Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tự hào nghề báo của cha

BPO - Mỗi lần về thăm nhà tôi lại cùng cha vào quán cà phê ở góc vòng xoay ngã ba Hùng Vương, ngồi ở đó có thể thu gọn vào tầm mắt mình một Đồng Xoài năng động, không ngừng phát triển. Dòng người hối hả đi về sau ngày làm việc bận rộn, có người thích quán tĩnh lặng, có người thích khung cảnh bắt mắt để chụp ảnh, riêng tôi rất thích những nơi cảnh quan sinh động. Có lẽ từ thói quen của cha đã ngấm dần máu "hướng ngoại" vào tôi.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước08/05/2025

Cha tôi là nhà báo, nhưng để sống trọn đam mê với nghề đôi khi người làm báo phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, nước mắt. Tôi đã từng rất ghét nghề của cha, bởi nó đã chiếm hầu hết thời gian của cha. Tôi mong được cùng cha đồng hành trong những ngày hội ở trường, nhưng cha bận đi cơ sở viết bài. Tôi muốn được cha làm cho chiếc lồng đèn bằng giấy kiếng xanh, đỏ như bao đứa trẻ khác thì cha lại bận đi viết bài về những cái tết trung thu cho trẻ em vùng cao. Khi ấy, với suy nghĩ của một đứa trẻ 8-9 tuổi, nghề báo của cha thật đáng ghét. Lúc ấy, tôi chỉ muốn cha làm nghề gì đó như cha của các bạn, cha bán kem cũng được, làm thợ hồ cũng được, làm thầy giáo cũng được, miễn cha đừng làm nhà báo.

Mãi sau này khi niềm đam mê viết lách trong tôi lớn dần, khi mong muốn được khám phá nhiều hơn tôi mới hiểu được sự dấn thân, yêu nghề của cha. Cha tôi theo nghề báo từ những ngày còn ở vùng quê nghèo miền Trung. Nghe cha kể thời ấy thứ gì cũng thiếu, cả cơ quan chỉ có một chiếc máy đánh chữ cọc cạch, mỗi lần gõ, thanh chữ đập vào bản giấy pơ-luya phạch phạch như muốn cào rách cả mặt giấy, mọi người thay nhau đánh máy các bài viết, bản thảo thì hoàn toàn viết tay. Cũng chẳng có bút bi tiện dụng như bây giờ, ai có cây bút máy Trường Sơn phải gọi là quá xịn, còn lại là bút chấm mực, chấm một cái viết được vài chữ.

Thiếu thốn, cực nhọc là thế nhưng cha vẫn luôn yêu nghề mà mình đã chọn. Sau khi lập gia đình, cha theo người chú vào miền Nam tiếp tục làm báo. Lạ đất, lạ người, kinh tế lúc bấy giờ khó khăn vô vàn. Mẹ tôi là giáo viên, lương bổng cũng chẳng là bao, 4 chị em tôi ra đời, gánh nặng càng thêm oằn lên vai cha mẹ. Cha làm việc không ngừng nghỉ, xin đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà mọi người e ngại. Bởi nơi ấy có nhiều cảm hứng, cha viết được nhiều kỳ phóng sự, đồng nghĩa với thu nhập cũng tăng thêm và thời gian cha vắng nhà sẽ nhiều hơn. 

Tôi chỉ thực sự yêu nghề báo vào một ngày cuối đông năm tôi 18 tuổi, khi cha mang chiếc chân bó bột trở về với rất nhiều vết xước trên da thịt. Ấy vậy mà cha vẫn sang sảng rằng không sao, ít hôm nữa cha sẽ vác máy ảnh chạy băng băng mà chụp ảnh xuân cho cả nhà. Đận ấy giáp tết, mọi người đều tất bật cho những bài báo xuân. Cha được phân công viết về chủ đề nông dân sản xuất giỏi, trong nhóm của cha có một chú được phân công viết bài về chủ đề xuân biên giới. 

Sau đó tôi nghe mẹ kể lại, con của chú phải nhập viện gấp vì bị viêm phổi, sợ không có bài nộp, chú bèn nhờ cha hỗ trợ. Cha đã chẳng ngại ngần mà nhận luôn phần việc của chú. Cha lên tận biên giới khảo sát, ghi chép nắm tình hình người dân vùng biên những ngày giáp tết. Cha được cấp giấy giới thiệu liên hệ với bộ đội biên phòng để được hỗ trợ. Hôm ấy các chú bộ đội đang dẫn cha đi thăm và lấy thông tin một số hộ khó khăn ở vùng biên giới, rồi cha sa vào bẫy người dân bẫy lợn rừng không vào phá nương rẫy.

Cha được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, sau khi được các bác sĩ nẹp xương, băng bó cẩn thận cha vẫn chưa chịu về. Cha bảo còn chịu đựng được, bản thảo đang dở dang, nếu cha về sẽ thất hứa với đồng nghiệp, lại ảnh hưởng đến công việc của cơ quan. Một tuần sau cha được các chú bộ đội đưa về tận nhà. Mẹ tôi lo lắng, nước mắt ngắn dài, còn cha vẫn cái chất bông đùa vốn có, rằng lần đầu tiên cha đi viết bài mà được nằm viết, lại có người cơm bưng, nước rót và cha cười hà hà như không có chuyện gì xảy ra.

Và lúc ấy tôi mới hiểu ra rằng, công việc của một nhà báo như cha không hề đơn giản, vất vả với bụi đường, nắng gió, đôi khi còn nguy hiểm đến cả tính mạng để có được một bài phóng sự chân thật. Nghề của cha đã từng ngày góp cho đời rất nhiều câu chuyện vui, buồn, hạnh phúc, gian nan… Nhưng trên tất cả, tôi biết cha thật sự hạnh phúc với công việc của mình.

Năm 20 tuổi, tôi nhận được một chiếc máy ảnh Canon cũ mà cha mua lại từ đồng nghiệp. Tôi đã dùng chiếc máy ảnh để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ suốt một thời tuổi trẻ. Chiếc máy ảnh đó đến bây giờ tôi vẫn để trang trọng trong chiếc tủ kính cùng với những bằng khen, giấy khen của cha, như lưu giữ một phần ký ức thanh xuân tươi đẹp của tôi và cha. Cảm ơn cha đã luôn là một nhà báo chân chính, con rất tự hào vì được làm con của cha.

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email [email protected], Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/172480/tu-hao-nghe-bao-cua-cha


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm