang lại thành công bước đầu cho nhiều chủ cơ sở, HTX ở vùng ĐBSCL. Song để thương hiệu nông sản chế biến phát triển ngày càng bền vững, ngoài sự chủ động đầu tư công nghệ, tăng cường các kênh bán hàng, hiện các chủ cơ sở, HTX tại ĐBSCL rất cần trợ lực từ ngành chức năng các cấp trong việc liên kết với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất đến chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, không chỉ giúp các HTX, cơ sở chế biến phát triển thương hiệu ngày càng bền vững, mà còn nâng tầm giá trị cho sản phẩm nông sản chế biến, tạo thêm việc làm cho lao động tại các địa phương.
Bài, ảnh: MỸ HOA
Nguồn: https://baocantho.com.vn/tim-huong-mo-cho-nong-san-que-nha-a184946.html
Bình luận (0)