Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tim tím hoa cà

(QBĐT) - “Tháng chạp là tháng trồng khoai. Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà”. Tháng hai trồng cà để sang tháng ba, trong muôn hương ngàn sắc của bao loài thảo mộc dân dã tưng bừng đua nở giữa ngập tràn ánh nắng, luôn có màu hoa cà nở khiêm nhường trong những mảnh vườn quê. Màu hoa bình dị, thân thương ấy vẫn tím vào nỗi nhớ của những người đi xa, những người từng có một tuổi thơ lam lũ bên mái tranh xưa với dáng cha bóng mẹ hôm sớm tảo tần...

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình04/04/2025

 
Dù lớn lên nơi góc vườn hay bờ mương, bãi sông... dù là cây cà pháo, cà bát, cà dê hay cà gai dại, thì hoa cà vẫn thủy chung màu tím. Màu tím hoa cà nhạt hơn màu tím Huế, càng không tím đậm đà như màu hoa bìm bìm leo trên những hàng rào, bờ dậu quanh vườn. Thế nên, người đời hay gọi là hoa cà tim tím. Đấy là màu tím dịu nhẹ, tím mỏng manh nhưng lại ám ảnh lòng người...
 
Hoa cà không lộng lẫy kiêu sa, không đằm hương nhuận sắc nên chẳng mấy ai hái về để chơi. Hoa cứ nở thản nhiên, đẹp bình dị trong nắng tháng ba, đung đưa khe khẽ mỗi khi những ngọn gió sông vờn lên đồng lên bãi. Và như để nâng niu, giữ gìn những bông hoa tím bé bỏng, xinh xinh ấy, cây xòe những chiếc lá to xanh mướt, cứng cáp ngày ngày chở che. Bởi vậy, muốn ngắm hoa cà, ta phải bước lại bên, cúi xuống thật gần như thủ thỉ, như tâm tình nhỏ nhẹ...
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Và phải chăng, hoa cà sinh ra là để dành cho quả, cho những bữa cơm của người quê trong những ngày giáp hạt “tháng ba ngày tám”. Những loài hoa khác khi nở, đều hướng lên trên để trưng diện với đất trời. Riêng hoa cà nhu mì lại cúi xuống, nhiều lúc như tự giấu mình e ấp sau phiến lá, chỉ chìa ra chiếc nhụy vàng để đón chào nắng ấm và bướm ong làm bạn. Thế nên, bao nhiêu giữ gìn, chắt chiu và nhường nhịn của hoa là để trông chờ vào những lần hái quả. Cây cà có nhiều loại, song thân thuộc nhất vẫn là cà pháo quả trắng. Những chùm quả sai trĩu, tròn trĩnh, trắng bóc mịn màng cứ lớn dần, từ lúc bằng viên bi, rồi bằng cái chén con, cứ treo lúc lỉu vin cành hướng về mặt đất gợi đến sự đầy đặn, đầm ấm và mộc mạc của những bữa cơm quê...
 
Cây cà được gieo trồng bằng hạt hằng để dành từ năm trước. Mẹ thường chọn những quả cà tròn trịa và to nhất, đánh dấu lại để làm giống. Đợi đến cuối vụ, khi những quả cà đã già và chín, vỏ dày lên và cứng lại, ngả màu vàng hươm thì hái về, buộc thành chùm rồi treo lên gác bếp. Ngày này qua tháng khác, khói rạ xông lên giúp những quà cà giống khô quắt lại nhưng bên trong đang đựng bao nhiêu là hạt mẩy, nằm hồi hộp chờ ngày được nảy mầm.
 
Tháng chạp, khi tiết xuân rón rén trở về, mẹ hạ những chùm quả xuống, bổ ra rồi đem gieo những hạt giống trên mảnh vườn con, phủ lên một lớp rơm mỏng. Vài ngày sau thì mầm cây nứt vỏ tự tin vươn lên trên nền đất ẩm. Khi cây được ba lá thì được mẹ đánh tỉa ra trồng theo luống, hàng cách hàng chừng một mét. Được bón phân mục và tưới nước hàng ngày nên cây cà lớn nhanh, đâm cành, xòe tán xanh che kín luống đất dài. Rồi từ lách lá, cuống hoa vươn ra, nảy những chùm nụ, rồi thành chùm hoa tím nhỏ xíu, rụt rè trong nắng sớm...
Hoa cà tim tím đã đi vào tục ngữ, ca dao, tím vào lòng người bao đời bao kiếp. Vì thế, màu tím hoa cà đã thành tên gọi cho một màu sắc riêng. Là chiếc áo cổ tròn màu tím hoa cà ôm lấy bờ vai tròn lẳn, là chiếc quai nón màu tím hoa cà bay phất phơ trong giấc mơ của bao chàng trai thuở ấy... cứ khẽ khàng lay động hồn ta...
Trần Văn Lợi

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/tim-tim-hoa-ca-2225402/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm