Hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, tính đến ngày 31.3.2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 8.248 tỷ đồng, tăng hơn 201 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương chiếm 92,3% và nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 635,2 tỷ đồng, tăng 91,7 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm.

“Việc địa phương chủ động bố trí ngân sách ủy thác cho NHCSXH đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Nguồn vốn tín dụng chính sách trong quý I.2025 được giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tổng doanh số cho vay đạt 829,6 tỷ đồng, tăng hơn 158 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 13.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay.

Đến cuối tháng 3.2025, tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 8.220,5 tỷ đồng, tăng gần 195 tỷ đồng so với cuối năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng đạt 2,43%, với 163.369 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, xây dựng nhà ở, cải thiện điều kiện sống, đồng thời góp phần tích cực vào quá trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch tại xã tiếp tục được duy trì hiệu quả với 180 điểm giao dịch cố định. 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh được xếp loại tốt về hoạt động giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn nguồn vốn
Đi đôi với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh toàn tỉnh chỉ chiếm 0,09% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều so với mục tiêu nghị quyết đề ra (dưới 0,2%).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết: “Có đến 121/180 xã, phường không phát sinh nợ quá hạn; 97,3% tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt. Đây là những chỉ số phản ánh rõ nét sự hiệu quả, nghiêm túc trong công tác quản lý vốn vay ưu đãi trên địa bàn”.

Công tác kiểm tra, giám sát tín dụng xã hội tiếp tục được thực hiện đồng bộ. Trong quý I, 189 thành viên ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, huyện đã tham gia kiểm tra tại 9 xã, 268 tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng hơn 1.000 hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy, các món vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, không phát sinh nợ xấu lớn, không có hiện tượng tiêu cực.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai cho vay đúng đối tượng, bảo đảm chất lượng tín dụng. Tổng dư nợ cho vay qua các tổ chức hội đạt 8.199,7 tỷ đồng, chiếm gần 99,7% tổng dư nợ, với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,02%.

Song song với công tác tín dụng, NHCSXH tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý và giao dịch. 100% tổ tiết kiệm và vay vốn đã thực hiện giao dịch điện tử, rút ngắn hơn 50% thời gian xử lý tại các điểm giao dịch xã, đồng thời, hơn 4.300 khách hàng đã sử dụng dịch vụ VBSP Smart Banking, giúp giao dịch an toàn, nhanh chóng.
Trong công tác truyền thông, chi nhánh đã thực hiện 220 sản phẩm tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, đạt 128% kế hoạch, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng vốn vay.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương vẫn còn chậm, công tác huy động tiền gửi chưa thật sự ổn định, bền vững.

Để khắc phục, trong quý II.2025, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường bố trí vốn ủy thác; huy động mạnh mẽ tiền gửi tiết kiệm từ tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng; tuyên truyền rộng rãi chính sách mới, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
“Tín dụng chính sách không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là động lực để người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-tiep-suc-cho-nguoi-ngheo-vuon-len-phat-trien-kinh-te-post411194.html
Bình luận (0)