Không chỉ có quyền lập và phê duyệt kế hoạch phát triển giáo dục, tổ chức triển khai các đề án, chính sách; quyết định quy hoạch đất, đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất trường học, huy động nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục; cấp xã còn được phép thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ hoặc giải thể các cơ sở giáo dục; tổ chức tuyển sinh, đánh giá chất lượng trường học; phân bổ ngân sách, duyệt quyết toán và kiểm tra tài chính; tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật tại các trường học…
Mới đây, dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở GD&ĐT thuộc UBND cấp tỉnh; lĩnh vực GD&ĐT của phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã còn bổ sung cho chủ tịch xã hai nhiệm vụ mới là quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu; miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm; khen thưởng và kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý; Quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập.
Việc trao nhiều quyền cho cấp xã là bước đi cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý giáo dục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách tại cơ sở. Mô hình này không chỉ góp phần giảm tải cho các sở GD&ĐT mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo hiệu quả và sát thực tiễn trong quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện cho nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh.
Thẩm quyền, trách nhiệm của cấp xã nhiều hơn đòi hỏi người đứng đầu phải có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh; đặc biệt yêu cầu bộ phận tham mưu phải có trình độ chuyên môn vững vàng và năng lực. Không chỉ nắm chắc các quy định của Luật Giáo dục cùng các văn bản chuyên ngành để đảm bảo công tác quản lý được thực hiện đúng quy trình, tránh chồng chéo giữa các địa phương, đội ngũ tham mưu còn phải sâu sát cơ sở để thực sự là lực lượng nòng cốt giúp tổ chức và vận hành hệ thống giáo dục địa phương một cách bài bản và hiệu quả.
Thế nhưng hiện nay sau sáp nhập, dù lực lượng cán bộ có chuyên môn được tăng cường về, cấp xã đã lập những phòng ban phụ trách cụ thể, nhưng nhìn chung đội ngũ tham mưu cấp xã còn nhiều người chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực giáo dục. Vì thế việc thực hiện các nhiệm vụ mới sẽ không tránh khỏi lúng túng, thiếu chính xác, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong quản lý giữa các xã, nhất là những nội dung yêu cầu trình độ chuyên môn sâu như công nhận hiệu trưởng, kéo dài thời gian công tác hay xử lý kỷ luật cán bộ.
Đặc biệt, những ngày đầu chuyển giao này, cấp xã phải thực hiện nhiều thẩm quyền mới ngay trong thời điểm nhạy cảm của ngành, với khối lượng công việc lớn như tuyển sinh, tuyển dụng, chuẩn bị vào năm học mới, năng lực tham mưu giúp việc của đội ngũ cán bộ xã lại càng quan trọng.
Để cấp xã vào guồng nhanh chóng, thực hiện tốt nhất thẩm quyền được giao, trước mắt các sở GD&ĐT cần tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chỉ đạo chuyên môn kịp thời; thiết lập cơ chế phối hợp và giám sát giữa UBND xã và các cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả quản lý.
Đặc biệt, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hành chính và hiểu biết về chuyên môn giáo dục cho cán bộ được phân công. Đây là giải pháp cốt lõi để tổ chức và vận hành hệ thống giáo dục cơ sở bài bản và hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu của phụ huynh, học sinh và cộng đồng địa phương.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/trao-nhieu-quyen-cho-cap-xa-nang-chat-doi-ngu-tham-muu-post738983.html
Bình luận (0)