Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi 2024 chính thức đi vào hiệu lực từ 1/7/2024 đã đưa ra những điều chỉnh để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp lý của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một trong những điều TS. Cấn Văn Lực đáng tiếc là Luật các TCTD 2024 đã không luật hóa một số quy định trong Nghị quyết 42/2017/QH14 như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, ảnh hưởng tới khả năng xử lý nợ xấu của các TCTD. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội để hoàn thiện việc luật hóa những nội dung bị bỏ qua trong Nghị quyết 42.
Sửa đổi Luật TCTD lần này theo TS. Cấn Văn Lực nhằm lấp khoảng trống pháp lý, quy định rõ các điểm còn chưa rõ ràng; đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các Luật có liên quan. Và quan trọng hơn là tháo gỡ vướng mắc, rào cản, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả, chất lượng pháp luật và đúng tinh thần của Tổng Bí thư, Quốc hội, Thủ tướng chỉ đạo: “Kiến tạo phát triển, song vẫn kiểm soát được rủi ro, chống lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, bất động sản, tiếp cận vốn, thực thi pháp luật…”. Nhất là trong bối cảnh nợ xấu gia tăng; rủi ro chiến tranh thương mại – công nghệ ở mức cao, tác động lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp và thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cũng góp phần quan trọng hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật, vốn dĩ đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, lực cản rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững và bao trùm.
Thực tế, nợ xấu là một vấn đề rất cần quan tâm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng ngày càng tăng và sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Khi doanh nghiệp có nợ xấu, ngân hàng không thể cho vay, vốn tín dụng sẽ ách tắc. Việc luật hoá quy định xử lý nợ xấu hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, bên cho vay hoàn toàn có quyền chủ động trong việc đòi nợ, thu giữ tài sản đảm bảo nếu người vay chây ì.
TS. Cấn Văn Lực đưa ra 7 kiến nghị đối với Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi |
Dự thảo Luật các TCTD 2024 sửa đổi đã bổ sung 3 Điều 198a, b và c về Quyền thu giữ tài sản bảo đảm; Kê biên tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu; Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vụ việc vi phạm hành chính. Vốn dĩ 3 điều này đã được quy định trong Nghị quyết 42/2017, nhưng khi Nghị quyết 42 này hết hiệu lực, Luật TCTD 2024 lại không quy định.
Những thay đổi này sẽ giải quyết các vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu, đồng thời hài hoà hoá giữa việc bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD với việc thực thi các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Những thay đổi này sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và giảm chi phí hoạt động của các TCTD. Từ đó, hỗ trợ việc giảm lãi suất cũng như tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đồng thời tăng trách nhiệm của bên đi vay.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tscan-van-luc-khong-luat-hoa-quy-dinh-ve-xu-ly-no-xau-se-gay-ach-tac-von-cho-nen-kinh-te-163018.html
Bình luận (0)