Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: Cô gái nhỏ khôi phục đoàn Huỳnh Long

Huỳnh Long cũng là gia tộc sân khấu cải lương rất lớn, có những nét tương đồng với gia tộc Minh Tơ. Hai đoàn này cùng đóng đô ở TP.HCM, cùng phát triển và khó khăn hầu như một lúc, sau đó lại khởi sắc trong cùng giai đoạn.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên23/07/2025

TỪ HÁT BỘI CHUYỂN SANG HỒ QUẢNG, TUỒNG CỔ

Đôi vợ chồng Bảy Huỳnh - Ngọc Hương là nghệ sĩ hát bội nổi danh thập niên 1940 - 1950, đã lập gánh hát bội tên gọi Chánh Thành, diễn thường trực ở đình Nhơn Hòa (nay thuộc P.Cầu Ông Lãnh, TP.HCM). Đây là một ngôi đình lớn, không thua kém đình Cầu Quan (trụ sở chính của đoàn Minh Tơ), và sau này khi đoàn Chánh Thành chuyển sang tên gọi mới là Hồ quảng Huỳnh Long thì cũng chọn đình Nhơn Hòa làm trụ sở. Hai ngôi đình lớn cùng nằm trong Q.1 cũ, cùng là di tích văn hóa đáng quý mang dấu ấn lịch sử cải lương, đang được bảo tồn khá chu đáo.

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: Cô gái nhỏ khôi phục đoàn Huỳnh Long- Ảnh 1.

Bình Tinh vai Bùi Thị Xuân, Minh Trường vai Trần Quang Diệu trong vở Tây Sơn nữ tướng

ẢNH: H.K

Về thế hệ thứ hai, ông bà Bảy Huỳnh có 5 người con theo nghề hát là Bạch Mai, Thanh Bạch, Kim Phượng, Bạch Nga, Thanh Châu. Thập niên 1960, 1970 ông bà Bảy Huỳnh chuyển sang hát hồ quảng, hai người con làm trụ cột chính là Bạch Mai và Thanh Bạch nổi tiếng lừng lẫy. Còn Kim Phượng thì chuyên về trang phục, Thanh Châu chuyên về âm nhạc, coi như cả gia tộc đều có người phụ trách các lĩnh vực, thật là đa năng.

Nhưng ông Bảy Huỳnh mất sớm rồi sau năm 1975, tuồng Tàu không được khuyến khích, bà Bảy Huỳnh bèn đứng ra xin giấy phép thành lập đoàn tuồng cổ Huỳnh Long. Thanh Bạch trở thành trụ cột của đoàn, còn Bạch Mai sáng tác những kịch bản lịch sử như Anh hùng bán than, Mặt trời đêm thế kỷ (chuyển thể từ kịch bản của Lê Duy Hạnh)… Đến 1980 thì đoàn ngưng hoạt động, Thanh Bạch về đầu quân cho Minh Tơ, gặp gỡ và nên duyên cùng nghệ sĩ Bạch Lê (chị ruột NSƯT Thành Lộc), rồi năm 1990 cả hai vợ chồng sang Pháp định cư. Coi như đoàn Huỳnh Long ngưng hẳn.

Nghệ sĩ Thanh Bạch đúng nghĩa là một kép đẹp từ ngoại hình cho tới giọng ca trầm ấm, vũ đạo tuyệt vời, lên sân khấu là làm khán giả rung động. Thanh Bạch đóng vai tướng thì đầy dũng khí, còn đóng vai vua thì sáng sủa, minh định, quả thật như viên ngọc lung linh. Sang Pháp, ông cùng vợ vẫn giữ nghề bằng việc đi "hát chùa" trong các dịp lễ tết, hoặc hát show khi được mời.

Còn Bạch Mai đóng đào mùi, đào độc đều xuất sắc, đặc biệt là đào võ với thần thái và chất giọng uy nghi. Bà còn có khả năng đạo diễn và viết tuồng, cho đến nay khoảng 50 kịch bản vẫn được các đơn vị tái dựng, chẳng hạn Tấm Cám, Mạnh Lệ Quân, Xử án Phi Giao, Giang sơn và mỹ nhân, Ngũ biến báo phu cừu... Bà kết hôn với Đức Lợi, cũng là một nghệ sĩ nổi tiếng trong tuồng cổ. Tuy đoàn ngưng hoạt động nhưng Bạch Mai vẫn không bỏ nghề. Bà đi hát show, thu video, thu đĩa, viết kịch bản, dựng trích đoạn cho các chương trình... Bà qua đời, để lại một kho tàng kịch bản đồ sộ làm "vốn liếng" cho con bà gầy dựng lại bảng hiệu Huỳnh Long.

KHÔI PHỤC BẢNG HIỆU BẰNG SỨC TRẺ

Bạch Mai - Đức Lợi có hai người con là Chinh Nhân và Bình Tinh. Chinh Nhân là một kép đẹp, có giọng ca trong trẻo, vũ đạo uyển chuyển nhưng đã qua đời vì bạo bệnh khi mới 46 tuổi. Còn lại "cô bé" Bình Tinh gánh trên vai gánh nặng gia đình và cả cơ nghiệp Huỳnh Long phải khôi phục trong muôn vàn khó khăn.

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: Cô gái nhỏ khôi phục đoàn Huỳnh Long- Ảnh 2.

Nghệ sĩ Thanh Bạch vai Lý Thường Kiệt, nghệ sĩ Bạch Lê vai Thái hậu Ỷ Lan trong vở Câu thơ yên ngựa

ẢNH: H.K

Bình Tinh theo học tại Đồng ấu Bạch Long, cũng lên sân khấu từ rất sớm như các bạn cùng lớp Quế Trân, Trinh Trinh... Nhưng giai đoạn cô trưởng thành chính là giai đoạn tối tăm nhất của gia tộc. Một mình cô chạy show tất bật để nuôi mẹ và lo cho anh bệnh tật. Có khi hát trích đoạn, có khi ca nhạc, kể cả hát đám ma, đám cưới... 15 năm, cô vượt qua gian khó với lòng hiếu thảo vô bờ. Đôi khi Bình Tinh nghĩ chắc mình không giữ nổi ước mơ đứng trên một sân khấu đàng hoàng, thôi thì cứ kiếm cơm trước đã.

Nhưng trời không phụ lòng người, Bình Tinh tham dự cuộc thi Sao nối ngôi năm 2016 và đoạt giải Quán quân. Từ đó, cô đắt show lạ lùng, nhiều khán giả thương yêu tặng cả xe hơi, đồ hiệu… Bình Tinh không còn lo lắng chuyện kinh tế gia đình nữa. Tuy nhiên, mối bận tâm của Bình Tinh chính là gầy dựng lại bảng hiệu Huỳnh Long. Cô mạnh dạn bỏ vốn ra dựng tuồng, thử diễn tại rạp Hồng Liên. Không ngờ đêm nào cũng hết vé, phải kê thêm ghế xúp. Thế là thừa thắng xông lên, Bình Tinh sản xuất hàng loạt vở, chỉ cần lấy kịch bản của mẹ Bạch Mai cũng thừa sức cho sân khấu.

Chủ trương của Bình Tinh là tạo cơ hội cho diễn viên trẻ, chỉ mời một ít tiền bối từng gắn bó với đoàn ngày xưa như NSƯT Thoại Mỹ, Ngân Tuấn... còn lại là các gương mặt mới như Hoàng Đăng Khoa, Trọng Nhân, Khánh Nhi, Thái Vinh, Huyền Trâm, Bảo Bảo… Tính đến nay đã gần 10 năm, cô gái với vóc dáng bé nhỏ gánh vác cả một gia tộc, phục hồi đoàn hát một cách ngoạn mục. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/truyen-nhan-cua-dai-gia-toc-san-khau-co-gai-nho-khoi-phuc-doan-huynh-long-185250723221232424.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm