Đây là nhấn mạnh của PGS.TS. Hà Minh Hoàng, Trưởng khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân trong cuộc trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân liên quan đến giải pháp triển khai thành công phong trào “Bình dân học vụ số”, đặc biệt là vai trò hỗ trợ của các trường đại học trong thực hiện phong trào này.
Để triển khai hiệu quả “Bình dân học vụ số”, phải huy động được nguồn lực toàn xã hội
- Thưa PGS.TS Hà Minh Hoàng, ông nhìn nhận trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, để hiện thực hóa các mục tiêu của “Bình dân học vụ số”, nội dung cần được thiết kế như thế nào? Đâu là yếu tố then chốt để thực hiện thành công phong trào này, vì mọi vấn đề triển khai trong thực tế đều có mặt trái, hạn chế, khó khăn và thách thức?
PGS.TS Hà Minh Hoàng: Trước hết tôi cho rằng để tổ chức phong trào “Bình dân học vụ số” một cách hiệu quả, chất lượng thì phải thay đổi tư duy giảng dạy của giáo viên và người thiết kế chương trình đào tạo. Bởi khi triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” tức là dạy cho người bình dân những kiến thức tương đối khó học, trên những thay đổi tương đối nhanh của công nghệ.
Khi thiết kế hay tổ chức các khóa học trong “Bình dân học vụ số” cần đảm bảo 3 yếu tố. Thứ nhất là tính hữu dụng. Cần hướng dẫn cho người dân những kỹ năng “sát sườn” mà họ có thể dùng được hàng ngày, từ đó giúp họ có động lực, nhu cầu học lớn hơn. Có thể kể đến những kỹ năng như: sử dụng dịch vụ công, bảo mật thông tin, kỹ năng để tránh lừa đảo công nghệ…
Thứ hai, giúp người dân dễ tiếp cận. Về mặt nội dung, những bài giảng phải không quá khó; có thể chia nhỏ các bài giảng thành các module, từng module đi vào một vấn đề cụ thể, thời gian chỉ 10 - 15 phút để học hàng ngày, học ở bất kỳ đâu. Điều này giúp cho người học ngấm dần các kỹ năng số một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, cần truyền đạt kiến thức dựa trên các nền tảng đa phương tiện, có thể trên các khóa đào tạo trực tuyến, các khoá học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs), các lớp học bình dân hoặc học trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, Youtube, Tiktok,... để tiếp cận gần nhất với người dân.

Thứ ba, chương trình phải có tính dễ thay đổi, nhất là dễ thay đổi về nội dung vì công nghệ thay đổi hằng ngày. Cần thiết kế chương trình để linh hoạt với sự thay đổi của công nghệ và nhu cầu của người sử dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, trong môi trường giáo dục hiện tương đối nhiều. Mấy năm gần đây, do nhu cầu AI rất lớn nên nhiều nhóm đã được hình thành, phát triển, một số nhóm rất mạnh. Muốn phong trào “Bình dân học vụ số” đi vào lối sống của người dân, nên để cho họ thấy rằng Việt Nam cũng có những phần mềm, những sản phẩm trí tuệ nhân tạo của người Việt, phục vụ đúng nhu cầu người Việt.
Đây là một trong những vai trò của các nhóm nghiên cứu trong trường đại học hoặc doanh nghiệp startup (doanh nghiệp mới). Họ có thể định hướng nghiên cứu về ứng dụng AI để giải quyết các bài toán khó khăn mà người dân gặp phải, từ đó đưa sản phẩm vào thực tiễn.
Về phía chính quyền, Nhà nước nên có những chính sách để ủng hộ, phát huy kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu, các lab nghiên cứu ở trường đại học hoàn toàn có thể tổ chức những buổi tọa đàm hoặc hoạt động mang tính cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ hơn về kiến thức cơ bản nhất của trí tuệ nhân tạo, công nghệ số.
Một trong những giải pháp rất quan trọng để phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai sâu rộng, hiệu quả là phải huy động được nguồn lực của toàn xã hội và phân bổ hiệu quả. Chúng ta phải có một nghiên cứu sâu, mang tính khoa học, có hệ thống để đánh giá nhu cầu học về kỹ năng số của xã hội, trên từng đối tượng. Mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu khác nhau nên cần có những bài giảng, cũng như cách đánh giá khác nhau.
Để làm được thì phải phân loại đúng và tìm hiểu đúng nhu cầu của từng đối tượng, sau đó đánh giá mỗi đối tượng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tổng thể phát triển chung của kinh tế xã hội. Từ đó, phân bổ nguồn lực để tránh lãng phí và đi vào thực chất. Có như vậy, phong trào mới thực sự sâu rộng khi triển khai trong thực tế.
Các trường đại học đóng vai trò quan trọng
- Ông nhìn nhận các trường đại học có vai trò thế nào trong việc hỗ trợ thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”? Với riêng Đại học Kinh tế Quốc dân đã có các định hướng và giải pháp cụ thể nào để hưởng ứng phong trào này?
PGS.TS. Hà Minh Hoàng: Các trường đại học có vai trò quan trọng trong triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”. Bởi trường đại học là nơi đào tạo tri thức, có thể tạo ra các nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ cũng như trí tuệ nhân tạo, tạo ra sản phẩm giải quyết được các vấn đề của xã hội, của người dân; từ đó giúp công nghệ tiếp cận gần hơn với nhiều người.
Bên cạnh đó, trường đại học có cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia có thể tham gia vào các công tác thiết kế các chương trình, soạn bài giảng; có các giảng viên hay chính sinh viên có thể tham gia vào quá trình giảng dạy “Bình dân học vụ số”, hướng dẫn bà con sử dụng công nghệ, thành thạo kỹ năng số. Các trường cũng có thể mở những khóa học, bài giảng đại chúng hoặc đăng tải những bài giảng này lên mạng xã hội, website cho toàn dân được học miễn phí. Điều này hoàn toàn khả thi, là một trong những đóng góp các trường có thể thực hiện để giúp phong trào “Bình dân học vụ số” hiệu quả hơn.
Vừa qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai một hệ thống MOOC (khóa học đại chúng mở trực tuyến) có thể cho toàn dân học miễn phí các kiến thức và kỹ năng số.
Với Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2024, chúng tôi thành lập 3 trường, trong đó có Trường Công nghệ đi sâu vào công nghệ và ứng dụng trong kinh tế, kinh doanh, quản trị. Trường Công nghệ thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân đã triển khai một số hoạt động rất phù hợp với phong trào “Bình dân học vụ số”. Đơn cử, từ năm 2024, chúng tôi tổ chức khóa học trực tuyến “Khám phá khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo” hoàn toàn miễn phí cho học sinh cấp 3. Các em đăng ký rất đông, nhiều em ở các tỉnh xa cũng có thể học được.

