Lùi lại vài thập kỷ trước khi chúng ta bước vào thời kỳ đổi mới, một loạt thông điệp như "mệnh lệnh được phát ra từ trái tim và khối óc": "Cởi trói", "Đổi mới hay là chết" đã quy tụ được sức mạnh toàn dân, giải phóng sức sản xuất, tạo nên sự hứng khởi, để tất cả các thành phần kinh tế đều được "bung ra", chung sức đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng KTXH sâu sắc và đến bây giờ chúng ta đã có được cơ đồ rất đỗi tự hào.
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ công việc hằng ngày của những tiểu thương cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho mỗi người dân đến những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã và đang đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Với hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến rất đáng tự hào, kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, kìm hãm sự phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng là lực lượng kinh tế nòng cốt của đất nước.
Vậy chúng ta phải làm gì để kinh tế tư nhân cất cánh?
Trong thời gian gần đây, dư luận liên tiếp được đón nhận một loạt thông điệp hết sức quan trọng từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước về kinh tế tư nhân như: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia"; "tháo chốt", loại bỏ những điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình; muốn tăng trưởng 2 con số, phải dựa vào kinh tế tư nhân…
Đặc biệt, trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khái quát "một bức tranh toàn cảnh" của khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh những gam màu tươi sáng, những nốt nhạc vui, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những vấn đề còn trăn trở. Qua đó, đồng chí Tô Lâm đã đưa ra những định hướng hết sức quan trọng, "phát pháo lệnh" cho toàn bộ hệ thống chính trị tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm "phá tan những điểm nghẽn" để kinh tế tư nhân bứt phá.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân do đích thân ông làm Trưởng ban và Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Ban Chỉ đạo đã tập trung toàn bộ sức lực, thời gian, trí tuệ làm việc với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, chuyên nghiệp, hoàn thành dự thảo với chất lượng cao trong thời gian ngắn. Ngày 04/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân.
Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì liên tiếp 2 cuộc họp vào ngày 7/5 và 8/5 về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, để trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.
Vui mừng đón nhận Nghị quyết 68, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, nghị quyết này đã thể hiện bước tiến đột phá về tư duy phát triển; là "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế"; là "bước ngoặt lịch sử" trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá với những mục tiêu truyền cảm hứng, đầy khát vọng; đi vào tận gốc rễ của vấn đề là "cải cách thể chế", khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng không gian phát triển, hỗ trợ thực chất; tạo lập và củng cố niềm tin,… để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên của sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng, trong đó kinh tế tư nhân "là một động lực quan trọng nhất; là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng" với tinh thần chủ động, tự cường, đầy khát vọng.
Vậy, đâu là những tư tưởng lớn, những điểm mới, điểm đột phá trong Nghị quyết 68? Và quan trọng nhất là cần phải làm gì để đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống? Những nội dung này sẽ được bàn thảo, phân tích, hiến kế tại Tọa đàm: "ĐỂ KINH TẾ TƯ NHÂN BỨT PHÁ THEO NGHỊ QUYẾT 68 – NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào lúc 14.00, ngày 5/9 với sự tham dự của các vị khách mới là lãnh đạo bộ, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/toa-dam-de-kinh-te-tu-nhan-but-pha-theo-nghi-quyet-68-nhung-viec-can-lam-ngay-102250509091126663.htm
Bình luận (0)