
Nâng cao tính chủ động của các cấp, các ngành
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Luật gồm 2 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 28 điều, khoản và 2 Phụ lục của Luật Quy hoạch.
Nêu bật điểm mới của dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, để hoàn thiện hệ thống quy hoạch, dự thảo Luật bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch; bỏ quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành ở cấp huyện để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; bỏ quy định về quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do chưa rõ pháp luật quy định về đơn vị hành chính - kinh tế cũng như mối quan hệ của quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
Dự thảo Luật cũng đơn giản hóa nội dung quy hoạch để nâng cao tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch. Cụ thể: sửa đổi, bổ sung nội dung quy hoạch theo hướng chỉ bao gồm những quy định khung, mang tính định hướng; chuyển danh mục dự kiến dự án quan trọng, dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch sang kế hoạch thực hiện quy hoạch, đồng thời phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Để nâng cao tính chủ động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo điều hành theo Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự thảo Luật quy định phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh. Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận. Ảnh: Hồ Long
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, việc Chính phủ đề nghị xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp là có căn cứ nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền. Đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng thì cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng kết thực tiễn khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch.
Về hệ thống quy hoạch, dự thảo Luật đã bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch nhưng không thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, cách xử lý này chỉ mang tính kỹ thuật chưa giải quyết triệt để bản chất của vấn đề. Do đó, để tránh vướng mắc và cách hiểu khác nhau, Ủy ban đề nghị chỉnh lý theo hướng bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia và loại trừ quy hoạch này tại phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành ra khỏi hệ thống quy hoạch quốc gia vì nội dung này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Kết luận số 127 của Bộ Chính trị về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch được Chính phủ đề xuất xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Do đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các cơ quan cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ Chín sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Do đó, trong quá trình hoàn thiện, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết thời gian tới, các cơ quan phải tiếp thu tối đa tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 và kết luận của Tổng Bí thư ở các cuộc họp Bộ Chính trị, đặc biệt là tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, quá trình hoàn thiện các dự án Luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới cần bám sát một số nguyên tắc, gồm: nội dung nhiều nhưng phải bảo đảm quy trình thủ tục; bảo đảm “lạt mềm mà phải buộc chặt"; bảo đảm chất lượng của các luật, nghị quyết. Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm chất lượng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần tiếp tục rà soát, nhiều kênh, nhiều nguồn thông tin, các chuyên gia, các nhà khoa học, tổ chức tọa đàm, hội thảo để hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.
“Kỳ họp thứ Chín này là kỳ họp lịch sử, Quốc hội sẽ quyết định những vấn đề lịch sử. Do đó, chúng ta phải bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội. Nội dung nào chưa bảo đảm chất lượng sẽ hoãn lại, để kỳ họp sau xem xét. Với những vấn đề nóng, cấp bách, Quốc hội sẵn sàng tiến hành các kỳ họp không thường kỳ để xem xét, không dồn vào một kỳ họp xem xét mà không bảo đảm chất lượng”. Nhấn mạnh yêu cầu này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục nâng cao trách nhiệm, làm việc hết công suất; Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật dù đã phân cấp khá nhiều cho địa phương trong thời gian qua thì tới đây cần phân cấp mạnh hơn nữa.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, các cơ quan chức năng cần xác định rõ phạm vi và mục đích sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Trong đó, cần tập trung vào hai vấn đề chính: hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, những nội dung, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chưa tạo được sự thống nhất thì cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng kết thực tiễn khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch, qua đó bảo đảm cao nhất chất lượng dự thảo Luật, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng. Đồng thời, tiếp tục rà soát các luật khác có liên quan đến quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các luật có quy định về đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh với quy hoạch.
Về các chỉ tiêu, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quyết định hoặc điều chỉnh quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải tiếp tục rà soát để giảm bớt các khâu trung gian có thể ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt, điều chỉnh các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh; đánh giá tính hợp lý của các quy định về trình tự, thủ tục quyết định hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị, các cơ quan tiếp tục đánh giá và có sự thống nhất trong việc lược bỏ các kỹ thuật chuyên ngành không cần thiết, chưa triển khai hoặc không phù hợp với thực tiễn… Tiếp tục rà soát để bỏ bớt các nội dung không cần thiết mang tính cụ thể của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để bảo đảm phù hợp với thực tiễn triển khai các quy hoạch này.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-phan-cap-phan-quyen-phu-hop-voi-mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-post411339.html
Bình luận (0)