Mục tiêu của Dự án nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.
Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý
Đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa, các thành viên của cộng đồng thấm nhuần các giá trị của lễ hội, hiểu được ý nghĩa biểu trưng của lễ hội và tự hào, yêu quý di sản của cha ông truyền lại, nâng cao nhận thức và năng lực cho chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản của cộng đồng. Tạo sự kết nối bền vững giữa các thế hệ trong cộng đồng, trao truyền các tri thức, cách thức thực hành di sản cho các thế hệ kế cận.
Các nhiệm vụ được đề ra trong Dự án gồm: Nghiên cứu, khảo sát về Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý; Tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy cho cộng đồng tri thức, kỹ năng thực hành di sản; Tổ chức luyện tập, trình diễn, giới thiệu một phần nghi thức trong lễ hội; Hỗ trợ trang bị đồ dùng, công cụ, lễ vật… thực hành lễ hội cho cộng đồng; Xây dựng phim, bộ ảnh và tài liệu về việc triển khai dự án tại địa phương, phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, giới thiệu lễ hội; Xây dựng báo cáo kết quả dự án.
Bộ VHTTDL giao Cục Di sản văn hóa, chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch. Ngoài ra, đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Bình Định; UBND thành phố Quy Nhơn phối hợp thực hiện khảo sát, lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể và khảo sát cơ sở vật chất để triển khai hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Cử thành viên tham gia Ban Tổ chức triển khai dự án; Lập Danh sách nghệ nhân, người thực hành di sản tham gia Dự án; Nghiên cứu đề xuất các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý.
Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo lộ trình trong quý II và III/2025,
Bộ VHTTDL đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động phối hợp với Cục Di sản văn hóa tổ chức thực hiện nội dung các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cộng đồng ngư dân ven biển nơi đây. Giá trị văn hóa - lịch sử của lễ hội thực sự đặc sắc, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương, góp phần bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông của cư dân ven biển miền Trung và miền Nam. Tín ngưỡng thờ cá Ông (Nam Hải Đại Tướng Quân) thể hiện triết lý sống hài hòa với biển cả, đồng thời bộc lộ lòng biết ơn sâu sắc của ngư dân đối với vị thần hộ mệnh của mình. Các nghi thức độc đáo như lễ rước Ông, hát Bả trạo, cúng biển không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà còn phản ánh tinh thần cộng đồng mạnh mẽ.
Trong bối cảnh Quy Nhơn đang phát triển thành trung tâm du lịch biển miền Trung, lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý có tiềm năng trở thành điểm nhấn du lịch văn hóa - tâm linh hấp dẫn. Việc khai thác hợp lý có thể tạo ra nguồn sinh kế mới cho ngư dân thông qua các dịch vụ homestay, ẩm thực địa phương và bán sản phẩm thủ công truyền thống. Đồng thời, lễ hội sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu văn hóa biển đảo độc đáo cho Bình Định.
Việc bảo tồn lễ hội hoàn toàn phù hợp với chính sách của Nhà nước được quy định trong Luật Di sản văn hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu của chính cộng đồng chủ thể văn hóa ở địa phương. Có thể khẳng định, Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý không đơn thuần là hoạt động tín ngưỡng mà còn là bản sắc văn hóa, là linh hồn của cộng đồng ngư dân Bình Định, cùng với các lễ hội Cầu ngư khác trên địa bàn tỉnh. Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý không chỉ nhằm ngăn chặn nguy cơ mai một, mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững và quan trọng nhất là giữ gìn những giá trị tinh thần quý báu cho các thế hệ mai sau.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/phe-duyet-du-an-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-le-hoi-cau-ngu-van-dam-xuong-ly-20250519141125589.htm
Bình luận (0)