Lĩnh vực năng lượng
Ngày 3/4 trên trang vneconomy.com đăng tải thông tin: "Lợi nhuận doanh nghiệp điện sẽ cải thiện trong năm 2025 nhờ giá bán lẻ điện tăng?"
Dự báo ngành điện sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2025, với nhiều dự án mới bắt đầu phát điện thương mại, nâng cao sản lượng và doanh thu toàn ngành. Ngoài ra, giá bán lẻ điện dự kiến tăng vào năm 2025 sẽ góp phần cải thiện dòng tiền của ngành.
VISRating vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành điện trong đó thống kê cho thấy trong năm 2024, các công ty ngành điện có kết quả kinh doanh phân hóa rõ rệt. Tổng doanh thu và lợi nhuận ròng giảm 0,3% và 26% so với cùng kỳ.
Năm 2025, VISRating dự báo doanh thu và lợi nhuận của các công ty thủy điện sẽ ít biến động nhờ việc sản xuất điện ổn định.
Khả năng trả nợ của ngành tốt hơn trong năm 2024 nhờ tỷ lệ đòn bẩy tài chính ổn định và dòng tiền hoạt động cải thiện. Tổng nợ tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhưng chi phí lãi vay giảm 23% nhờ mặt bằng lãi suất ở mức thấp.
Tổng các khoản phải thu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm 13% so với cùng kỳ, do giá bán lẻ điện tăng gần đây cải thiện thanh khoản của EVN và giúp thanh toán công nợ nhanh hơn cho các công ty điện. CFO của ngành tăng 48%, cải thiện khả năng bao phủ nợ đại diện bằng tỷ lệ CFO/nợ lên 23% trong 2024 (2023: 16%).
Trong 2025, kì vọng tỷ lệ đòn bẩy tài chính và bao phủ nợ của ngành sẽ duy trì ổn định. Các nhà máy mới sẽ tăng tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống thêm 6%, nâng cao sản lượng và doanh thu trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao. Đồng thời, giá bán lẻ điện tăng vào năm 2025 cũng sẽ thúc đẩy dòng tiền toàn ngành.
Trên báo Kinh tế xây dựng đăng tin: "REE lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào điện khí LNG trong 2025"
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 của CTCP Cơ Điện Lạnh (MCK: REE) ngày 1/4, công ty đã trình thông qua kế hoạch doanh thu 10.248 tỷ, tăng hơn 22% so với năm ngoái. Mục tiêu nếu đạt được, công ty sẽ có lần đầu tiên doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo REE bày tỏ quan điểm lạc quan về ngành điện trong bối cảnh các nút thắt pháp lý đã và được tháo gỡ và đầu tư công mạnh mẽ hỗ trợ cho mảng Cơ điện lạnh (M&E). Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế dài hạn được tái khẳng định ở mức tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 15%.
REE đặt kết quả kinh doanh năm 2025 sẽ phục hồi từ mức đáy vào năm 2024. Nhờ đó, kế hoạch cổ tức năm 2024 của công ty dự kiến cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu (thanh toán vào ngày 4/4/2025) và cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Cổ tức tạm ứng cho năm 2025 ở mức tối đa là 1.000 đồng/cổ phiếu.
Trong năm 2025, REE đặt mục tiêu bán điện cho cả EVN và các khách hàng lớn theo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Lĩnh vực xuất nhập khẩuTrên báo Tiền phong đăng tin: "Lý do xuất khẩu rau quả Việt Nam vừa hụt thu hơn 2.800 tỷ đồng"
Xuất khẩu rau quả quý I năm nay chỉ đạt hơn 1,1 tỷ USD, hụt tới hơn 2.800 tỷ đồng so với kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu rau quả là do mặt hàng chủ lực là sầu riêng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của thị trường quốc tế.
Từ đầu năm nay, Trung Quốc bất ngờ yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Quy định này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà với tất cả các nước xuất khẩu, khiến quy trình xuất khẩu trở nên phức tạp, kéo dài thời gian thông quan.
Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) cũng phải chịu tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20% do nhiều lần không tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đăng tải thông tin: "Giảm ngay thuế nhập khẩu ô tô, đùi gà, cherry: Nhạy bén, kịp thời"
Các chuyên gia nhận định chính sách giảm thuế nhập khẩu ưu đãi là một bước đi nhạy bén, kịp thời nhằm cân bằng cán cân thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Một số mặt hàng như ô tô, gỗ, ethanol, đùi gà đông lạnh, quả táo tươi, cherry, hạnh nhân, hạt dẻ cười, nho khô… đã được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) thấp hơn từ ngày 31-3. Đây là nội dung nằm trong Nghị định 73 năm 2025 sửa đổi bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng, vừa được Chính phủ ban hành.
Các chuyên gia đánh giá đây là động thái hết sức kịp thời từ phía Chính phủ, đảm bảo mức thuế quan hài hòa, đối xử công bằng giữa các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Lĩnh vực thị trường trong nước
Báo Đại đoàn kết đăng tin: "Kích cầu tiêu dùng nội địa"
Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa được coi là 3 yếu tố chính giúp tăng trưởng kinh tế: trong đó xuất khẩu, đầu tư vẫn tăng trưởng tương đối tốt qua từng năm, nhưng động lực về tiêu dùng nội địa đang có những khó khăn. Để kích cầu tiêu dùng nội địa, các chuyên gia cho rằng cần tăng thu nhập khả dụng cho người tiêu dùng thông qua các chính sách giảm thuế.
Lĩnh vực cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng
Trên Báo Công an nhân dân có bài: "Quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ người tiêu dùng"
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Nhờ sự hỗ trợ của các ứng dụng tích hợp tính năng quét QR, người tiêu dùng dễ dàng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm, hàng hóa. Ứng dụng mã QR cũng được coi là giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp quản lý quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng uy tín thương hiệu.
Dạo quanh khu vực bán rau củ quả tại một siêu thị lớn trên phố Lê Duẩn của Hà Nội, bà Thu Hà (60 tuổi, nội trợ) cẩn thận lựa chọn từng món thực phẩm tươi để chuẩn bị bữa tối. Tuy nhiên thay vì chỉ đọc một số thông tin cơ bản của sản phẩm như giá tiền, ngày sản xuất, hạn dùng thì bà Hà lại sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) quét mã QR được in trên vỏ hộp để đọc tất cả thông tin về sản phẩm này.
"Sau khi được con gái hướng dẫn tôi mới biết chỉ cần quét mã QR này là có thể biết được nguồn gốc hộp dưa chuột này, chẳng hạn như loại giống được sử dụng là gì, cách chăm sóc, những loại phân bón nào được sử dụng trong quá trình nuôi trồng đến cả việc đóng gói, vận chuyển, cho nên tôi rất yên tâm để chọn mua và sử dụng cho gia đình", bà Thu Hà chia sẻ.
Tại một siêu thị khác trên phố Lò Đúc, chị Nguyễn Lê - khách hàng thường xuyên đến đây mua đồ cho biết: “Vào đến đây mua đồ là tôi tin tưởng hoàn toàn về nguồn gốc. Thế nhưng khi để ý kỹ tại quầy rau củ thì loại có nhãn mã, loại lại không có. Đa phần là hàng nhập khẩu, hàng khô thì có mã đầy đủ dễ truy xuất. Khi hỏi nhân viên bán hàng về nguồn gốc của rau củ quả, thì các bạn bảo được nhập ở nguồn uy tín nên khách hàng yên tâm”, chị Nguyễn Lê kể.
Quan sát của phóng viên tại một số siêu thị cũng như chợ truyền thống cho thấy, người dân đã biết xây dựng thói quen quét mã truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, thế nhưng cũng còn nhiều người chưa biết đến tác dụng của mã QR in trên sản phẩm, cũng như cách dùng điện thoại để truy xuất các mã này. Họ chỉ mua hàng theo nhu cầu, theo sở thích và thói quen. Còn tại nhiều siêu thị, một số sản phẩm có mã QR nhưng khi đưa máy quét thì không hiện lên thông tin về sản phẩm.
Chỉ cần giơ điện thoại đưa vào mã QR, thông tin về sản phẩm sẽ hiện lên. Ảnh minh họa: CTV |
Từ năm 2005, Liên minh Châu Âu truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên. Hệ thống siêu thị bán lẻ ở Anh cũng tăng cường hệ thống kiểm định này. Tháng 1/2011, Hoa Kỳ ban hành Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA), trong đó yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao. Ireland, Canada quy định nghiêm ngặt về việc dán nhãn mác, nhận diện sản phẩm, cơ sở sản xuất. Ở Ấn Độ, từ năm 2006, các nhà sản xuất, chế biến nho đã thiết lập và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử GrapeNet.
Từ năm 2010, Thái Lan ban hành chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí, do Văn phòng quốc gia về tiêu chuẩn nông sản và thực phẩm (ACFS) tập huấn và hỗ trợ. Tất cả các sản phẩm chuối nải, chuối quả, sầu riêng quả bán ở cửa hàng rau quả nhỏ ở Thái Lan cũng được dán mã QR. Nhờ đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho người nông dân.
Trao đổi với PV Báo CAND, đại diện Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia cho biết, tại thời điểm này đơn vị quản lý nhà nước chưa bắt buộc doanh nghiệp phải dãn nhãn QR cho sản phẩm. Thế nhưng đến năm 2027, theo khuyến cáo của tổ chức mã số vạch toàn cầu thì các nước sẽ chuyển mã 1D (tạiViệt Nam, mã vạch trên sản phẩm hàng hóa đều được sử dụng theo một mã vạch chuẩn laEÀNgồm13 số) sang 2D (giống mã QR) để tiện cho việc quản lý.
Báo Kinh tế đô thị đăng tin: "Làm rõ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng"
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, để làm rõ hơn việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công, dự thảo Luật đã bổ sung quy định khi sử dụng dịch vụ công, người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian; xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số; thực hiện nghĩa vụ nhận ủy quyền của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch trên nền tảng số…
Về trách nhiệm của người tiêu dùng, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thấy rằng, việc bổ sung quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật sẽ là cơ sở để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người nghèo (thành viên của hộ nghèo).
Về các vấn đề cần xin ý kiến, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất 2 phương án về khái niệm “người tiêu dùng” để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm: Phương án 1, giữ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.
Phương án 2, giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thống nhất với phương án 1.
Tham gia thảo luận, về khái niệm “người tiêu dùng”, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ đồng tình với phương án 1. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, phương án 1 sẽ tạo được cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả khi xảy ra các trường hợp số đông người tiêu dùng bị thiệt hại do vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh, nhất là các trường hợp nhà trẻ, trường học, doanh nghiệp mua hàng tiêu dùng cho trẻ em, học sinh, công nhân…
Cơ bản đồng ý với phương án 1, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, bỏ cụm từ “và không vì mục đích thương mại” tại phương án này.
Nguồn: https://congthuong.vn/tin-cong-thuong-34-giam-thue-nhap-khau-o-to-nen-bat-buoc-in-ma-qr-381339.html
Bình luận (0)