Đại học Kinh tế Quốc dân cũng có chủ trương áp dụng toàn diện AI vào quản trị, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Mới đây, khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo đã mở lớp “AI ứng dụng cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy” cho toàn bộ cán bộ, giảng viên trong trường. Chúng tôi cũng mở các khóa học về công nghệ số cho phân tích dữ liệu, sử dụng trí tuệ nhân tạo cho sinh viên, người đi làm bằng hình thức dạy trực tuyến, cấp chứng chỉ của Đại học Kinh tế Quốc dân.
Thêm nữa, nhà trường phối hợp với một số đơn vị khác như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để cung cấp những bài giảng hữu dụng cho sinh viên, học viên có thể áp dụng được ngay trong công việc của mình.
Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cũng tổ chức rất nhiều tọa đàm trao đổi về tầm quan trọng của AI, ứng dụng AI trong học tập, trong công việc,… đều thu hút đông đảo sinh viên tham gia.
Đặc biệt, từ năm 2024, toàn bộ sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân đều phải học môn “Giới thiệu khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo’’, giúp phổ cập kiến thức về công nghệ, nhất là công nghệ về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
AI có tiềm năng vô cùng lớn, sẽ giúp cá nhân hóa việc học tập
- Một trong những thách thức lớn trong việc triển khai phong trào "Bình dân học vụ số" là làm sao để tạo ra các nền tảng học tập trực tuyến phù hợp với mọi đối tượng, từ trẻ em, người trưởng thành, đến những người cao tuổi. Theo ông, công nghệ AI có thể giúp tạo ra những giải pháp học tập cá nhân hóa như thế nào để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân?
PGS.TS Hà Minh Hoàng: Tôi cho rằng các nền tảng trực tuyến, dạy học trực tuyến qua MOOC kết hợp với AI sẽ giúp hoàn thiện hơn việc truyền tải kiến thức, cũng như tri thức đến cho mọi người.

Đầu tiên, AI có khả năng phát hiện ra từng nhóm đối tượng: đối tượng nào học nhanh, đối tượng nào học chậm, đối tượng nào có thời gian học nhiều, đối tượng nào có thời gian học ít. Từ đó, thiết kế các bài giảng một cách tự động, thông minh, nhắm đến từng đối tượng cụ thể.
Trong quá trình học, AI cũng có thể dựa vào các hành vi của người dùng để biết được người học yếu và mạnh những kỹ năng gì. Với kỹ năng mạnh thì người học không cần bổ sung kiến thức, nhưng kỹ năng yếu thì có thể giao thêm bài tập, kiểm tra nhiều hơn để định hướng, giúp việc học tập chủ động và hiệu quả nhất.
AI có tiềm năng vô cùng lớn, sẽ giúp cá nhân hóa việc học tập, nhất là khi trong phong trào "Bình dân học vụ số" có rất nhiều nhóm đối tượng với lứa tuổi, ngành nghề, trình độ... khác nhau. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng, sẽ giúp cho việc triển khai phong trào sâu rộng và hiệu quả hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/truong-dai-hoc-co-vai-tro-quan-trong-trong-trien-khai-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-post411227.html
Bình luận (0)