Lá thư xin lỗi ngắn gọn, chân thành của cô bé Tú An được cộng đồng mạng dành nhiều lời khen. Ảnh: T.Y |
Trong thư, cô bé Tú An, học sinh lớp 5A2 tại một ngôi trường ở Hà Nội viết: “Chào em nhé! Chị là Tú An, người làm em ngã vào hôm qua. Chị không biết chỉ một lúc không để ý đã làm em bị đau. Chị xin lỗi, để giúp em cảm thấy thoải mái hơn, chị xin phép gửi tặng em một món quà nho nhỏ. Mong em sẽ thoải mái và đỡ đau hơn nhé”. Người đăng tải nội dung này là chị Ngọc Quỳnh (trú huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội), phụ huynh của em bé bị ngã trong thư.
Trong bài đăng của mình, chị Quỳnh cho hay, ngày 10-4, chị nhận điện thoại của nhân viên y tế nhà trường thông báo con chị bị một bạn học sinh lớp 5 va ngã làm sưng trán, đang được chăm sóc ở phòng y tế. Chị vội đến trường thì đã thấy cô bé Tú An đứng ở phòng y tế và liên tục nói lời xin lỗi con trai chị. Một ngày sau khi sự việc xảy ra, khi đi học về, con trai chị Quỳnh tíu tít kể chuyện chị gái va vào mình đã đến tận lớp gửi thiệp xin lỗi kèm tặng quà. "Việc trẻ con chạy nhảy va vào nhau là vô tình và khó tránh khỏi. Tuy nhiên, hành động của bé gái khiến tôi khá bất ngờ và thầm cảm ơn bố mẹ cô bé đã dạy dỗ bé thật cẩn thận để có thể cư xử tử tế và đáng yêu như vậy", chị Quỳnh viết.
Chia sẻ của chị Quỳnh khiến mọi người nhớ đến một cậu bé 13 tuổi ở Đà Nẵng từng “dậy sóng” mạng xã hội đầu năm 2025 khi để lại mảnh giấy nội dung “Con xin lỗi vì đã làm xước xe của bác. Con đi học không chú ý nên đụng”. Chị Lê Ngô Mỹ Hạnh, chủ chiếc ô-tô ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ khi đọc được mảnh giấy này đã không giận dữ mà ngược lại chị chụp hình, chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội, tỏ ý khen ngợi hành động tử tế của nam sinh. Bài đăng của chị Hạnh nhận về nhiều lời khen trước tinh thần trách nhiệm của cậu bé và hơn hết là lòng tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đặc biệt ở thế hệ trẻ.
Từ lá thư xin lỗi của cô bé Tú An, đến mảnh giấy để lại của nam sinh Đà Nẵng cho thấy rõ giá trị của một lời xin lỗi chân thành, một tấm thiệp viết tay, một món quà nho nhỏ, đúng lúc sẽ mang lại sức mạnh chữa lành và kết nối con người vô cùng lớn. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng, trong một thế giới đầy thông tin gây tranh cãi, những dòng bình luận nặng nề, vẫn còn đó hạt giống tử tế đang được ươm mầm bởi những đứa trẻ. Điều đáng quý hơn cả, là những hành động đẹp ấy không đến từ sự chỉ đạo hay ép buộc, mà xuất phát từ nội tâm của các em. Có thể các em chưa hiểu hết giá trị của một lời xin lỗi nhưng vẫn thực hành nó bằng tất cả sự chân thành và trong trẻo của tuổi thơ.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong hành trình lớn lên, trẻ con sẽ va vấp, sẽ phạm lỗi, đó là điều bình thường. Nhưng biết nhận lỗi, biết sửa sai, biết đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông lại là điều làm nên nhân cách. Trong cuộc sống hiện nay, những điều tưởng chừng nhỏ bé kia lại chính là nền tảng đầu tiên để xây dựng một xã hội nhân ái, vì mọi người.
Câu chuyện của những đứa trẻ cũng dạy chúng ta về lòng dũng cảm, dám đối diện với sai lầm cũng như biết suy nghĩ cho người khác. Sự tử tế, theo cách đó, là một hành trình được trao truyền, giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Khi cha mẹ, thầy cô kiên nhẫn dạy trẻ rằng một lời xin lỗi không làm mình yếu đi mà khiến mình trở nên mạnh mẽ hơn, rằng một món quà nhỏ để bù đắp là hành động đẹp chứ không phải “chuộc lỗi”, trẻ sẽ dần hình thành nên nhân cách đẹp, tử tế trong tương lai.
TIỂU YẾN
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/tu-loi-xin-loi-chan-thanh-4004808/
Bình luận (0)