Mặc dù chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống của gia đình bà Đinh Thị Hà (trú thôn Chà Là, xã Bình Thuận) luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau do giá cả nông sản bấp bênh cộng với nuôi ba người con đang tuổi ăn học.
Đầu năm 2023, nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của hội viên, Hội Hội Liên hiệp Phụ nữLHPN) xã Bình Thuận đã hỗ trợ giúp bà Hà tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Với 50 triệu đồng của nguồn vốn vay giải quyết việc làm được giải ngân từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Buôn Hồ và 40 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội LHPN thị xã, bà Hà đã đầu tư tái canh 1 ha cà phê và xây dựng chuồng trại, nuôi heo nái để bán giống. Chỉ riêng năm vừa qua gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng từ việc bán nông sản và heo con; nhờ đó có điều kiện sửa chữa, cải tạo ngôi nhà tạm đã xuống cấp nhiều năm.
Mô hình tái canh cà phê kết hợp trồng cây ăn trái giúp gia đình bà Định Thị Hà (thôn Chà Là, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ) ổn định cuộc sống. |
Còn với chị Lăng Thị Nết (thôn Bình Thuận 3) thì chính sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp hội phụ nữ đã tiếp sức cho gia đình chị tiếp tục phát triển mô hình sản xuất cà phê sạch.
Năm 2018, nhận thấy người dân trên địa bàn có nhu cầu sử dụng các sản phẩm cà phê rang xay nguyên chất, chị đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng việc đầu tư mua máy rang xay và mở một quán cà phê nhỏ. Với niềm đam mê kinh doanh, chị không ngừng học hỏi, hoàn thiện quy trình sản xuất cà phê sạch, từ đó, các sản phẩm cà phê của gia đình đã nhận được sự yêu thích của nhiều người.
Năm 2023, gia đình chị Nết quyết định thành lập Công ty TNHH Lê Gia Tây Nguyên TPM. Tháng 12/2024, cà phê hạt rang xay Lê Gia Tây Nguyên được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đầu năm 2025, gia đình chị quyết dồn toàn bộ số tiền tích cóp cộng vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi do Hội LHPN xã giới thiệu để mua sắm thêm máy móc sản xuất, mở rộng nhà xưởng.
Nhờ vậy, sản phẩm ngày càng nâng cao chất lượng, có đầu ra ổn định, với sản lượng tiêu thụ gần 1 tấn hạt cà phê rang/tháng. Từ việc sản xuất, chế biến nguyên liệu sẵn có tại địa phương, cơ sở sản xuất của chị Nết đã giúp tiêu thụ nông sản cho nhiều hộ trồng cà phê trên địa bàn và tạo việc làm ổn định cho 2 lao động tại địa phương với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm cà phê sạch mang thương hiệu Lê Gia Tây Nguyên của gia đình chị Lăng Thị Nết đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. |
Bà Mai Thị Thanh Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thuận cho biết: “Hội hiện có 2.380 hội viên đang sinh hoạt tại 22 chi hội, phần lớn thu nhập của chị em đến từ việc sản xuất nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhằm tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, hội thường xuyên rà soát số hội viên nghèo, cận nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng giúp đỡ phù hợp; đồng thời tích cực kết nối, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, hội còn thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp phụ nữ thay đổi tư duy sản xuất mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên”.
Đến nay, Hội LHPN xã Bình Thuận đã tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Buôn Hồ tạo điều kiện cho 547 lượt vay với tổng dư nợ trên 17,7 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Kiên Long thành lập 1 tổ vay vốn và tiết kiệm giúp 6 lượt chị em vay 350 triệu đồng để phát triển kinh doanh; duy trì có hiệu quả phong trào thực hành tiết kiệm, qua đó huy động được 1,06 tỷ đồng giúp 90 hội viên phát triển kinh tế (trong đó có 14 hội viên nghèo làm chủ hộ); trao 286 triệu đồng cho 24 hội viên nghèo, cận nghèo giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình... Chỉ riêng năm 2024, Hội LHPN xã Bình Thuận đã giúp đỡ 42 hội viên (có phụ nữ làm chủ hộ) thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã xuống 4,29%.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202504/tro-luc-tu-nguon-von-vay-uu-dai-e211b65/
Bình luận (0)