Theo TS Ngô Trí Long, trước thách thức này, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có những hành động chiến lược, nhanh chóng và đồng bộ từ cả khu vực công và tư nhân nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ và điện tử đang đứng trước áp lực lớn. Việc tăng thuế có thể đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm sức cạnh tranh.
Thay vì chỉ phản ứng bị động, TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, đây là thời điểm để Việt Nam tái định vị chiến lược xuất khẩu, bao gồm việc đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực tuân thủ thương mại và phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trong môi trường thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp.
TS Ngô Trí Long chia sẻ thông tin tại một cuộc hội thảo. |
Đối với giải pháp ngắn hạn, trọng tâm là tăng cường đối thoại song phương, đa phương. Việc thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh đối thoại thương mại với đối tác, nhất là Hoa Kỳ, cần được đẩy mạnh. Thông qua các cuộc tham vấn cấp cao, cơ quan chức năng Việt Nam có thể làm rõ quan điểm về chính sách thương mại công bằng và minh bạch. Đề nghị xem xét lại các mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chưa phù hợp. Sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi cần thiết.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp như: Cung cấp thông tin sớm và đầy đủ về các cuộc điều tra, rủi ro từ thị trường. Hỗ trợ pháp lý, tư vấn hồ sơ, nâng cao năng lực ứng phó. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, giảm lệ thuộc vào một số đối tác truyền thống…
Cùng với đó, rà soát quy tắc xuất xứ và tăng cường truy xuất nguồn gốc. Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, kết nối dữ liệu toàn chuỗi. Ngăn chặn gian lận thương mại, bảo vệ thương hiệu “Made in Vietnam”.
Tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong bối cảnh thị trường Mỹ có nhiều rào cản, doanh nghiệp cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường FTA lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và các nước CPTPP. Khai thác ưu đãi thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan. Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường cao cấp.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp ngắn hạn không chỉ giúp doanh nghiệp thích ứng với biến động, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho các chính sách ứng phó dài hạn, bảo vệ lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thương mại quốc tế.
Đối với chiến lược dài hạn, TS Ngô Trí Long cho rằng, cần tái cấu trúc xuất khẩu theo hướng chủ động, bền vững và nâng cao sức đề kháng trước biến động.
Trong đó, đổi mới mô hình xuất khẩu theo chiều sâu. Xuất khẩu thô và gia công đơn giản không còn là con đường bền vững. Việt Nam cần tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm. Việc chuyển dịch sang các sản phẩm xanh, sản phẩm số sẽ là động lực mới cho tăng trưởng. Việt Nam cũng đang nỗ lực chuyển dịch từ mô hình gia công sang mô hình dựa trên thiết kế, thương hiệu và sáng tạo.
Việc thiết lập cơ chế đối thoại thương mại định kỳ giữa Việt Nam và Mỹ là bước đi cần thiết để tháo gỡ vướng mắc, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác trong chuỗi cung ứng và đầu tư hai chiều.
Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới và phát triển logistics. Cạnh tranh toàn cầu không còn chỉ dựa vào giá mà còn phụ thuộc vào chất lượng, tốc độ và dịch vụ. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị và marketing.
TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, một nền kinh tế xuất khẩu mạnh không thể chỉ trông vào ưu đãi thuế hay sự dịch chuyển bị động từ bên ngoài. Việt Nam cần chủ động định vị lại chiến lược xuất khẩu, gia tăng năng lực cạnh tranh từ bên trong từ tỷ lệ nội địa hóa, năng lực công nghệ, đến sự minh bạch và khả năng thương lượng trên trường quốc tế. Khó khăn cũng là thời cơ để Việt Nam chứng minh bản lĩnh, vươn lên bằng chính nội lực của mình.
MẠNH HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ts-ngo-tri-long-can-co-hanh-dong-nhanh-chong-dong-bo-de-bao-dam-tang-truong-ben-vung-248205.html
Bình luận (0)