Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tự hào di sản văn hóa nghìn năm

Những ngày này, người dân Khánh Hòa cùng hướng về Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác, chế biến trầm hương. Gọi đây là sự kiện đặc biệt bởi những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này đã gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần và là niềm tự hào của người dân hàng trăm năm qua.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa08/07/2025

Linh thiêng tháp cổ

Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar tọa lạc trên đồi Cù Lao thuộc phường Bắc Nha Trang, được đồng bào Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII để thờ nữ thần Pô Inư Nagar (hay còn gọi Pô Nagar). Đến năm 1653, từ sự cộng cư, hòa cư của người Việt và người Chăm đã đánh dấu sự hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của người Chăm với tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt nên tại Tháp Bà Pô Nagar còn được thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Tháp Bà Ponagar là một quần thể kiến trúc gồm có tháp cổng, Mandapa và khu đền tháp. Tuy nhiên, do biến động của lịch sử nên hiện nay khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng là Mandapa và khu đền tháp. Khu vực Mandapa có 4 hàng cột lớn hình bát giác, xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ. Khu đền tháp hiện còn 4 tháp: Tháp Đông Bắc hay còn gọi là tháp chính, cao 23m, được xây dựng lần đầu vào thế kỷ VIII và được xây dựng lại vào thế kỷ XI, bên trong tháp đặt tượng thờ Nữ thần Pô Nagar; tháp Nam cao 18m, có niên đại xây dựng vào thế kỷ XIII, đây là nơi thờ thần Shiva, còn theo truyền thuyết của người Việt thì tháp thờ chồng của Thiên Y A Na Thánh Mẫu nên gọi là tháp Ông; tháp Đông Nam cao 7,1m, có niên đại khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XII, thờ thần Skandha - con thần Shiva, còn theo truyền thuyết của người Việt, tháp thờ ông bà Tiều là cha mẹ nuôi của Thiên Y A Na Thánh Mẫu; tháp Tây Bắc cao 9m, là ngôi tháp duy nhất còn khá nguyên vẹn về kiến trúc và trang trí, tháp thờ thần Ganesha, còn theo truyền thuyết của người Việt thì tháp thờ Cô, Cậu - con của Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar.
Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar.

Năm 1979, di tích Tháp Bà Pô Nagar được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với quần thể di tích này. “Khi nhắc đến di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar cũng đồng thời chúng ta nhắc đến lễ hội Tháp Bà Pô Nagar diễn ra hàng năm từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch, cùng hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của đồng bào Chăm và tín ngưỡng thờ Mẫu của cộng đồng người Việt. Năm 2012, lễ hội Tháp Bà Pô Nagar được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện tại, di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar còn lưu giữ được 14 đạo sắc phong và 28 minh văn trên các bia ký, cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác. Trải qua quá trình giao lưu, đan xen, tiếp biến văn hóa, di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar đã trở thành một trung tâm thờ Mẫu - nơi để người dân trong tỉnh và khách thập phương đến cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.

Di sản nghề trầm ở xứ Trầm Hương

Người dân Khánh Hòa đến nay vẫn lưu truyền câu ca: “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương/Non cao, biển rộng người thương đi về…” để khắc họa nên niềm tự hào về một sản vật quý của vùng đất nơi đây được con người dụng công khai thác, chế biến. Theo sử sách ghi chép, trầm hương ở Khánh Hòa từ lâu đã được biết đến là một trong những sản phẩm đặc hữu nổi tiếng của Chămpa, Đại Việt. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trong bài viết “Cây trầm hương, xứ Trầm hương trong đời sống xã hội và lịch sử kinh tế Việt Nam” đã ghi: “Các sử liệu cổ của Trung Quốc cũng có nhiều ghi chép về phương vật của vương quốc Chămpa xưa, trong đó có trầm hương. Theo đó, từ thời Hán (206 trước công nguyên - 220 sau công nguyên), trầm hương của Chămpa đã được cư dân khu vực biết đến và luôn được coi là cống vật chủ yếu của chính quyền nhà nước này với triều đình và giới quý tộc, quan lại phương Bắc”. Qua đây, chúng ta thấy được nghề khai thác trầm hương nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng đã có từ rất lâu đời. Trầm hương xuất hiện ở nhiều địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cũng như một số nước Đông Nam Á, nhưng khi nói về chất lượng trầm hương thì vẫn phải nhắc tới trầm hương Khánh Hòa là hàng đầu. Trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục” viết năm 1776, ở mục “Vật sản, phong tục”, nhà bác học Lê Quý Đôn đã có những trang viết chuyên sâu về trầm, công dụng, tính năng của trầm hương, kỳ nam: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là thứ tốt nhất; xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai…”.

Nghề chế tác trầm hương ở phường Hòa Thắng. Ảnh: C.Đ
Nghề chế tác trầm hương ở phường Hòa Thắng. Ảnh: C.Đ

Với truyền thống và kinh nghiệm lâu đời của nghề trầm hương, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều làng nghề, hợp tác xã, nhóm nghề, hộ gia đình làm nghề chế tác trầm hương, qua đó đã tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc nổi tiếng từ trầm hương như: Nhang trầm, vòng trầm, tượng trầm, tinh dầu trầm… Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ trầm hương đạt chất lượng cao và được chứng nhận chất lượng OCOP. Thương hiệu trầm hương Khánh Hòa ngày càng được khẳng định ở trong nước và thế giới. “Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, nghề khai thác, chế biến trầm hương Khánh Hòa vẫn được người dân bảo tồn, gìn giữ những tri thức dân gian, kinh nghiệm nghề nghiệp để phát triển, tái tạo, chế tác làm phong phú và đa dạng các sản phẩm trầm hương; tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc và là quà tặng du lịch độc đáo của du khách khi đến với xứ Trầm hương. Những người làm nghề trầm hương đã tôn xưng nữ thần Pô Nagar - Thiên Y A Na Thánh Mẫu là thủy tổ của nghề”, ông Lê Văn Hoa chia sẻ.

Việc cùng lúc tổ chức đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác, chế biến trầm hương vào cùng một thời điểm và tại khuôn viên nơi thờ nữ thần Pô Nagar - Thiên Y A Na Thánh Mẫu là sự vinh danh đối với 2 di sản văn hóa hiện hữu lâu đời ở xứ Kauthara - xứ Trầm hương - tỉnh Khánh Hòa. Từ niềm tự hào về 2 di sản văn hóa nghìn năm, chúng ta sẽ có thêm những hành động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy có hiệu quả hơn các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh.

Ngày 17-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 152 về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) đối với 5 di tích trên địa bàn toàn quốc. Trong đó, có di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Pô Nagar thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 3-6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Tri thức khai thác, chế biến trầm hương Khánh Hòa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

GIANG ĐÌNH 

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202507/tu-hao-di-san-van-hoa-nghin-nam-9462467/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm