Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trở về Sa Lôn - nơi thời gian dừng lại trong ký ức

Việt NamViệt Nam28/04/2025


Xe rẽ vào con đường nhựa phẳng lỳ, hai bên rừng xanh thăm thẳm. Càng vào sâu rừng càng dày lên, tĩnh lặng đến lạ. Những người ngồi trên xe im lặng. Có lẽ không cần nói gì cả – vì tim ai cũng đang thầm gọi tên một vùng đất đã từng đi qua trong những năm tháng máu lửa nhất của đời mình: Sa Lôn.

Ngày 24/4/2025, giữa không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người từng là cán bộ, chiến sĩ Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống đế quốc đã có một cuộc trở về đầy xúc động. Về lại Sa Lôn – nơi từng là căn cứ Tỉnh ủy một thời, nơi bao tháng năm gian khó, máu xương và tình đồng chí được vun bồi trong rừng sâu, núi thẳm. Trở về không chỉ là một hành trình địa lý, mà là hành trình của trái tim – về lại nơi đã gửi gắm cả tuổi trẻ, máu, nước mắt và niềm tin vào độc lập, tự do.

“Năm mươi năm ta mới về thăm lại…”

Bắt đầu từ những lời chào mừng trang trọng, đầy xúc động của ông Nguyễn Việt Hùng – Trưởng Ban Liên lạc Văn phòng Tỉnh ủy trong kháng chiến chống đế quốc, không khí buổi lễ như được kéo gần hơn bởi những dòng thơ lay động của một đồng chí đã xúc cảm viết nên khi trở lại Sa Lôn:

“Năm mươi năm ta mới về thăm lại

Rừng chiến khu vẫn xanh thắm ngút ngàn

Suối chín khúc vẫn thủy chung cùng năm tháng

Dòng Sa Lôn con nước vẫn đầy vơi”.

83d7568a2ee29cbcc5f3.jpg
Bà Nguyễn Thị Lừa (ngoài cùng bên trái) chụp hình lưu niệm cùng đồng đội.

Thật khó nói thành lời, cảm xúc của những người con tóc đã bạc, tay đã run, nhưng ánh mắt vẫn rực sáng khi đặt chân về chốn xưa. Giữa những mái tóc bạc trắng, những gương mặt hằn dấu thời gian, bà Nguyễn Thị Lừa - nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, nay đã 85 tuổi, nổi bật với chiếc khăn rằn vắt ngang vai, mái tóc ngắn bạc như sương. Dáng bà đậm người, lưng đã còng nhẹ vì tuổi tác, bước đi chậm chạp nhưng ánh mắt bà thì vẫn sáng và giọng nói vẫn trầm ấm, chắc nịch. “Tôi cứ sợ không còn dịp trở lại”, bà nói, tay khẽ siết chiếc khăn rằn. Hồi ấy, bà Lừa phụ trách công tác Hội Phụ nữ vùng căn cứ, ngày ngày băng rừng vượt suối để vận động bà con ủng hộ cách mạng, tổ chức nuôi giấu cán bộ, vận chuyển gạo muối, thuốc men tiếp tế cho cơ quan Tỉnh ủy. Bà còn trực tiếp tham gia đào hầm bí mật, làm giao liên, đưa tin giữa các cơ sở cách mạng trong rừng sâu. Công việc cực nhọc, hiểm nguy nhưng chưa bao giờ bà chùn bước. “Vì mình tin cách mạng sẽ thắng, tin đất nước sẽ có ngày hòa bình”, bà Lừa lặng lẽ nói, ánh mắt ánh lên niềm tin bền bỉ suốt hơn nửa thế kỷ. Bà ngước nhìn rừng cây trước mặt, nơi từng là lán trại cơ quan năm xưa: “Tôi nhớ từng gốc cây, từng con dốc. Rừng giờ vẫn xanh, mà người xưa thì vắng quá nhiều…”. Gương mặt bà Lừa rám nắng nhăn nheo thoáng một nụ cười. Nụ cười không dành cho hiện tại, mà cho một thời tuổi trẻ không tiếc máu xương, cho những người đã đi, và cho chính bà – người còn đủ sức trở về để kể lại.

b7a1114a5622e47cbd33.jpg
Ông Nguyễn Văn Hiền – người lính cận vệ năm xưa.

Giữa những gương mặt trở về căn cứ Sa Lôn, ông Nguyễn Văn Hiền – người lính cận vệ năm xưa – vẫn giữ nét rắn rỏi dưới mái tóc bạc màu sương gió. Năm nay 72 tuổi, ông Hiền từng tham gia cách mạng từ năm 1968, xuất thân từ một cơ sở quần chúng của vùng căn cứ. Từng bước trưởng thành trong phong trào, ông được giao nhiệm vụ làm cận vệ, trực tiếp bảo vệ Bí thư Tỉnh ủy trong những năm tháng bom đạn ác liệt. Không chỉ đảm nhiệm trọng trách cận vệ, ông Hiền còn tham gia công tác hậu cần: ngày ngày lo từng nắm cơm, từng vại nước, dựng lán trại, tiếp tế gạo muối cho cơ quan lãnh đạo bám trụ giữa lòng rừng sâu.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông được điều động tham gia mở đường chiến dịch, đào đất, bắc cầu, gỡ mìn, vận chuyển lương thực, ngày đi đêm đi, chỉ mong sớm đến ngày toàn thắng. “Có những đêm chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng nín thở lắng nghe. Mỗi con đường, mỗi gốc cây mình đi qua đều in dấu vết của anh em mình”, ông nhớ lại. Hiện sống tại Phan Rang, mỗi khi có dịp nhắc lại quá khứ, ánh mắt ông Nguyễn Văn Hiền vẫn ánh lên sự tự hào lặng lẽ. Giữa rừng xanh Sa Lôn hôm nay, dáng ông vẫn đứng thẳng, như chính những năm tháng không thể khuất phục của một thế hệ đã cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ngày trở về, không chỉ để nhìn lại

Căn cứ Sa Lôn năm xưa - từng là nơi cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận đứng chân lâu nhất trong những năm tháng kháng chiến gian khổ - nay đã được khôi phục, tôn tạo, trở thành địa chỉ đỏ trong hành trình tri ân lịch sử. Từng mét đất nơi đây đã thấm máu xương, mồ hôi của bao cán bộ, chiến sĩ. Không ít người ngồi đây hôm nay đã từng cõng gạo, khiêng điện đài, đào hầm, đi lấy muối giữa vùng địch. Không ít người, từng trực tiếp bảo vệ cơ quan, bảo vệ lãnh đạo Tỉnh ủy – bằng chính tính mạng mình.

Buổi họp mặt không chỉ là dịp hội ngộ, mà còn là buổi tri ân. Hơn 80 đồng chí hy sinh trong kháng chiến. Và từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, đã có hơn 55 người nữa lặng lẽ ra đi. Nhiều người, như anh Lương Minh Châu, Mai Hoàng Đại… đã góp phần tìm lại chính khu căn cứ Sa Lôn này, nhưng không còn kịp một lần trở lại. Phút mặc niệm giữa rừng thiêng khiến cả buổi họp như lặng đi. Tiếng suối, tiếng gió rừng bỗng như hóa thành lời gọi của những người đã khuất – gọi tên đồng đội, gọi về một thời tuổi trẻ không lùi bước trước bom đạn.

Ngày trở về, không chỉ để nhìn lại. Đó còn là dịp để chứng kiến sự chuyển mình của quê hương. Từ mảnh đất từng là chiến khu cực Nam Trung bộ, Bình Thuận hôm nay đã trở thành cực tăng trưởng phía Nam, với du lịch biển, kinh tế hiện đại, hạ tầng phát triển. Không khí buổi họp mặt lắng đọng khi đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - thay mặt lãnh đạo tỉnh phát biểu tri ân. Ông nhấn mạnh, chính sự hy sinh, tận tụy ấy đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến, góp phần giải phóng quê hương cách đây tròn nửa thế kỷ. Và hôm nay, nhiều người trong số họ - dù đã nghỉ hưu - vẫn tiếp tục góp sức, góp trí cho công cuộc phát triển quê hương. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng các cô chú và gia đình, mà còn là vinh dự của cả Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.

Đồng chí Đặng Hồng Sỹ cũng chia sẻ về những đổi thay đáng mừng của tỉnh Bình Thuận sau 50 năm giải phóng: Kinh tế tăng trưởng ổn định, GRDP năm 2024 tăng 7,25%, thu ngân sách vượt dự toán; chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân đều tăng vượt bậc. Những thành tựu này – ông nói – có bóng dáng và công lao của các thế hệ đi trước. Trong lời kết, ông gửi gắm niềm tin vào sự tiếp nối truyền thống: “Tôi mong rằng các đồng chí cựu cán bộ, chiến sĩ Văn phòng Tỉnh ủy sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, nêu gương sáng, động viên con cháu và cộng đồng, cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”. Những tràng pháo tay vang lên, không chỉ là sự tán thưởng dành cho bài phát biểu, mà còn là lời thầm cảm ơn, là niềm tự hào, là tiếng vọng của lịch sử gửi về hôm nay.

Buổi họp mặt kết thúc bằng những cái nắm tay thật chặt, những ánh mắt rưng rưng, những cái ôm chẳng muốn buông. Chuyến xe lăn bánh rời Sa Lôn, để lại phía sau rừng xanh và những lời thì thầm của quá khứ. Nhưng trong lòng mỗi người, dường như thời gian vẫn đang dừng lại nơi ấy – nơi Sa Lôn không chỉ là địa danh, mà là một phần của linh hồn người lính, là ký ức không thể phai của một thời làm cách mạng.

Sa Lôn - không chỉ là địa danh. Sa Lôn là nơi thời gian lắng lại. Là nơi ký ức sống dậy trong từng hơi thở, từng nhành cây, tiếng suối. Là nơi ai đã từng đi qua - thì mãi mang theo trong tim.



Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/tro-ve-sa-lon-noi-thoi-gian-dung-lai-trong-ky-uc-129767.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm