Đại tá Hồ Hữu Lạn (trái) và nguyên cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Quãng thời gian ấy, Trung đoàn 3 đã góp công tạo nên chiến thắng A Bia (Quân đội Mỹ gọi là Hamburger Hill - Đồi Thịt Băm), Cao điểm 935 (Quân đội Mỹ đặt tên căn cứ Ripcord), Cốc Bai (O’Reilly), Động Tranh (Bastogne)… và trước khi tham gia chiến dịch giải phóng Huế tháng 3/1975, Trung đoàn 3 đã tham gia chiến dịch Thượng Đức - Quảng Nam.

Kể về chiến dịch giải phóng Huế tháng 3/1975, Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 cho biết: Nhận lệnh của Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn II Nguyễn Hữu An, ngày 15/3/1975, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 bàn giao Thượng Đức cho Sư đoàn 304 trấn giữ. Trung đoàn cấp tốc hành quân ra A Lưới và ngày 20/3/1975 có mặt tại Nam Đông.

Tại động Truồi, Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn và Chính ủy Nguyễn Trọng Dần trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 3 phối hợp với Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 (Quân đoàn II) do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận (người cắm cờ lên nóc Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975) chỉ huy có nhiệm vụ tấn công núi Bông, núi Nghệ và căn cứ La Sơn rồi thọc sâu vào thành phố Huế.

Rạng sáng 23/3/1975, pháo 85 ly và cối 120 ly của Sư đoàn 324 cấp tập dội xuống trận địa. Theo phương án, các đơn vị của Trung đoàn 3 đồng loạt xung phong. Tiểu đoàn 7 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Trọng Minh xung phong đánh núi Bông; còn Tiểu đoàn 9 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Tiến chỉ huy tiến công núi Nghệ. Hai ngọn núi này liền kề nhau. Từ đồi 75, 76, đại đội xe tăng của Trung úy Bùi Quang Thận tăng tốc. Hai chiếc T54 đi đầu trót lọt nhưng đến chiếc thứ 3 bị trúng mìn chống tăng nên bị đứt xích, buộc phải kéo lui nhường đường cho 4 chiếc tăng còn lại tiến lên chiếm lĩnh trận địa.

Đối phương chống trả không lại, bỏ chạy và dùng pháo nã vào đội hình. Do thương vong nặng nên 2 tiểu đoàn rút lui. Đối phương đưa quân tái chiếm. Trung đoàn 3 và đại đội xe tăng buộc phải dùng hỏa lực mạnh bắn cấp tập vào đội hình đối phương, tạo thời cơ để bộ binh tái chiếm núi Bông, núi Nghệ. Trận chiến diễn ra quyết liệt, bất phân thắng bại. Núi Bông, núi Nghệ phân hai. Đây là trận đánh giằng co quyết liệt kéo dài nhất của Trung đoàn 3.

Trước tình thế đó, Chỉ huy Trung đoàn 3 tìm cách đánh khác. Tiểu đoàn 9 có 2 xe tăng T54 trực tiếp đánh vỗ mặt; Tiểu đoàn 7 và  4 xe tăng T54 còn lại phân thành 2 mũi thu hồi về sườn đông bắc tấn công xe tăng và bộ binh đối phương ở phía sau. Đầu giờ chiều 23/3, sau khi dùng pháo, cối và ĐKZ tập trung bắn phá tiền tuyến trận địa, Tiểu đoàn 9 chia thành nhiều mũi tấn công.

Trong khi đối phương đang tập trung lực lượng chống trả ở núi Bông, núi Nghệ, Tiểu đoàn 7 cùng xe tăng theo đường 14 thọc xuống phía đông uy hiếp căn cứ La Sơn. Mất chỗ dựa, đối phương tháo chạy. Đúng 14 giờ ngày 23/3, Tiểu đoàn 9 làm chủ núi Bông, núi Nghệ và đêm 23 rạng 24/3, Tiểu đoàn 7 và Đại đội 4 xe tăng của Bùi Quang Thận đánh chiếm căn cứ La Sơn rồi lần lượt tiến về Huế.

Sau khi xe tăng vượt qua lòng sông Phú Bài thì phát hiện ở phía bắc cầu vừa bị đốt cháy (cầu tạm bằng gỗ thông) địch để lại 2 xe GMC và 1 chiếc tăng M48. Trung đoàn dùng chiến lợi phẩm này tiến chiếm Hương Thủy. Tại đây, trung đoàn thẳng tiến vào Huế. Đi đầu là 7 xe tăng (có 1 xe M48 của Mỹ), tiếp đó là 2 xe vận tải quân sự GMC và nhiều xe đò, xe Lambro của Nhân dân Hương Thủy tự nguyện chở đoàn quân hành tiến vào Huế.

Khi đến khu vực chợ Đông Ba, theo phân công các đơn vị của Trung đoàn tiến chiếm khu Mang Cá, sân bay Tây Lộc, Kỳ Đài, Tòa tỉnh trưởng, lao Thừa Phủ, khách sạn Thuận Hóa, ngân hàng...

Đúng 11 giờ ngày 25/3/1973, lá cờ của Mật trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Đại đội Trinh sát của Trung đoàn 3 - Sư đoàn 324 được treo lên Kỳ Đài Huế.

Khi nghe tin đối phương đang tháo chạy bị dồn ứ ở cảng Tân Mỹ, Trung đoàn cử Tiểu đoàn 9, tiếp đó là Tiểu đoàn 7 cùng 7 xe tăng của Đại đội 4 tiến về cửa Thuận An ngăn không cho đối phương tháo chạy. Tại đây, Trung đoàn 3 đã tiếp nhận 3.000 tù, hàng binh đưa lên tập trung ở lao Thừa Phủ.

Sau một đêm ở lại Huế, chiều 26/3, Trung đoàn 3 được lệnh bàn giao Huế cho Trung đoàn 6 Thừa Thiên Huế để hành quân đánh chiếm Đà Nẵng. Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn và lực lượng đi đầu ngay trong đêm có mặt ở Khe Tre nhận nhiệm vụ tấn công từ phía tây Hòa Vang; các bộ phận còn lại lần lượt xuất phát theo đường số 1 hành tiến.

Bị tấn công từ nhiều phía, ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng.

Trong đoàn quân tiến về sông Hàn hôm ấy, có cán bộ, chiến sĩ  của Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân đoàn II anh hùng.

Phạm Hữu Thu

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/trung-doan-3-truoc-nhung-ngay-giai-phong-hue-152800.html