Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ hội nhập đến bản sắc: Cần làm rõ khái niệm “quốc tế hóa và Việt Nam hóa văn hóa”

NDO - Chiều 22/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo toàn quốc về Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng dự và chủ trì hội thảo.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân22/05/2025

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khẩn trương hoàn thiện Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”, dự kiến trình Bộ Chính trị vào tháng 7.

Hội thảo lần này là diễn đàn quan trọng nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung Đề án, đồng thời là diễn đàn làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, từ đó xác định phương hướng triển khai hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới.

Bộ trưởng khẳng định, trong tiến trình hội nhập quốc tế, văn hóa Việt Nam luôn thể hiện bản sắc riêng đồng thời tiếp thu tinh hoa nhân loại một cách chọn lọc.

Quốc tế hóa văn hóa không chỉ là sự lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại Việt Nam ra thế giới, mà còn là quá trình làm phong phú văn hóa Việt bằng cách tiếp nhận tinh thần nhân văn và tiến bộ từ các nền văn hóa khác. Đây là sự gặp gỡ hài hòa giữa bản sắc dân tộc và tính phổ quát của nhân loại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nêu rõ yêu cầu cấp thiết cần làm rõ nội hàm 2 khái niệm “quốc tế hóa văn hóa Việt Nam” và “Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”. Đây là điểm khởi đầu cần thiết để có định hướng đúng đắn trong xây dựng chính sách, triển khai chiến lược.

Bộ trưởng đề nghị, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý tập trung phân tích thành tố cấu thành, điều kiện thực hiện, hình thức thể hiện cũng như phương pháp tiếp cận phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.

Trong tham luận của mình, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Chính sách Chiến lược Trung ương cho rằng, cần có đánh giá đầy đủ về tác động của văn hóa quốc tế đến văn hóa Việt Nam, cũng như các giá trị tích cực từ bên ngoài có thể bổ sung cho nền văn hóa nước nhà.

Ông đề nghị, Đề án cần lượng hóa rõ mục tiêu, cân bằng giữa yếu tố văn hóa và đối ngoại trong các giải pháp triển khai, tránh tình trạng “nghiêng” quá về một phía.

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận nhận định, để hội nhập hiệu quả và lan tỏa giá trị văn hóa Việt, trước hết cần có nhận thức rõ ràng và thống nhất về khái niệm “quốc tế hóa văn hóa Việt Nam” và “Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”.

Theo đó, quốc tế hóa là xu thế tất yếu, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, trong khi Việt Nam hóa chính là yêu cầu khẳng định bản sắc, tạo nên “bộ nhận diện văn hóa” của Việt Nam trong dòng chảy toàn cầu. Hai tiến trình này cần được nhìn nhận là hai mặt không thể tách rời.

Ông cũng cho rằng, thể chế và chính sách hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa và ngoại giao văn hóa phát triển. Việc đầu tư cho nguồn nhân lực, xã hội hóa và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các thiết chế văn hóa cần được đặc biệt ưu tiên.

Chia sẻ từ thực tiễn địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai nêu rõ, là địa phương có quan hệ hợp tác quốc tế sớm và sâu rộng (hiện kết nghĩa với 26 quốc gia, có giao lưu với hơn 130 nước), Hải Phòng xác định văn hóa là một trong những trụ cột trong định hướng phát triển bền vững, nhất là trong ngoại giao văn hóa.

Thành phố đặt mục tiêu tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, hướng tới trở thành “thành phố âm nhạc”.

Theo bà, việc cụ thể hóa các khái niệm và có hướng dẫn thực thi từ Trung ương sẽ là căn cứ quan trọng để các địa phương triển khai hiệu quả hơn trong thực tiễn.

Từ Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình bày tỏ sự băn khoăn với nội hàm 2 khái niệm trong Đề án.

Huế lâu nay được biết đến với thế mạnh ngoại giao văn hóa gắn với di sản, lấy văn hóa làm nền tảng cho phát triển xanh, bền vững. Ông đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hướng dẫn cụ thể về nội dung, phạm vi, phương thức thực hiện để địa phương có thể vận dụng sát thực tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển nguồn lực con người để đủ sức triển khai các yêu cầu hội nhập văn hóa.

Từ hội nhập đến bản sắc: Cần làm rõ khái niệm “quốc tế hóa và Việt Nam hóa văn hóa” ảnh 2

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình tham luận trực tuyến.

Hội thảo tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các học giả, chuyên gia và đại diện các địa phương, nhằm hoàn thiện Đề án cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, việc định hình rõ khái niệm, xác định đúng vai trò, mối quan hệ giữa văn hóa và đối ngoại, giữa gìn giữ bản sắc và tiếp biến có chọn lọc tinh hoa thế giới được nhấn mạnh như nền tảng để văn hóa Việt Nam hội nhập một cách tự tin, chủ động và hiệu quả.

Nguồn: https://nhandan.vn/tu-hoi-nhap-den-ban-sac-can-lam-ro-khai-niem-quoc-te-hoa-va-viet-nam-hoa-van-hoa-post881605.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm