Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mỹ không còn là thị trường số 1, thủy sản Việt nên làm gì?

DNVN - Chính sách thuế quan bất ổn của Mỹ đã khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam "tăng nóng, giảm sốc" trong nửa đầu năm 2025. Hệ quả là Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu số một, buộc doanh nghiệp Việt phải khẩn trương tái cấu trúc chiến lược để ứng phó.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp17/07/2025

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm đạt 905 triệu USD, đánh dầu mức mức tăng trưởng ấn tượng 17,5%.

Theo bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), động lực tăng trưởng này chủ yếu đến từ xu hướng các doanh nghiệp dồn đơn hàng trong tháng 5, gấp rút hoàn tất giao dịch trước thời điểm Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng vào ngày 9/7/2025.

Sự tăng tốc ngắn hạn này được thể hiện rõ qua số liệu từng tháng. Sau khi tăng trưởng ổn định trong tháng 3 và 4, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng vọt 61% trong tháng 5, đạt kim ngạch cao nhất trong 6 tháng là 234 triệu USD. Ngay sau đó, khi mốc áp thuế đến gần và tâm lý chờ đợi bao trùm, xuất khẩu trong tháng 6 lại đột ngột giảm mạnh gần 18%, chỉ còn 131 triệu USD. Ba nhóm sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra và cá ngừ vẫn giữ vai trò dẫn dắt, chiếm 77% tổng kim ngạch với giá trị hơn 700 triệu USD.

Một diễn biến đáng chú ý là sự thay đổi trong bảng xếp hạng thị trường. Từng là thị trường dẫn đầu trong nhiều năm, Mỹ hiện chỉ chiếm 17% thị phần, mất vị trí số một vào tay Trung Quốc – quốc gia đã nhập khẩu 1,1 tỷ USD thủy sản Việt Nam, tăng mạnh tới 45% so với cùng kỳ.


Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ trong tháng 6 đột ngột giảm mạnh gần 18%, chỉ còn 131 triệu USD.

"Đây được xem là hệ quả tất yếu của một môi trường thương mại bất ổn do chính sách thuế quan của Mỹ. Kể từ tháng 4/2025, chính quyền Trump liên tục sử dụng thuế đối ứng như một công cụ đàm phán, đưa ra hàng loạt tuyên bố và thay đổi chóng mặt về mức thuế, thời điểm áp dụng cũng như đối tượng chịu ảnh hưởng.

Ban đầu, lộ trình áp thuế được ấn định từ ngày 9/7, nhưng ngay trước thời điểm đó, ông Trump bất ngờ thông báo lùi thời hạn sang ngày 1/8. Không chỉ thời gian, mức thuế cũng liên tục thay đổi, từ mức chung 10% đến các mức rất cao áp riêng cho từng quốc gia như Thái Lan (36%) hay Indonesia (32%)", bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, sự thay đổi liên tục này đã đẩy doanh nghiệp hai nước vào một môi trường kinh doanh bất định chưa từng có. Các nhà nhập khẩu Mỹ rơi vào trạng thái "ngồi trên đống lửa" vì không thể xác định chi phí cuối cùng của lô hàng. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giá, chốt thời điểm giao hàng và xây dựng kế hoạch sản xuất dài hạn.

Với một ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố mùa vụ và chi phí logistics như thủy sản, sự bất ổn này làm gia tăng rủi ro tài chính và kéo theo hệ lụy dây chuyền từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến.

Đối mặt với một trật tự thương mại mới đầy bất ngờ và khó dự đoán, bà Lê Hằng cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chủ động tái cấu trúc chiến lược.

Một trong những giải pháp hàng đầu là đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ, đồng thời đẩy mạnh khai thác các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) như khối CPTPP, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc. Việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu chi phí và rủi ro logistics cũng là yêu cầu cấp thiết.

Phó Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh tầm quan trọng của việc minh bạch hóa truy xuất nguồn gốc và xuất xứ nguyên liệu. Đây là yếu tố then chốt trong bối cảnh các chính sách thuế đối ứng ngày càng gắn chặt với tiêu chí về nguồn gốc hàng hóa. Doanh nghiệp cần bảo đảm toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu, được giám sát chặt chẽ, có hồ sơ đầy đủ để chứng minh xuất xứ hợp pháp, tránh nguy cơ bị cáo buộc "lẩn tránh thuế" hoặc "chuyển tải bất hợp pháp".

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, từ truy xuất nguồn gốc điện tử đến quản trị đơn hàng thông minh, sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng phản ứng nhanh với các biến động chính sách và thị trường, linh hoạt thích ứng trong bối cảnh mới.

Thu An

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/my-khong-con-la-thi-truong-so-1-thuy-san-viet-nen-lam-gi/20250717053007564


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm