Theo thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đơn vị đã gửi hồ sơ đăng ký 1.604 vùng trồng và 314 cơ sở đóng gói sầu riêng tới GACC. Tính đến ngày 21/5, phía Trung Quốc đã cập nhật danh sách công nhận chính thức 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói.
Việc mở rộng danh sách này tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc - thị trường đang chiếm hơn 90% sản lượng tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam kể từ khi hai nước ký kết Nghị định thư về mặt hàng này.
Theo TTXVN, sầu riêng hiện là mặt hàng dẫn đầu nhóm rau quả xuất khẩu của Việt Nam, đạt kim ngạch khoảng 3,3 tỉ USD trong năm 2024, chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu quả. Trong đó, thị trường Trung Quốc đóng góp tới 3,2 tỉ USD, tương đương 97% tổng lượng sầu riêng xuất khẩu và 74% giá trị rau quả xuất sang thị trường này.
Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng lên 3,5 tỉ USD trong năm 2025. Diện tích trồng sầu riêng trên cả nước đã tăng nhanh, đạt gần 180.000 hecta với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn trong năm 2024. Tuy nhiên, sự phát triển nóng này đang tiềm ẩn nhiều thách thức bao gồm vùng trồng manh mún, thiếu quy hoạch, khó kiểm soát chất lượng, thiếu nước tưới và tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đối mặt với các yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe từ Trung Quốc. Đặc biệt, tình trạng giả mạo, mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn tồn tại, khiến việc truy xuất nguồn gốc gặp khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và uy tín hàng hóa.
Trao đổi với báo Dân Việt, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đã xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất khẩu nông sản. Hệ thống này cho phép các mã số vùng trồng khai báo đầy đủ thông tin như mã số, diện tích, sản lượng, thời vụ, và liên kết chuỗi sản xuất - đóng gói - xuất khẩu, từ đó tăng tính minh bạch trong quản lý.
Cục cũng đang phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để hoàn thiện quy trình kiểm soát chặt chẽ toàn bộ công đoạn đóng gói nông sản, đặc biệt là sầu riêng. Quy trình này sẽ được ban hành trong thời gian tới, với nội dung kiểm soát từ đầu vào đến trước khi sản phẩm rời khỏi xưởng.
Khi các lô hàng được kiểm soát thông tin đầy đủ theo chuỗi, cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu sẽ căn cứ vào dữ liệu này để kiểm tra, giám sát và chỉ cho phép xuất khẩu những lô đúng với khai báo trong hệ thống.
Trong thời gian tới, Cục sẽ xây dựng một hệ thống kiểm soát đồng bộ từ mã số vùng trồng đến cơ sở đóng gói, đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, Cục đang khẩn trương soạn thảo thông tư quản lý sầu riêng từ khâu sản xuất đến trước khi xuất khẩu, cũng như trình Chính phủ dự thảo công điện với các giải pháp tổng thể cho ngành hàng này.
Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang xây dựng kế hoạch pháp lý, kỹ thuật và khoa học để phục vụ quá trình đàm phán mở cửa thêm các thị trường nhập khẩu mới. Mục tiêu lâu dài là khơi thông các điểm nghẽn, giảm lệ thuộc thị trường đơn lẻ và thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam.
Nguồn: https://baophapluat.vn/trung-quoc-cap-them-829-ma-vung-trong-mo-canh-cua-vang-cho-sau-rieng-viet-post549298.html
Bình luận (0)