Ban tổ chức cho biết, triển lãm “Kể - thiết kế trẻ trong lòng di sản” giới thiệu đến người dân và du khách 52 tác phẩm của các tác giả hiện đang là sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang, Điêu khắc… thuộc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm khu vực trong nhà Thái học. (Ảnh: BTC).
Không đơn thuần là những sản phẩm sáng tạo, mỗi tác phẩm tại triển lãm là một cuộc đối thoại tinh tế giữa nghệ thuật đương đại và không gian kiến trúc, văn hóa – lịch sử của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trong sự giao thoa ấy, triển lãm mang đến một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, nơi di sản truyền thống trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo trẻ.
Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Nguyễn Liên Hương phát biểu tại triển lãm. (Ảnh: BTC).
Bà Nguyễn Liên Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, với 52 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong không gian linh thiêng và cổ kính của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, triển lãm “Kể” đem đến một không gian sáng tạo nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa tư duy nghệ thuật mới mẻ và chiều sâu văn hóa dân tộc, giúp công chúng tham quan hòa mình vào cuộc đối thoại của con người đương đại với di sản của cha ông.
“Chúng tôi hy vọng rằng, triển lãm không chỉ giúp công chúng tiếp cận di sản qua lăng kính đương đại, mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ mạnh dạn đổi mới và sáng tạo” - bà Nguyễn Liên Hương, nhấn mạnh.
TS Phạm Thái Bình (thứ 5 từ trái qua) giới thiệu các tác phẩm trưng bày tại triển lãm với các đại biểu. (Ảnh: BTC).
Trong khi đó, TS Phạm Thái Bình - Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật, (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), Trưởng ban tổ chức triển lãm, cho biết: “Trong suốt thời gian chuẩn bị cho Triển lãm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các bạn sinh viên đã có những trải nghiệm đáng quý khi được Trung tâm tạo điều kiện làm việc tại một không gian linh thiêng và giàu giá trị văn hóa. Kết quả mà các sinh viên đạt được rất khả quan. Tôi tin tưởng các bạn trẻ trong một thời đại mới, vận hội mới sẽ tiếp tục vận dụng và phát huy những mặt mạnh của mình đóng góp tích cực cho các hoạt động văn hóa sáng tạo”…
Tác phẩm “Trích đoạn Đông Dương” của tác giả Dương Đức Huy trưng bày tại triển lãm. Tác phẩm lấy ý tưởng từ nguyên lý chế tác sản phẩm cơ khí. Tác phẩm chính là câu chuyện, nền văn minh được hình thành từ các dòng chảy cũng như các hiện vật kim khí, những mảnh khuôn được tìm thấy bên bờ các dòng sông. (Ảnh: BTC).
Tác phẩm “Giai điệu” của tác giả Nguyễn Thị Bình lấy ý tưởng từ những giai điệu và nhịp điệu tạo nên tác phẩm. Tác giả nhấn mạnh hình ảnh những nhịp điệu chuyển động trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung. (Ảnh: BTC).
Theo Ban Tổ chức, trong thời gian diễn ra triển lãm, công chúng có thể tham gia vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như workshop tranh khắc, workshop trải nghiệm sản phẩm với nhiều cảm giác thú vị và hấp dẫn.
Một số hình ảnh đặc sắc của triển lãm “Kể - thiết kế trẻ trong lòng di sản”:
Các tác phẩm trưng bày khu vực ngoài trời. (Ảnh: BTC).
Các bạn trẻ thích thú chiêm ngưỡng các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: BTC).
Mỗi tác phẩm tại triển lãm là một cuộc đối thoại tinh tế giữa nghệ thuật đương đại và không gian kiến trúc, văn hóa – lịch sử của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, qua đó thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. (Ảnh: BTC).
Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 16/4/2025 tại khu Thái học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám./.
Bình luận (0)