Cơ khí chế tạo là xương sống của khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Sáng 19/4, tại Hà Nội, Tổng hội Cơ khí Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV. Tham dự đại hội có ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Danh dự Tổng hội Cơ khí Việt Nam; ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam; bà Nguyễn Tuyết Mai, chuyên viên Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ.
Quang cảnh buổi đại hội |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Phan Xuân Dũng đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được của Tổng hội Cơ khí Việt Nam nhiệm kỳ vừa qua.
Theo ông Dũng, giai đoạn này, Đảng đã xác định để phát triển nhanh, bền vững, cần phải dựa vào việc thúc đẩy khoa học, công nghệ tiên tiến. Chứng minh cho điều đó là Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, đây cũng là giai đoạn phát triển quan trọng của ngành cơ khí. Nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai như xây dựng hai cụm nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, xây dựng đường sắt cao tốc. Trong vòng 5 năm tới, tổng số đầu tư cho các dự án này lên đến hàng trăm tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực cơ khí.
"Với tình hình và bối cảnh đó, Tổng hội Cơ khí Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để đưa đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, lĩnh vực cơ khí chế tạo sẽ trở thành xương sống của khát vọng công nghiệp hóa", ông Phan Xuân Dũng phát biểu.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - phát biểu tại đại hội |
Cũng tại đại hội, ông Đỗ Hữu Hào cho biết: "Đại hội lần này có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế; Đại hội sẽ tiến hành bầu ra Ban Chấp hành và Ban kiểm tra Tổng hội khóa IV gồm những người có tâm huyết, có trí tuệ, có khả năng tổ chức và đoàn kết để lãnh đạo Tổng hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới".
Ông Đỗ Hữu Hào phát biểu. |
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế lĩnh vực cơ khí
Trong nhiệm kỳ 2018–2024, Tổng hội Cơ khí Việt Nam đã triển khai đồng bộ các mặt công tác và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tổ chức hội tiếp tục được củng cố và phát triển. Tính đến cuối năm 2024, Tổng hội có 12.874 hội viên hoạt động tại 16 hội thành viên, một chi hội và hai đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Về hợp tác quốc tế, trong nhiệm kỳ vừa qua, Tổng hội duy trì mối quan hệ với nhiều tổ chức trong khu vực như Hội Cơ khí Hàn Quốc, Hiệp hội khuôn mẫu Nhật Bản và Tổng hội Cơ khí Trung Quốc. Một số hội thành viên đã tham gia tích cực vào các tổ chức khoa học-công nghệ quốc tế. Các đoàn của Tổng hội cũng đã tham dự nhiều triển lãm quốc tế tại Việt Nam, Campuchia và các hội thảo chuyên ngành lớn. Những hoạt động này góp phần mở rộng giao lưu và học hỏi trong lĩnh vực cơ khí.
Trong lĩnh vực chuyên môn, Tổng hội tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, phản biện chính sách phát triển ngành cơ khí, đóng góp cho các văn kiện quan trọng như Chiến lược phát triển cơ khí Việt Nam đến 2045. Tổng hội cũng thường xuyên tham gia các hội thảo chính sách do các bộ ngành và tổ chức khoa học kỹ thuật chủ trì. Đáng chú ý, tháng 12/2023, hội đã tổ chức hội thảo chuyên đề về phát triển đường sắt Việt Nam gắn với công nghiệp cơ khí.
Nghiên cứu khoa học và đào tạo là trọng tâm trong nhiệm kỳ. Các hội viên, chuyên gia của Tổng hội tham gia vào nhiều chương trình nghiên cứu cấp quốc gia, bộ ngành, và địa phương. Tổng hội tổ chức thành công hai kỳ Hội nghị khoa học công nghệ cơ khí toàn quốc năm 2021 và 2023. Các hội thành viên tổ chức nhiều hội thảo, hội thi tay nghề và khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng gia công, hàn, kiểm định kỹ thuật… góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân lực cơ khí.
Bước vào nhiệm kỳ 2025–2030, trong bối cảnh thế giới biến động và tình hình trong nước nhiều cơ hội lẫn thách thức, Tổng hội Cơ khí Việt Nam cùng cả nước triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIV, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và yêu cầu bảo vệ quốc phòng đặt ra những nhiệm vụ mới cho ngành cơ khí: Đào tạo nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ sạch, bảo vệ sản xuất trong nước và tham gia phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong đó, yếu tố con người đóng vai trò then chốt, đòi hỏi hội viên phải chủ động, thích ứng với tình hình mới.
Tổng hội đặt mục tiêu xây dựng ngành cơ khí hiện đại, phấn đấu đến năm 2031 đất nước có nền công nghiệp tiên tiến; củng cố tổ chức hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phổ biến kiến thức, tư vấn chính sách, góp phần phát triển ngành trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một số hình ảnh khác tại đại hội:
Các đại biểu biểu quyết bầu nhân sự nhiệm kỳ mới của Tổng hội. |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, chuyên viên Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ phát biểu. |
Ban Chấp hành Tổng hội Cơ khí Việt Nam chụp ảnh lưu niệm. |
Đại hội Đại biểu toàn quốc Tổng hội Cơ khí Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030 đã bầu Ban Chấp hành Tổng hội gồm 64 ủy viên, đồng thời bầu ra Ban Thường vụ Tổng hội gồm 14 ủy viên. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Chương, Phó Chủ tịch - Kiêm Tổng Thư ký Tổng hội khóa III được bầu giữ chức Chủ tịch Tổng Hội Cơ khí Việt Nam khóa IV. |
Nguồn: https://congthuong.vn/tong-hoi-co-khi-doi-moi-tu-duy-chu-dong-hoi-nhap-383886.html
Bình luận (0)