Đây là một trong những hoạt động của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); tưởng nhớ và tri ân những hy sinh, chiến công vĩ đại của quân và dân ta, qua đó nâng cao nhận thức về giá trị tự do và độc lập dân tộc.
Chương trình do Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá, Khoa Lịch sử, Khoa Khoa học Chính trị, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp tổ chức, thu hút sự tham dự của hơn 500 nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và những người quan tâm.

Đây cũng là cơ hội để sinh viên được tiếp xúc với các nguồn tư liệu; gặp gỡ và giao lưu với nhân chứng lịch sử. Từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trong sinh viên Nhân văn, khuyến khích sự tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng và nghiên cứu lịch sử hào hùng của dân tộc.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngày 30.4.1975 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sau hơn hai thập kỷ kiên cường đấu tranh, vượt qua muôn vàn khó khăn và hy sinh, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) kết thúc thắng lợi hoàn toàn bằng chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trải qua hơn 20 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, kết thúc bằng chiến thắng 30.4.1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông liền một dải.
Triển lãm ảnh kỷ niệm “50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước giới thiệu 40 hình ảnh tư liệu ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc.
Nội dung triển lãm được chia làm 05 phần, gồm: (1) Cuộc chiến vĩ đại: Giới thiệu những điểm mốc quan trọng của cuộc chiến; các trận đánh quyết định và những chiến công của quân và dân hai miền Nam Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; (2) Cuộc sống trong chiến tranh: Trưng bày những bức ảnh về cuộc sống của nhân dân hai miền trong thời kỳ chiến tranh; (3) Ngày giải phóng miền Nam: Những khoảnh khắc lịch sử vào ngày 30/4/1975, khi các đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh; (4) 50 năm thống nhất Đất nước: Những hình ảnh phản ánh sự phát triển của đất nước từ năm 1975 đến nay; (5) Giới thiệu cuốn sách và tác giả: "Tầm nhìn từ lịch sử hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới" và "30.4.1975 - 50 năm nhìn lại".



Những khung hình quý giá tại triển lãm đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc với khát vọng hòa bình, sự hy sinh, mất mát và cuộc sống của nhân dân hai miền trong 20 năm chiến tranh khốc liệt để thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị của hòa bình.
Triển lãm ảnh kỷ niệm được trưng bày tại sảnh tầng 1 nhà E từ ngày 22.4 đến ngày 24.4.2024 và sân nhà D, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn từ ngày 25.4 đến ngày 29.4.2025 để đông đảo các cán bộ, giảng viên, học sinh - sinh viên của nhà trường tới tham quan.


Nhân dịp này Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn trân trọng tổ chức giới thiệu 2 cuốn sách: Tầm nhìn từ lịch sử, hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, công trình cung cấp hệ thống quan điểm và giải pháp để phát triển đất nước trong thời đại mới.
Cuốn sách thứ hai, 30.4.1975 – 50 năm nhìn lại của KTS Nguyễn Hữu Thái, nguyên Tổng hội sinh viên Sài Gòn 1963-1964, người chứng kiến thời khắc lịch sử quan trọng tại Dinh Độc Lập và Đài phát thanh trong ngày 30.4.1975.


Toạ đàm đã được nghe những gửi gắm của Thượng tướng, TS. Nguyễn Văn Hưởng tác giả cuốn Tầm nhìn từ lịch sử, hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới. Từ góc nhìn lịch sử và văn hóa tác giả đề xuất hệ thống quan điểm và giải pháp nhằm giúp Việt Nam sớm hoàn thiện những giá trị của mình, tiến vào thời đại mới với những nền móng, bệ phóng vững chắc để vươn cao và bay xa.



Đối với cuốn sách 30.4.1975 – 50 năm nhìn lại của KTS Nguyễn Hữu Thái, ông đã kể về giây phút mượn chiếc máy cát-xét của phóng viên nước ngoài để ghi lại thời khắc Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng quân giải phóng.

Theo các tác giả, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, không chỉ có ý nghĩa với đất nước và dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa quốc tế sâu rộng. Là biểu tượng của tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí quật cường của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc.
Chiến thắng này đã chấm dứt sự can thiệp kéo dài và tốn kém của Hoa Kỳ vào Việt Nam, góp phần thay đổi cục diện chính trị thế giới và khẳng định chân lý: một dân tộc dù nhỏ bé nhưng đoàn kết và quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do thì nhất định thắng lợi. Chiến dịch Hồ Chí Minh mãi mãi là một trang sử vàng chói lọi; một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/trien-lam-anh-va-gioi-thieu-sach-ve-cuoc-chien-vi-dai-cua-dan-toc-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-post411308.html
Bình luận (0)