Lĩnh vực năng lượng:
Trên báo Giao thông có bài: "Áp lực điện rác''.
Các dự án đốt rác phát điện với mục tiêu chính là xử lý môi trường cho các tỉnh, thế nhưng cơ chế chưa đủ hấp dẫn, khiến nhà đầu tư lưỡng lự "xuống tiền".
Theo giới chuyên gia, để mở tối đa cho điện rác phát triển, cần có chính sách giá mua điện ổn định hơn để tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư.
Nhà máy điện rác. Ảnh minh hoạ |
Các chuyên gia cho rằng, cần tạo cơ chế tài chính ưu đãi như hỗ trợ lãi suất vay hoặc bảo lãnh tín dụng để giảm rủi ro cho ngân hàng.
Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn để nâng cao hiệu suất các nhà máy điện rác.
"Nếu không có những cải cách mạnh mẽ về chính sách và cơ chế tài chính, việc thu hút đầu tư vào điện rác sẽ tiếp tục gặp khó khăn, và Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội tận dụng nguồn tài nguyên này để phát triển một ngành năng lượng sạch, bền vững", một chuyên gia năng lượng nhấn mạnh.
Trên báo Thanh niên có bài: "Thủ tướng yêu cầu sửa quy định chất lượng xăng dầu 'không lãng phí, lợi ích nhóm"
Theo công văn này, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền khẩn trương sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu tại Thông tư 15/2015 được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 08/2018.
Việc sửa đổi phải đảm bảo khoa học, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tế, tiết kiệm, tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phát triển theo đúng quy định pháp luật hiện hày. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý "tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách để trục lợi; bảo đảm ban hành trước ngày 15.4.2025".
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Trên tạp chí Thương hiệu công luận đăng tải thông tin: "Lý giải nguyên nhân nông sản nhập khẩu tăng".
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), việc sửa đổi chính sách thuế này không chỉ giúp cải thiện cán cân thương mại với các đối tác mà còn khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu, tạo lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng trong nước.
Dưới góc nhìn của giới quan sát, việc mở rộng danh mục trái cây tươi nhập khẩu từ Mỹ sẽ góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu nông sản Mỹ vào Việt Nam.
Trên Báo Vietnam + đăng tải thông tin: "Xuất khẩu cà phê hướng tới kỷ lục 8 tỷ USD''.
Ước tính trong quý đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ USD |
Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam ước tính, trong quý đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm đến ngày 15/3, Việt Nam đã xuất khẩu 406.637 tấn cà phê, kim ngạch đạt 2,28 tỷ USD, tăng tới 41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng vọt là nhờ giá tăng tới 73%, từ 3.228 USD/tấn tại quý 1/2024 lên 5.614 USD/tấn trong quý 1/2025. Nếu mức giá này duy trì được trong 3 quý còn lại, cả năm có thể thiết lập mốc kỷ lục 8 tỷ USD.
Lĩnh vực thương mại điện tử
Trên báo Bnew.vn có bài: ''Hàng loạt website cơ quan Nhà nước bị chèn link quảng cáo cờ bạc''.
Theo Công an TP. Hà Nội, thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố phát hiện nhiều trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước (gov.vn) bị lợi dụng để cài cắm, đăng tải, chuyển hướng hoặc liên kết với nội dung quảng cáo không phù hợp như game bài, cờ bạc… Đặc điểm chung của hình thức tấn công này là hacker sẽ lợi dụng các lỗ hổng bảo mật để chiếm quyền kiểm soát website, máy chủ, từ đó chèn link quảng cáo, thậm chí cài mã độc để truy cập bất cứ nội dung nào, đều bị chuyển hướng sang website cờ bạc, cá độ. Việc bị chèn link ẩn quảng cáo cờ bạc, cá độ trực tuyến trên, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh mạng, an toàn thông tin, gia tăng tội phạm về cá độ, đánh bạc.
Việt Nam có dư địa lớn về thương mại điện tử xuyên biên giới
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử không chỉ có vai trò trụ cột trong nền kinh tế số, thúc đẩy thị trường nội địa phát triển mà còn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho biết, Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, lại có thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… nên dư địa, tiềm năng về thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn.
"Một trong những nhiệm vụ được đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển thươngmại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030 (Bộ Công Thương đang trình Chính phủ ban hành) là phát triển thương mại điện tử theo hướng xuất khẩu các sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể xúc tiến bán hàng ra thị trường toàn cầu", bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.
Trên báo Tuổi trẻ có bài đăng tải: ''Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho hàng từ 1 triệu trở xuống qua thương mại điện tử''.
Bộ Tài chính đề xuất đơn hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu. Như vậy so với quy định hiện nay, mức trị giá hàng được miễn thuế giảm một nửa, từ 2 triệu xuống còn 1 triệu.
Lĩnh vực thị trường trong nước
Trên báo Tiền phong có bài đăng tải: ''Giá sắn lao dốc mạnh nhất 10 năm qua''.
Theo thống kê của Cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu gần 723.800 tấn sắn và sản phẩm sắn, giá trị đạt 233,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, tuy lượng sắn xuất khẩu tăng 14,9% nhưng giá trị lại giảm mạnh 19%.
Đáng chú ý, giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2024, về mức 327 USD/tấn.
Trong 2 tháng qua, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm tới 94% kim ngạch xuất khẩu sắn của nước ta. Theo đó, các doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu gần 693.000 tấn sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc, thu về 219,6 triệu USD.
Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, do nhu cầu tiêu thụ thấp, lượng tồn kho tại cảng Trung Quốc tăng cao, tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung tại các nước Thái Lan, Việt Nam, Lào lại dồi dào, khiến cho quốc gia tỷ dân này dễ dàng “ép giá” thu mua sắn với giá rẻ bèo.
Trên báo Dân trí có bài: ''Trung Quốc ồ ạt mua tôm Việt''.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 605 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam với giá trị đạt 204 triệu USD, chiếm 34% và tăng mạnh 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo hiệp hội, mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu là nhờ doanh số xuất tôm hùm sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm.
Lĩnh vực phòng vệ thương mại
Trên tạp chí Kinh tế Sài Gòn có bài đăng tải: ''Mỹ áp thuế tạm thời với vỏ viên nhộng cứng từ Việt Nam''.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc điều tra chống trợ cấp với sản phẩm vỏ viên nhộng cứng (mã HS 9602.00.1040 và 9602.00.5010) nhập khẩu từ Việt Nam. Theo kết luận sơ bộ vừa ban hành, mức thuế chống trợ cấp tạm thời là 2,15%. Dự kiến, DOC sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ nhằm xác minh các thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Đây là một trong những căn cứ để cơ quan này ban hành kết luận cuối cùng, đưa ra mức thuế chính thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, những doanh nghiệp liên quan chuẩn bị và hợp tác tốt với Bộ Thương mại Mỹ trong đợt thẩm tra sắp tới cũng như gửi bình luận với kết luận sơ bộ của cơ quan này trong trường hợp cần thiết.
Trên Tạp chí điện tử VnEconomy có bài đăng tải: ''Philippines không rà soát giữa kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá với xi măng Việt Nam''.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội Xi măng và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xi măng sang Philippines phải thường xuyên theo dõi sát thông tin vụ việc, tiếp tục gửi bình luận trong trường hợp cần thiết và theo yêu cầu của TC; hợp tác chặt chẽ với TC trong các giai đoạn tiếp theo của vụ việc để không bị đánh giá bất hợp tác; tranh thủ sự ủng hộ và tiếng nói của các đối tác nhập khẩu tại Philippines có chung lợi ích với Việt Nam để nêu quan điểm. Đặc biệt, cần thông tin, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để được sự hỗ trợ kịp thời.
Lĩnh vực cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng
Trên báo Lao động Thủ đô có bài: ''Khung pháp lý toàn diện cho công tác bảo vệ người tiêu dùng''
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đây được coi là một dấu mốc quan trọng đánh dấu việc hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả khung pháp lý này, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin là một trong những trọng tâm cơ bản.
Ghi nhận vai trò quan trọng và sự cần thiết của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung, quan tâm chỉ đạo, ban hành các định hướng, chủ trương, chính sách quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi và nâng cao vị thế của người tiêu dùng trong xã hội.
Việc hoàn thiện chính sách càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thương mại điện tử nội địa và thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ, nhiều thách thức đặt ra cho công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trên môi trường mạng.
Nguồn: https://congthuong.vn/tin-cong-thuong-313-thieu-co-che-cho-dien-rac-xuat-khau-ca-phe-huong-toi-8-ty-usd-380831.html
Bình luận (0)