Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trường nghề loay hoay tuyển sinh

GD&TĐ - Hiện đã có điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường cao đẳng nghề phải áp dụng nhiều giải pháp để tuyển sinh trong bối cảnh nhiều học sinh coi đây chỉ là “phương án 2”.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại19/07/2025

Thuận lợi đan xen thách thức

TS Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, nhà trường là 1 trong 10 cơ sở tốp đầu của Thủ đô về đào tạo các ngành dịch vụ, thương mại. Trường đào tạo đa dạng ngành nghề đang có nhu cầu lao động lớn trên thị trường như: Du lịch, khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn, thương mại điện tử, quản trị kinh doanh. Đồng thời thực hiện các chiến lược truyền thông qua nhiều kênh để người dân có thể tiếp cận thông tin tuyển sinh nhanh và chính xác nhất.

Đơn vị này đã thực hiện tư vấn tuyển sinh tại các chương trình: Ngày hội tuyển sinh do Bộ GD&ĐT tổ chức, trực tiếp tại các trường THPT; tư vấn trực tuyến linh hoạt... giúp học sinh và phụ huynh nắm rõ ngành học, điều kiện xét tuyển, đầu ra. Nhà trường cũng kết nối với nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước để cùng phối hợp đào tạo sinh viên thực tế tại doanh nghiệp.

“Tại doanh nghiệp, sinh viên được các trưởng bộ phận hướng dẫn thực hành những kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết tình huống phát sinh trong thực tế làm nghề để có thêm kiến thức và vững tay nghề khi tốt nghiệp. Nhiều sinh viên đã được tuyển dụng trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp và có nhiều cơ hội thăng tiến”, TS Trịnh Thị Thu Hà thông tin.

Theo TS Vũ Hữu Ý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam (Ninh Bình), từ tháng 3/2025, khối Giáo dục nghề nghiệp chuyển về Bộ GD&ĐT quản lý nên công tác về chuyên môn, quản lý triển khai có nhiều thuận lợi. Dù vậy, công tác tuyển sinh là bài toán “đến hẹn lại lên” nhiều năm qua bởi tâm lý “thi trượt đại học mới học nghề”, học nghề chỉ là “phương án 2”.

Hiện nay, nhà trường đã tuyển được 97% trong tổng số 720 chỉ tiêu hệ trung cấp; số thí sinh đăng ký tuyển sinh hệ cao đẳng mới được 50% trong tổng số 300 chỉ tiêu. Nguyên nhân bởi thí sinh đang đợi các trường đại học tuyển sinh xong bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT mới tính đến nộp hồ sơ xét tuyển vào trường cao đẳng nghề.

Từ góc độ cơ sở, ông Nguyễn Văn Hạng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) cho hay, điểm thuận lợi của trường là nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh cùng sở, ban, ngành. Nhiều trường THPT, giáo viên đã hỗ trợ, đồng hành, tin tưởng vào chất lượng đào tạo của nhà trường.

Tuy nhiên, học sinh có quá nhiều sự lựa chọn sau tốt nghiệp THPT như: Du học, xuất khẩu lao động, làm công nhân để có tiền ngay; học đại học hay cao đẳng ưu tiên trường gần nhà… Nhận thức của nhiều người còn tư tưởng “sính bằng cấp” nên bằng mọi giá phải cho con vào đại học, dù ra trường không làm đúng ngành, khó xin việc, phải giấu bằng đại học đi làm công nhân.

truong-nghe-loay-hoay-tuyen-sinh-1-2112.jpg
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại điểm thi Trường THPT Ngô Quyền, Ninh Bình. Ảnh: Khôi Nguyên

Cần giải pháp căn cơ

Bàn về các giải pháp khi tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà cho biết, công tác truyền thông về ngành nghề cần được đẩy mạnh, nhất là những ngành cần nhiều lao động; nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên để có thể làm việc tại các doanh nghiệp; trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại đảm bảo môi trường học tập thuận lợi nhất cho người học.

“Chúng tôi đẩy mạnh tư vấn ngành nghề, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm để thí sinh hiểu về lợi thế cũng như sự phù hợp của cá nhân đối với việc theo học nghề. Nhà trường có những ưu đãi đối với các chương trình tuyển sinh sớm theo từng thời điểm, nhất là với thí sinh xét tuyển, nhập học sớm, tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh trong quá trình học tập tại trường”, TS Trịnh Thị Thu Hà nói.

TS Vũ Hữu Ý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam cho rằng, đào tạo nghề có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nguồn nhân lực một quốc gia. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được cập nhật để bắt kịp với xu hướng của giáo dục hiện đại, thu hút được sinh viên theo học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quy hoạch với quy mô lớn, đào tạo đa ngành nghề.

“Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng nêu rõ định hướng phát triển Giáo dục nghề nghiệp. Thời gian tới, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được tiếp tục đầu tư có trọng điểm, chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu người học, nguồn nhân lực chất lượng cao và sự biến đổi của thị trường lao động”, TS Vũ Hữu Ý nhấn mạnh.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ trao đổi thêm, giải pháp của trường thời gian tới sẽ kiên định, bền bỉ với chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học cho sinh viên, học viên; hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, gắn thực tập với tuyển dụng; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phối hợp hiệu quả hơn nữa các trường THPT để tư vấn, tuyển sinh hướng nghiệp đúng đắn.

ThS Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (TPHCM) nhận định, nguồn tuyển từ học sinh sau tốt nghiệp THPT đang ngày càng trở nên khó khăn nên phải đa dạng hóa nguồn tuyển. Nhà trường luôn áp dụng nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau, như kết hợp với các trung tâm GDNN-GDTX, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, liên thông… để bù đắp sự sụt giảm của việc tuyển sinh hệ chính quy đang trở thành phương châm duy trì hoạt động của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/truong-nghe-loay-hoay-tuyen-sinh-post740373.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm