Toàn cảnh phiên ICJ công bố ý kiến tư vấn. |
Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) vừa ban hành ý kiến tư vấn về nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu và môi trường trước các tác động tiêu cực từ hoạt động phát thải khí nhà kính của con người.
Ý kiến tư vấn là cột mốc quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên ICJ - cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc (LHQ) ban hành kết luận mang tính toàn diện về nội dung, phạm vi nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ý kiến tư vấn được công bố ngày 23/7/2025, sau quá trình hơn hai năm ICJ thực hiện các quy trình tố tụng, trong đó gồm rà soát hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành, xem xét ý kiến của các nước, tổ chức khu vực và quốc tế gửi đến Toà bằng văn bản và trình bày tại phiên điều trần tổ chức tháng 12/2024 tại La Hay, Hà Lan.
Việc ICJ thực hiện chức năng tư vấn pháp lý nêu trên xuất phát từ đề nghị của Đại hội đồng LHQ tại Nghị quyết 77/276 ngày 29/3/2023, theo đó, Đại hội đồng yêu cầu Toà làm rõ nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu và các thành phần khác của môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai, cùng những hệ quả pháp lý phát sinh khi quốc gia vi phạm một trong các nghĩa vụ đó, nhất là đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, các cộng đồng và cá nhân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Ý kiến tư vấn của ICJ được toàn thể 15 thẩm phán của Toà thông qua bằng đồng thuận, trong đó nhấn mạnh: các quốc gia có nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu và các thành phần của môi trường trước các tác động của việc phát thải khí nhà kính, không chỉ căn cứ theo các điều ước quốc tế về khí hậu như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris…, mà còn theo luật tập quán quốc tế, luật nhân quyền, luật biển quốc tế và các văn kiện pháp lý liên quan khác.
Các nghĩa vụ này bao gồm cắt giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển, chia sẻ công nghệ, hỗ trợ tài chính và hợp tác thiện chí. ICJ cũng khẳng định việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ về biến đổi khí hậu có thể cấu thành hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, dẫn đến trách nhiệm của quốc gia phải chấm dứt vi phạm đó, bảo đảm không tái phạm và bồi thường cho các quốc gia bị thiệt hại nếu có mối liên hệ nhân quả rõ ràng.
Đáng chú ý, Tòa xác định các nghĩa vụ liên quan đến biến đổi khí hậu là nghĩa vụ chung đối với toàn thể cộng đồng quốc tế, do đó, mọi quốc gia đều có lợi ích pháp lý trong việc yêu cầu thực thi các nghĩa vụ liên quan, dù có trực tiếp bị thiệt hại hay không.
Đây là bước tiến quan trọng trong việc công nhận quyền và lợi ích của các quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và các cộng đồng dễ bị tổn thương trong hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ dự phiên công bố ý kiến tư vấn. |
Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực trong toàn bộ tiến trình xin ý kiến tư vấn của ICJ. Là thành viên của Nhóm nòng cốt gồm 18 nước do Vanuatu khởi xướng, Việt Nam tham gia ngay từ đầu trong việc xây dựng, vận động và thúc đẩy Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 77/276 đề nghị ICJ cung cấp ý kiến tư vấn.
Sau khi Nghị quyết được thông qua, Việt Nam lần đầu tiên tham gia đầy đủ các bước thủ tục xin ý kiến tư vấn tại ICJ, từ nộp ý kiến bằng văn bản đến tham gia trình bày trực tiếp tại phiên điều trần do ICJ tổ chức. Nước ta cũng đã chủ trì tổ chức nhiều hội thảo, phiên thảo luận nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương chuẩn bị ý kiến của mình gửi lên ICJ, qua đó, thúc đẩy tiếng nói chung của nhóm nước đang phát triển trong tiến trình pháp lý quan trọng này.
Trong các phát biểu và văn bản đệ trình, Việt Nam nhất quán đề cao luật pháp quốc tế, khẳng định mọi quốc gia đều có trách nhiệm chung trong việc chống, giảm thiểu biến đổi khí hậu theo các điều ước quốc tế có liên quan, yêu cầu công nhận quyền của các quốc gia bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu, tính đến sự khác biệt về lịch sử phát thải và năng lực quốc gia, bảo đảm đúng nguyên tắc công bằng, trách nhiệm chung nhưng khác biệt trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu vừa được ICJ ban hành là bước tiến triển mới trong giải thích và thúc đẩy thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế về biến đổi khí hậu, phản ánh nhu cầu chung cũng như sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong việc đẩy nhanh hơn nữa việc thực thi các cam kết và hành động khí hậu nhằm bảo vệ môi trường Trái đất trước những hệ lụy không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu.
Đồng thời, quá trình tham gia thủ tục xin ý kiến tư vấn tại ICJ còn là minh chứng cho vai trò ngày càng chủ động, xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam trong các tiến trình pháp lý đa phương, cũng như trong củng cố pháp quyền trên phạm vi toàn cầu.
Nguồn: https://baoquocte.vn/toa-an-cong-ly-quoc-te-lien-hop-quoc-ban-hanh-y-kien-tu-van-ve-nghia-vu-cua-quoc-gia-lien-quan-den-bien-doi-khi-hau-322569.html
Bình luận (0)