TS Dương Văn Thịnh cho rằng cần đảm bảo đào tạo đội ngũ AI bản địa cho Việt Nam trong tương lai - Ảnh: UEL
Đây là một trong nhiều điểm nhấn trong tọa đàm "Đào tạo chuyển đổi số trong xu thế phát triển của lực lượng lao động AI Agent trong doanh nghiệp", do Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày 19-5.
TS Dương Văn Thịnh, phó chủ tịch công nghệ AI tại Veron Group, cho rằng ba vùng trọng điểm là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng hiện đang dẫn đầu về số lượng và tốc độ mở rộng trung tâm dữ liệu, với động lực chính là điện toán đám mây và các khoản đầu tư quốc tế.
Theo ông, tính đến năm 2024 thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt quy mô 700 - 800 triệu USD và dự kiến tăng gấp 3,5 lần vào năm 2030.
Trước quy mô này, ông cho rằng việc đầu tư đào tạo đội ngũ nhân lực AI nội địa là yếu tố sống còn nếu Việt Nam muốn giảm phụ thuộc công nghệ nước ngoài.
Một số công ty công nghệ đang đầu tư vào hệ thống AI Labs, với mục tiêu bồi dưỡng tài năng công nghệ bản địa từ nghiên cứu mô hình đến triển khai thực tiễn trong trung tâm dữ liệu.
Trong khi đó TS Lê Hoành Sử, trưởng khoa hệ thống thông tin, Trường đại học Kinh tế - Luật, nhấn mạnh vai trò của các trường đại học cùng với doanh nghiệp để đào tạo lực lượng lao động thế hệ mới "Workforce 2.0".
Muốn như vậy, theo ông, các trường đại học Việt Nam cần một cuộc "tái thiết" toàn diện, chứ không đơn thuần là cải tiến chương trình.
Cụ thể hơn, trọng tâm đào tạo hiện nay phải dịch chuyển từ kiến thức chuyên môn sang kỹ năng số tiên tiến và kỹ năng mềm. Bên cạnh việc cần biết cách sử dụng AI, sinh viên cần được chuẩn bị để cộng tác, kiểm soát và phát triển các hệ thống AI.
Một ví dụ tại Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) là mô hình FIS@UEL. Mô hình này bao gồm tái thiết chương trình tích hợp AI theo định hướng kỹ năng; triển khai phòng lab và sandbox để sinh viên huấn luyện AI Agent (tác nhân AI) trong tình huống thực tế.
Ông nhấn mạnh lực lượng lao động tương lai ngoài hiểu AI còn phải đồng hành, giám sát và phát triển nó một cách có đạo đức và hiệu quả.
Do vậy đại học cần trở thành nền tảng để nuôi dưỡng năng lực cộng tác người - máy, đồng thời giữ vững vai trò của con người trong giáo dục: truyền cảm hứng, dẫn dắt tư duy phản biện và bảo vệ giá trị nhân bản.
Chuyên gia công nghệ từ Singapore Daryl Chung chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: UEL
"Nguy cơ thật sự không phải là AI, mà là sự lỗi thời" là cảnh báo của chuyên gia Daryl Chung, Co-founder của Tập đoàn công nghệ JDI (Singapore).
Theo ông Chung, thế giới đang dịch chuyển nhanh từ tự động hóa sang tự chủ hóa, với các AI Agent có khả năng "hoạt động như một đồng nghiệp" thay vì chỉ là công cụ.
Trong bối cảnh đó, nhiều vị trí nghề nghiệp truyền thống từ nhân sự, tiếp thị, phân tích dữ liệu đến giảng dạy đang được tái định hình hoàn toàn. Cụ thể, các giảng viên không còn đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, mà trở thành nhà thiết kế trải nghiệm học tập.
Ông chỉ ra rào cản lớn nhất hiện nay không nằm ở công nghệ, mà ở sự thiếu tự tin, thiếu định hướng đào tạo và sự do dự trong đầu tư thực chất.
Theo ông, các đại học nên giúp sinh viên chuyển từ mức "biết AI" sang "sẵn sàng với AI". Trong đó, bốn yếu tố cốt lõi cần thực hiện gồm nâng cao nhận thức (Awareness), đảm bảo tiếp cận công cụ (Access), tăng khả năng thích nghi (Adaptability) và xây dựng sự đồng thuận đạo đức (Alignment).
Ông Chung đề xuất một số hướng tiếp cận trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm trang bị cho sinh viên năng lực cộng tác với AI trong mọi ngành học.
Kế đó, cần trao quyền cho giảng viên với công cụ AI nhằm thiết kế bài giảng cá nhân hóa, phân tích dữ liệu học tập và giảm tải công việc hành chính.
Cuối cùng, cần tăng cường hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp để cùng phát triển khóa học ngắn hạn, dự án nghiên cứu ứng dụng và kết nối thực tập, việc làm dựa trên dữ liệu AI.
Hợp tác phát triển AI
Cũng tại sự kiện sáng 19-5, Trường đại học Kinh tế - Luật đã ký kết MOU hợp tác với nhiều doanh nghiệp công nghệ.
Theo đó, các doanh nghiệp đối tác sẽ hỗ trợ trường trong công tác đào tạo, đặc biệt là tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia học kỳ doanh nghiệp, chương trình Co-op tại các đơn vị của công ty.
Hai bên cũng sẽ phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu, trao đổi học thuật và phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI, nhằm nâng cao năng suất và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-can-giup-nguoi-hoc-tu-biet-ai-sang-san-sang-voi-ai-20250519190610746.htm
Bình luận (0)