Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trách nhiệm với bảo vật quốc gia

(PLVN) - Bảo vật quốc gia (BVQG), bản thân cái tên đã cho thấy đây là những hiện vật vô cùng quý hiếm và có ý nghĩa với cả đất nước chứ không riêng một cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư, địa phương nào.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam28/05/2025

Theo Nghị định 92/2002/NĐ-CP và Luật Di sản văn hóa, BVQG là những “hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”. Đó là những hiện vật nguyên gốc, độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện là vật chứng của một sự kiện lớn hoặc gắn bó với cuộc sống, sự nghiệp anh hùng dân tộc, danh nhân kiệt xuất; là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng - nhân văn, giá trị thẩm mỹ và hình thức thể hiện tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định.

Quan trọng như vậy, nên để được công nhận BVQG, phải qua một trình tự thủ tục vô cùng chặt chẽ và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Khoản 3 Điều 41a Luật Di sản văn hóa quy định rõ “BVQG được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”.

Thế nhưng, thực tế việc bảo vệ BVQG “theo chế độ đặc biệt” ở một số nơi đã được thực hiện ra sao? Trưa ngày 24/5/2025, một người đàn ông 43 tuổi có dấu hiệu loạn thần đã vào khu vực Điện Thái Hòa ở quần thể Di tích Cố đô Huế được

UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới, nơi trưng bày ngai vua triều Nguyễn là hiện vật đã được công nhận BVQG, nhảy lên BVQG la hét, bẻ gãy phần tựa phía trước tay bên trái của ngai. Sự việc diễn ra trong khoảng 15 phút, nhưng không thấy lực lượng có trách nhiệm bảo vệ BVQG có động thái quyết liệt khống chế đối tượng. Phải đến khi công an có mặt, đối tượng mới bị đưa về trụ sở.

Sự việc khiến dư luận lo ngại, vì không ngờ một BVQG lại có thể bị một đối tượng dấu hiệu loạn thần dễ dàng xâm hại đến thế. Lãnh đạo Chính phủ lập tức đã có văn bản yêu cầu UBND TP Huế khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của BVQG để có giải pháp bảo quản, phục hồi; tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan, không để xảy ra trường hợp tương tự; rà soát tổng thể, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn Di tích Cố đô Huế và các di vật, cổ vật, BVQG thuộc Di tích Cố đô Huế cũng như công tác quản lý di tích trên địa bàn; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại.

Trách nhiệm để xảy ra sự việc vô cùng đáng tiếc này thuộc về cá nhân nào, Bộ VH,TT&DL, UBND TP Huế cũng như các cơ quan chức năng địa phương sẽ sớm có thể xác định căn cứ vào các quy định pháp luật, quy chế làm việc. Tuy nhiên chúng ta có thể khẳng định, ngai vàng triều Nguyễn đã chưa được bảo vệ, bảo quản theo nội dung khoản 3 Điều 41a Luật Di sản văn hóa là “BVQG được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”. Bài học này, mọi cá nhân, tổ chức làm việc trong lĩnh vực cần phải đặc biệt ghi nhớ, rút kinh nghiệm.

Nguồn: https://baophapluat.vn/trach-nhiem-voi-bao-vat-quoc-gia-post549916.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm