Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng phòng thực hành giáo dục STEM cho Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng thầy trò Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội - một trong những trường chuyên có bề dày truyền thống và thành tích nổi bật trong hệ thống giáo dục phổ thông - đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể nhà trường trong việc duy trì chất lượng dạy và học, đồng thời không ngừng đổi mới, hội nhập với xu thế giáo dục hiện đại.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ KH&CN luôn sẵn sàng đồng hành cùng ngành giáo dục trong việc phát triển các công cụ công nghệ và giải pháp đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy cải cách giáo dục theo hướng học tập tích cực, lấy người học làm trung tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trò chuyện với các em học sinh tại Phòng thực hành giáo dục STEM do Bộ KH&CN trao tặng
Bộ trưởng cũng chia sẻ, một số quốc gia đã đưa trí tuệ nhân tạo trở thành môn học bắt buộc từ bậc trung học cơ sở hoặc tích hợp vào môn Tin học, chương trình STEM và kỹ năng số. Thay vì tập trung vào thuật toán lập trình, các chương trình này chú trọng vào việc hiểu khái niệm, vai trò của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống, cách ứng dụng AI vào học tập, đồng thời rèn luyện kỹ năng phân biệt thật - giả, tránh lạm dụng hay bị lạm dụng bởi trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu là giúp học sinh hiểu và làm chủ công nghệ, không bị dẫn dắt hay thụ động trước sự phát triển của AI.
Trí tuệ nhân tạo đặc biệt ở chỗ không chỉ là công cụ sản xuất quy mô lớn mà là công cụ của mỗi cá nhân, tăng quyền năng của mỗi cá nhân trong học tập, cuộc sống, trong sáng tạo và công việc. Bộ KH&CN đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thiết lập một chương trình học Al bao gồm nhận thức, ứng dụng và sáng tạo, tích hợp vào các môn học như: Toán, Tin, Giáo dục công dân, Công nghệ từ cấp trung học phổ thông đến đại học.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, STEM là một cách tiếp cận giáo dục tích hợp, liên ngành và dựa vào thực hành, giải quyết vấn đề thực tiễn. Học sinh phải làm việc nhóm, sáng tạo giải pháp, phải vận dụng kiến thức để thiết kế, học sinh thực hành rồi trình bày, phản biện, học sinh học được tư duy thử nghiệm, hành động, giải quyết vấn đề. Bộ KH&CN đã có các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, công nghệ Việt Nam nghiên cứu, phát triển các hệ thống STEM để phục vụ giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo./.
Nguồn: https://mst.gov.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-trao-tang-phong-thuc-hanh-giao-duc-stem-cho-truong-thpt-chuyen-dh-su-pham-197250519192440863.htm
Bình luận (0)