Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt

(Dân trí) - Những ca mổ vang danh thế giới ngày hôm nay, được khởi nguồn từ "ngọn lửa" phụng sự sức khỏe người Việt trong những phòng mổ dã chiến, chiếc lán dựng tạm giữa chiến khu của thế hệ đi trước.

Báo Dân tríBáo Dân trí24/04/2025


Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 1

Chiều mùa đông năm 1935, GS Tôn Thất Tùng, khi ấy là chàng sinh viên y khoa 23 tuổi, phát hiện các ống mật và mạch máu trong lá gan của một tử thi mà anh đang nghiên cứu đầy ngập những con giun lớn nhỏ.

Bằng một cái nạo và những ngón tay khéo léo, ông lần theo và phẫu tích lá gan. Chỉ trong vòng 15 phút, tất cả ống mật, mạch máu trong gan đã được phơi trần một cách chính xác.

Với phát hiện đó, trong 4 năm tiếp theo, ông tự tay phẫu tích 200 lá gan của các tử thi, vẽ lại sơ đồ mạch máu và sáng tạo nên một kỹ thuật chưa từng có tiền lệ: thắt mạch máu trước khi cắt gan. Ca mổ đầu tiên ông thực hiện vào năm 1939.

Gần 20 năm sau, ông cắt thùy gan phải của một ca ung thư sơ phát chỉ vẻn vẹn trong 6 phút. Nếu theo phương pháp cắt gan của giáo sư người Pháp Lortat-Jacob, được giới thiệu năm 1952, thì phải mất 3 đến 4 giờ. Sau khi được đăng tải trên tờ "The Lancet" ở London, công trình của Giáo sư Tôn Thất Tùng đã làm chấn động dư luận.

Phương pháp mổ của ông khiến y học quốc tế gọi đó là "mổ gan khô" hay "phương pháp Tôn Thất Tùng", đưa phẫu thuật gan Việt Nam lên bản đồ thế giới.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 3

Giữa tiếng bom rền, đạn xé của những năm tháng mà sự sống chỉ mỏng manh như một sợi chỉ, vẫn có nhiều người Việt Nam mặc áo blouse trắng bất chấp hiểm nguy để thực hiện công việc cứu người.

Trong những chiếc lán dựng giữa rừng hay trong phòng mổ thiếu thốn đủ thứ, họ không chỉ giành giật lại mạng sống cho bệnh nhân, mà còn âm thầm đặt những viên gạch đầu tiên cho nền y học hiện đại Việt Nam.

Trong một lán trại lợp bằng lá ở núi rừng Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, GS Đặng Văn Ngữ miệt mài nghiên cứu điều chế kháng sinh từ giống nấm penicillin chứa trong vali được ông xách về từ Nhật.

Trong những ngày tháng thiếu thốn ấy, GS Ngữ đã dùng ngô, sắn và cả lương khô để điều chế môi trường nuôi cấy nấm.

Từ một phòng thí nghiệm nghèo nàn, ông đã tổ chức sản xuất được "nước lọc penicillin" nổi tiếng.

Việc sản xuất được "nước lọc penicillin" của GS. Đặng Văn Ngữ có ý nghĩa đặc biệt, góp phần đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.

Đến Tết năm 1967, thứ dung dịch màu vàng nhạt ấy đã có mặt ở hầu khắp các trạm phẫu thuật tiền tuyến, giúp 80% thương binh thoát khỏi cưa tay, cưa chân, không tử vong vì nhiễm trùng.

Không có phòng thí nghiệm, không có thiết bị hiện đại, không có thời gian chờ đợi chuyển giao công nghệ, nhưng bằng tất cả tri thức, lòng yêu nước và khát vọng sống còn, họ đã làm nên những điều kỳ tích.

Và rồi khi đất nước thống nhất, truyền thống ấy được tiếp nối bởi những thế hệ y bác sĩ sau chiến tranh với những ca phẫu thuật vang danh khu vực và thế giới, mang dấu ấn người Việt.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 5

Ngày 4/10/1988, tại TPHCM, một sự kiện y tế đã khiến cả thế giới sững sờ: Ca mổ tách cặp song sinh dính liền Nguyễn Việt - Nguyễn Đức, được thực hiện thành công bởi đội ngũ 62 bác sĩ Việt Nam và quốc tế, do GS.TS.BS Trần Đông A làm trưởng kíp mổ.

Ca mổ tách hai bé trai sinh năm 1981 tại Kon Tum, bị dính liền phần bụng, chung hậu môn và bộ phận sinh dục, ba chân - trong đó một chân chung.

Ca mổ diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Việt bị bại não, thường xuyên ngưng thở, mọi can thiệp thuốc cho Việt đều ảnh hưởng đến Đức. Tình trạng y tế cấp bách, cộng với điều kiện thiếu thốn thời hậu chiến, khiến nhiều chuyên gia quốc tế từng chối từ phẫu thuật.

"Nếu Việt mất, Đức cũng sẽ chết. Việc tách rời là không thể trì hoãn", GS Trần Đông A nhớ lại.

Sau một năm chuẩn bị, kíp mổ chính thức tiến hành ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ. Mọi chi phí, thuốc men, thiết bị đều do người dân Nhật Bản hỗ trợ. Việt và Đức được tách rời thành công - một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử y học: Lần đầu tiên trên thế giới, một ca tách dính song sinh mà một trong hai bệnh nhi bị bại não được thực hiện thành công.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 7

Ca mổ đó được ghi vào sách Kỷ lục Guinness vì chưa có tiền lệ nào như thế trong lịch sử y khoa.

Sau mổ, Việt sống thêm 19 năm, qua đời năm 2007. Nguyễn Đức hiện sống khỏe mạnh, lập gia đình và có hai con. Câu chuyện của họ không chỉ đánh dấu đỉnh cao y học Việt Nam, mà còn truyền cảm hứng về tinh thần nhân văn, nghị lực sống.

Nhiều chuyên gia y tế quốc tế đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đội ngũ y bác sĩ Việt Nam về khả năng và tinh thần vượt khó trong hoàn cảnh thiếu thốn về trang thiết bị và công nghệ y tế thời bấy giờ.

Ca phẫu thuật tách dính cặp song sinh Việt - Đức đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ bác sĩ và được nhắc đến trong các hội nghị y khoa quốc tế như một minh chứng cho sự tiến bộ và khả năng vượt qua thách thức của y học Việt Nam.

Ca phẫu thuật này cũng đã mở ra cơ hội hợp tác và học hỏi giữa các chuyên gia y tế Việt Nam và quốc tế trong các ca phẫu thuật phức tạp sau này.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 9

Với nhiều người, phẫu thuật tuyến giáp đơn thuần chỉ là một can thiệp y khoa nhỏ. Nhưng với phụ nữ - nhất là những người trẻ - vết sẹo dài ngay trên cổ sau ca mổ lại là nỗi ám ảnh dai dẳng. Đã từng có không ít người vì lo sợ sẹo mà không dám đi mổ, chỉ đến khi bệnh tình đã trở nặng mới tìm đến bác sĩ.

Thấu hiểu điều đó, PGS.TS Trần Ngọc Lương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đã dành cả một thập kỷ để nghiên cứu, sáng tạo ra kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường nách mang tên "Dr. Lương's method" - một công trình từ thực tiễn lâm sàng, được bạn bè quốc tế công nhận và học hỏi.

"Tôi muốn tìm một cách để giúp bệnh nhân khỏi bệnh mà không phải mang theo nỗi tự ti về một vết sẹo lớn giữa cổ suốt phần đời còn lại", PGS.TS Trần Ngọc Lương chia sẻ.

Từ năm 2003, ông bắt đầu áp dụng ca mổ nội soi tuyến giáp đầu tiên với vết rạch nhỏ khoảng 1cm ở vùng nách và ngực thay vì trên cổ. Kỹ thuật này giúp người bệnh không chỉ tránh được vết sẹo kém thẩm mỹ mà còn rút ngắn thời gian nằm viện từ 7 ngày xuống còn 2-3 ngày, giảm đáng kể nguy cơ biến chứng như đau khi nuốt, khó thở.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 11

Phương pháp "Dr. Lương" có ưu điểm vượt trội: chỉ cần dụng cụ mổ nội soi ổ bụng thông thường, không cần máy móc phức tạp hay robot hỗ trợ, chi phí chỉ khoảng 300-400 USD/ca, thấp hơn hàng chục lần so với phương pháp của Singapore hay Hàn Quốc, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an toàn, hiệu quả và thẩm mỹ.

Phương pháp nội soi tuyến giáp của PGS Lương nổi tiếng đến mức, khi bệnh nhân người Việt sang Singapore để mổ tuyến giáp, bác sĩ tại đây tư vấn nên về Việt Nam gặp "Dr Lương" vì chính ông dạy họ phương pháp đó.

Đặc biệt, phương pháp này lại dễ chuyển giao cho các cơ sở y tế tuyến dưới và đã có nhiều bệnh viện trong cả nước thực hiện được mổ tuyến giáp nội soi.

Đến nay đã có hơn 300 giáo sư, bác sĩ đến từ các nước trong khu vực và trên thế giới: Australia, Bồ Đào Nha, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Pakistan, Australia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương để học tập kỹ thuật mổ này.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 13

Sau khi phát hiện con gái 4 tuổi bị nang ống mật chủ, tháng 12/2023, một gia đình người Úc (hiện đang sinh sống tại Indonesia) đã quyết định sang Việt Nam để điều trị bằng kỹ thuật nội soi một lỗ.

Đáng chú ý, điều trị nang ống mật chủ bằng nội soi một lỗ là kỹ thuật đặc biệt khó, Việt Nam là một trong 2 nước trên thế giới báo cáo ứng dụng kỹ thuật thành công. PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hiện là một trong hai bác sĩ đi đầu thế giới về thực hiện kỹ thuật này.

Theo PGS Sơn, đối với bệnh nang mật chủ, phẫu thuật kinh điển trên thế giới vẫn là mổ mở. Tại Pháp và nhiều nước có nền y học tiên tiến khác, vẫn đang điều trị nang mật chủ theo phương pháp này.

Khi mổ mở, đường rạch lớn, sang chấn nhiều, hồi phục chậm đặc biệt là với trẻ em. Trong khi đó, với phương pháp nội soi thông thường, đường rạch bé hơn khoảng 2,5-3cm và cần mở khoảng 3-4 "cổng vào" để phẫu thuật.

Phương pháp nội soi thông thường dù đã hạn chế được xâm lấn rất nhiều so với mổ mở nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp với trẻ em.

"Nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật ở trẻ em đánh dấu bước tiến của nền phẫu thuật nhi Việt Nam và vang danh quốc tế", PGS Sơn nhấn mạnh.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 15

Quay ngược thời gian về năm 2011, tại một hội thảo y khoa quốc tế, đoạn video dài vỏn vẹn 30 giây ghi lại cảnh mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ do một bác sĩ Trung Quốc thực hiện đã khiến PGS.TS Trần Ngọc Sơn, khi ấy còn công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sững sờ.

Trong khoảnh khắc đó, ông đã đặt ra một câu hỏi: "Tại sao Việt Nam không làm được?".

Câu hỏi đó đã khởi nguồn cho hành trình: tìm tòi, thử nghiệm và kiên trì rèn luyện của vị bác sĩ này.

PGS Sơn nhấn mạnh, đây là ca mổ đặt ra nhiều thách thức cho bác sĩ phẫu thuật. Đòi hỏi bác sĩ phải có kỹ năng thao tác dụng cụ rất chuyên nghiệp.

Về điều trị ngoại khoa nang mật chủ, khi mổ mở đã là một phẫu thuật khó, phức tạp, đòi hỏi rất nhiều động tác. Chẳng hạn bác sĩ phải cắt túi mật, sau đó cắt ống mật chủ bị giãn thành nang, cắt đường mật chủ bị giãn thành nang, sau đó mới đưa quai ruột lên nối lại với ống gan chung ở phía trên để hứng mật.

Việc thực hiện tất cả công đoạn này bằng phương pháp mổ nội soi một lỗ lại khó hơn rất nhiều.

"Thách thức lớn nhất là tư thế thao tác. Chúng ta đều biết con người khi làm việc tay phải tạo thành góc mới có thể thao tác dễ dàng, cũng như khi phẫu thuật sẽ giúp dễ xử lý để các dụng cụ không chạm vào nhau.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 17

Trong khi đó, với phẫu thuật nội soi một lỗ, khi dụng cụ chỉ đi qua vết rạch dưới 2cm, các dụng cụ gần như đặt song song. Đôi tay lúc này như bị "bó lại", thao tác đặc biệt khó.

Tất cả động tác bác sĩ phải thay đổi so với phẫu thuật thông thường vì không gian quá chật hẹp", PGS Sơn mô tả.

Tuy nhiên, phương pháp này đem lại giá trị rất lớn cho người bệnh. Bệnh nhân ít sang chấn, hồi phục rất nhanh và không để lại sẹo.

Trong ca mổ của bé gái người Úc, PGS Sơn chỉ rạch một vết dài 15mm ở rốn. Sau mổ, bệnh nhi phục hồi nhanh và có thể chạy nhảy chỉ sau vài ngày. Cháu bé được theo dõi sau mổ 7 ngày và được xuất viện.

Tính đến nay, PGS Sơn đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhi bị nang ống mật chủ bằng phương pháp mổ tiên tiến này. Biến chứng nhiễm trùng chỉ ở mức dưới 1%, đây là con số rất thấp.

Nhiều chuyên gia ở nước ngoài như Thái Lan, Indonesia, Nhật đã sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để học tập về phương pháp mổ nội soi một lỗ.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 19

Ngày 1/10/2024, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, một ca ghép đồng thời tim và gan đã được thực hiện thành công. Đây là ca mổ chưa từng có tiền lệ, chỉ được ghi nhận ở một vài quốc gia có nền y học tiên tiến như Mỹ và châu Âu.

Người hiến tạng là một chàng trai 36 tuổi quê Nghệ An, không may gặp tai nạn giao thông và được xác định chết não. Trong nỗi đau tột cùng, gia đình đã đưa ra quyết định dũng cảm: hiến toàn bộ tạng của anh để cứu những người xa lạ.

Người nhận là anh Đ.V.H., 41 tuổi, ở Hà Nội, bị suy tim và suy gan giai đoạn cuối, đang được duy trì sự sống bằng ECMO và thuốc vận mạch.

"Chỉ có một cơ hội duy nhất để cứu sống người bệnh", TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ.

Ngay khi nhận được thông tin hiến tạng, bệnh viện lập tức kích hoạt báo động đỏ, điều phối hai ê-kíp chuyên biệt vượt hơn 300km trong đêm để đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện lấy tạng.

Đó là một cuộc chạy đua khẩn cấp với thời gian bởi tim và gan là hai cơ quan có thời gian sống ngoài cơ thể ngắn nhất, đặc biệt là tim - chỉ trong vòng vài giờ.

Cuộc đại phẫu kéo dài hơn 8 tiếng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quy tụ hàng chục y bác sĩ từ các chuyên khoa. Mỗi khâu đều phải chính xác đến từng phút, từng động tác.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 21

"Chỉ ghép tim hay gan đã là rất khó. Thế nhưng khi ghép đồng thời hai cơ quan này cho một bệnh nhân đã rất yếu, độ phức tạp tăng lên không phải gấp đôi mà là gấp nhiều lần", TS Hùng chia sẻ.

Tối muộn hôm ấy, trái tim của người hiến đã đập những nhịp đầu tiên trong lồng ngực người xa lạ. Lá gan cũng hoạt động, tiết mật đều đặn. Sau 5 ngày, bệnh nhân được rút ống nội khí quản và tự thở trở lại, hồi phục dần trong niềm xúc động của cả ê-kíp.

"Đây không chỉ là thành tựu y khoa mà còn là câu chuyện nhân văn lớn. Một người mất đi nhưng sự sống vẫn tiếp tục trong cơ thể người khác. Đó là giá trị không thể đong đếm được", TS Hùng nói.

Theo TS Hùng, sự thành công của ca ghép đồng thời cả tim và gan cho một người bệnh là một mốc son mới đáng tự hào trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam.

"Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam sánh vai với các cường quốc y tế trên thế giới. Thậm chí, nhiều nước phát triển hơn, có nền y tế tiên tiến hơn Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện được kỹ thuật này", TS Hùng chia sẻ.

Từ lán quân y giữa rừng đến những ca mổ vang danh thế giới của bác sĩ Việt - 23

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Thủy Tiên

24/04/2025 - 06:55

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/tu-lan-quan-y-giua-rung-den-nhung-ca-mo-vang-danh-the-gioi-cua-bac-si-viet-20250423215748204.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm