Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tín dụng chính sách tạo lực đẩy phát triển kinh tế địa phương

NDO - Nhờ dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước do Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện, đông đảo người dân nghèo từ miền núi cao, tới bãi ngang ven biển ở dải đất hẹp Quảng Bình đã có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân22/04/2025


Con đường lên huyện Minh Hóa nằm ở phía tây bắc của tỉnh Quảng Bình, giáp với nước bạn Lào tuy xa xôi nhưng giờ đã dễ đi hơn hẳn trước đây. Con đường chưa rộng rãi nhưng trải nhựa phẳng phiu, nhộn nhịp các loại xe chạy, khiến cảm giác trống vắng thường gặp ở miền rừng đã vơi đi rất nhiều.

Gần 20 năm trước, cả vùng đất rộng khoảng 1.400km2, chỉ có duy nhất 20km đường rải đá cấp phối gập ghềnh, còn lại là đường đất ngập bùn. Hạ tầng yếu kém, ruộng đất hạn hẹp, khoảng 50 nghìn người dân Kinh, Ba Na, Vân Kiều, Chứt,… trong huyện cuộc sống rất thiếu thốn, thường xuyên phá rừng làm nương rẫy để mưu sinh.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo các cấp, các ngành rất trăn trở tìm hướng mở thoát nghèo cho nhân dân Minh Hóa. Với các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt với nguồn vốn tín dụng chính sách chảy về làm cho đất và người Minh Hóa có cơ hội vươn lên. Tại bản Dộ - Tà Vờng thuộc xã Trọng Hóa, chủ yếu là người Bru - Vân Kiều, người Khua và người Mày sinh sống, những năm trước chủ yếu phải nhờ trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. Nhưng thời gian đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển chăn nuôi, trồng cây keo lai, cây tràm.

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp và ổn định, thời gian cho vay dài, từ đó Ban Chỉ đạo giảm nghèo, chính quyền địa phương, cấp ủy đảng xã Trọng Hóa đã chủ động chỉ đạo thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn giao cho tổ chức Hội Nông dân quản lý để làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn đến các hộ đồng bào dân tộc có phương án và thật sự có nhu cầu vay vốn để tạo "cần câu" cho họ vươn lên bằng nội lực của mình.

Nguồn vốn phân giao bổ sung về được Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng với trưởng bản tổ chức họp bình xét công khai, dân chủ, có sự xem xét hộ trước, hộ sau, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vay vốn của bà con.

Đến nay, 86 hộ dân trong bản, đã có 40 hộ vay hơn 1,4 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chiếm 46,5% số hộ. Đa số bà con vay vốn đều phát huy rất tốt hiệu quả, người dân rất có ý thức trong việc sử dụng nguồn vốn vay, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước về trả nợ, trả lãi, không có trường hợp để nợ vay quá hạn.

Điển hình như hộ ông Hồ Khiên vay vốn 2 chương trình tín dụng với số tiền 150 triệu đồng để chăn nuôi bò và trồng cây keo lai, hằng năm tiền thu về từ bán bò cũng đem lại thu nhập cho gia đình từ 25-30 triệu đồng,…

Tín dụng chính sách tạo lực đẩy phát triển kinh tế địa phương ảnh 2

Nhiều hộ gia đình mạnh dạn vay vốn chính sách để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ở miền biển Quảng Bình, có bốn xã đặc biệt khó khăn nằm trong vùng bãi ngang, ven biển là Phù Hóa, Liên Trạch, Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy đã và đang nhờ nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có nhiều chương trình tín dụng chính sách đầu tư trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Tiêu biểu ở xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch), nhờ hàng chục tỷ đồng vốn chính sách ưu đãi đầu tư kịp thời, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 5,74%, hộ cận nghèo giảm còn 4,42%.

Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch còn làm “bệ đỡ” hỗ trợ bà con đa dạng hóa sinh kế, triển khai mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, nuôi gà lai ri, có giá trị hàng trăm triệu đồng.

Còn tại xã đặc biệt khó khăn Liên Trạch (huyện Bố Trạch), nơi thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, để giảm nghèo đa chiều, bền vững, xã tập trung vào việc trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng. Đây là sinh kế vững chắc, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ.

Đặc biệt, tại xã này có khoảng 400 lao động đang làm việc ở nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập cao cho mỗi gia đình. Mỗi năm xã có 30-40 lao động tham gia sử dụng vốn vay tín dụng chính sách đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),…

Đây là kết quả của việc đầu tư chiều sâu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch tạo động lực cho người dân nghèo ở xã đặc biệt khó khăn ven biển vươn lên cải thiện cuộc sống, làm giàu chính đáng.


Vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay và được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Quảng Bình.

Cụ thể, từ cuối năm 2019 đến tháng 3/2025, vốn vay chính sách đã giúp hơn 9.237 lượt hộ nghèo, 12.975 lượt hộ cận nghèo, 18.659 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; thu hút và tạo việc làm cho hơn 37.000 lao động; 2.900 lượt học sinh, sinh viên vay vốn để học tập; xây dựng hơn 141.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng hơn 2.400 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; giúp 263 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng;…

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Bình đã giảm từ 6,98% (năm 2019) xuống 3,13% (năm 2024). Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong khẳng định, kết quả này có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần quan trọng, rất hiệu quả.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài cho hay, trải qua 22 năm hoạt động từ chỗ nhận bàn giao nguồn vốn ít ỏi (200 tỷ đồng), hiện tại, tổng nguồn vốn của chi nhánh đã đạt gần 5.769 tỷ đồng, tăng gần 30 lần so với ngày đầu thành lập, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 294,6 tỷ đồng, tăng 238,9 tỷ đồng so với năm 2019.

Tính riêng 5 năm qua, ngân hàng đã thực hiện 21 chương trình tín dụng, đạt doanh số cho vay 8.419 tỷ đồng, với 162 nghìn lượt khách hàng vay vốn.

Tín dụng chính sách tạo lực đẩy phát triển kinh tế địa phương ảnh 3

Các thông tin về tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại các Điểm giao dịch xã.

Song hành với huy động nguồn vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã xây dựng thành công mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả và phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, vay vốn chính sách gắn kết chặt chẽ bốn nhà: “Ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn” chung tay giúp người dân. Các cấp hội, đoàn thể đang tham gia quản lý 5.691 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ tín dụng chính sách.

Đặc biệt, việc thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn, được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách, đã góp phần không nhỏ vào chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn ưu đãi đến đúng các đối tượng thụ hưởng.

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình cũng đẩy mạnh phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cụ thể, chi nhánh tập trung các nguồn lực về con người và nguồn vốn để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, phấn đấu đáp ứng 100% vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.

Cùng với đó, hưởng ứng phong trào thi đua “chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình phát động, chi nhánh đã hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 9 hộ nghèo khó khăn về nhà ở với số tiền 95 triệu đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình chủ động bước vào giai đoạn mới với việc tập trung huy động nguồn lực, nguồn vốn, tổ chức truyền tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng địa chỉ, đối tượng được thụ hưởng; củng cố hoạt động ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến mọi tầng lớp nhân dân,… nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, khẳng định vững vai trò điểm sáng, trụ cột trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: https://nhandan.vn/tin-dung-chinh-sach-tao-luc-day-phat-trien-kinh-te-dia-phuong-post874321.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm