Cuốn sách “Quảng Ngãi dấu xưa” như một bộ phim tư liệu về làng, về quê hương Quảng Ngãi. Trong ấy, từ di tích, nhân vật, đến các đặc sản của làng và của cả vùng đất Ấn Trà lần lượt được tái hiện từ miền ký ức xa xôi.
Xét về mặt thể loại, thật khó để gom cuốn sách vào một thể loại nào, bởi 40 bài viết được thể hiện dưới dạng khảo cứu, kể chuyện, tùy bút, tản văn... Những bài viết được bố trí đan xen nhau như những phân cảnh của một bộ phim tài liệu về một vùng đất, về những con người khai cơ lập ấp, những sản vật được lưu truyền từ đời này qua đời khác, cả những hình ảnh dòng sông, bến nước, đình làng... Lật từng trang, đọc từng bài viết, chúng ta như đang “điền dã” về với một làng quê trù phú, giàu truyền thống văn hóa và rộng hơn là về với cả miền đất Ấn Trà qua lời dẫn dắt rất mộc mạc, chân chất, đôi khi còn chưa thật sự trau chuốt về ngôn ngữ của một thầy giáo dạy toán. Nhưng điều thu hút người đọc và đáng trân quý, đó là tấm lòng của một người thầy đam mê văn chương, nặng lòng với văn hóa làng xã, với cội nguồn tổ tiên.
Tác giả đã kể về những nhân vật lịch sử có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành và phát triển vùng đất Quảng Ngãi, như: “Bùi Tá Hán - Danh tướng thu phục trấn thành Quảng Ngãi”, “Danh sĩ Trương Đăng Quế - Hai trăm năm khai khoa Hương tiến miền Ấn Trà”, “Võ Duy Ninh - Nét đẹp hào hùng”... Trong bài “Người "du kích Ba Tơ" liêm chính”, tác giả kể về người cán bộ cách mạng Võ Xuân Phu (sinh năm 1917) kiên trung, liêm khiết, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, khi về hưu được Nhà nước cấp đất để làm nhà, ông Võ Xuân Phu từ chối không nhận với lý do “để dành cho những người thực sự cần” hơn.
Có lẽ vì là một nhà giáo nên tác giả đã dành nhiều tâm huyết cho việc tìm hiểu về ngành giáo dục trong một giai đoạn mà thời cuộc có những biến thiên nhất định. Đó là một nền giáo dục cách mạng giai đoạn khởi nguyên của tỉnh nhà với những nét chấm phá rất giá trị qua 6 bài viết: “Trường Tiểu học đầu tiên ở Quảng Ngãi”, “Lê Khiết, trường công lập đầu tiên ở Quảng Ngãi”, “Rạng danh ngôi trường trung học Trần Quốc Tuấn”, “Từ “Đông Kinh Nghĩa thục” đến “Quảng Ngãi Nghĩa thục””, “Trại nhà nghèo Quảng Ngãi - Nơi lòng nhân ái đơm hoa”, và “Nhà giáo có trái tim nhân hậu”. Ở những bài viết này cho thấy tác giả là một người hiểu khá sâu sắc về nền giáo dục của tỉnh nhà những năm đầu thế kỷ XX. Việc làm này, ngoài ý nghĩa lịch sử, còn là nội dung để đối chứng với nền giáo dục hiện tại. Qua các bài viết, ta thấy được những tinh hoa của mỗi giai đoạn giáo dục đã qua. Tác giả đã dành riêng một bài “Nhà giáo có trái tim nhân hậu” để nói về thầy giáo, nhà sư Trần Trọng Hải. Hình ảnh một thầy giáo giữa thế sự có nhiều biến đổi nhưng vẫn sáng ngời về nhân cách, đạo đức, một lòng vì nước, vì dân của một người dạy học, một vị sư đáng kính.
Thật không trọn vẹn nếu chúng ta bỏ qua mảng viết về những di tích, địa danh đã trở thành biểu tượng của một vùng đất trên quê hương mình. Hàng loạt các địa danh như: Ga Ông Bố, núi Long Phụng, chùa Ông Rau, chợ Mù U, làng Ngọc Án, hay những dấu tích xưa như bờ xe nước, tháp nước cổ, cầu Trà Khúc xưa... được tác giả diễn giải với bút pháp vừa kể, vừa ký, vừa lãng đãng tâm sự, bày tỏ suy tư, trăn trở về những dấu tích xưa chứa đựng bao ân tình, nghĩa khí quê hương.
Ngoài ra, một số bài viết mang tính khảo cứu như viết về làng Ngọc Án với dấu tích của một ngôi làng cổ, còn lưu giữ 16 bản sắc phong thần và nhiều dữ liệu, chứng tích rất cần sự nghiên cứu, đánh giá xác đáng về giá trị lịch sử, văn hóa của nó trong dòng chảy đương đại... hay các bài viết về “Lễ hội “tịch điền” xưa ở Quảng Ngãi”, “Hoa mai trong những áng thơ bất tử”... là những nội dung có tính gợi mở rất cao cho những nhà nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật.
Đúng như tiêu đề của cuốn sách “Quảng Ngãi dấu xưa”, thầy giáo Lê Chính Nhân chỉ điểm lại những dấu xưa. Dù theo tác giả, chỉ là “chút hiểu biết nhỏ nhoi của mình tích góp bấy lâu nay...”, nhưng nó đã minh chứng cho một tấm lòng trí thức yêu quê hương tha thiết, một sự tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền nhân đã khai cơ, lập ấp, làm nên vóc hình mảnh đất nghĩa tình này.
VÂN ĐAM
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202504/tac-gia-tac-pham-tim-ve-ky-uc-trong-quang-ngai-dau-xua-b44011e/
Bình luận (0)