Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tuổi nhỏ - Việc nhỏ & Ý nghĩa lớn!

Việt NamViệt Nam20/04/2025


Trong số 200 Cháu ngoan Bác Hồ năm 2025 được Hội đồng Ðội tỉnh tuyên dương vào tối 14.4 vừa qua, nhiều đội viên đã gắng sức làm việc tốt, đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học. Báo Bình Ðịnh có cuộc trò chuyện với 3 đội viên tiêu biểu, gồm: Nguyễn Trần Thi (lớp 9A1, Trường THCS Hoài Châu, TX Hoài Nhơn); Ðỗ Lê Trí Hào (lớp 7A2, Trường THCS Mỹ Ðức, huyện Phù Mỹ); Lê Bảo Trân (lớp 4C, Trường Tiểu học Kim Ðồng, TP Quy Nhơn).

Say mê nghiên cứu, tìm tòi

Nguyễn Trần Thi và bạn cùng lớp đoạt Giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc gia dành cho học sinh trung học, năm học 2024 - 2025 với dự án “Thiết bị hỗ trợ di chuyển và theo dõi sức khỏe bệnh nhân IoT” - ý tưởng gắn công nghệ với thực tế chăm sóc sức khỏe. 3 năm học liên tiếp (từ lớp 6 đến lớp 8), Thi đều đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc, là Cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Thi chăm học tập, nghiên cứu vừa với ước mơ trở thành kỹ thuật viên nghiên cứu trong lĩnh vực y học.

Nguyễn Trần Thi (trái) nhận Giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc gia dành cho học sinh trung học, năm học 2024 - 2025. Ảnh: NVCC

Điều gì thôi thúc em bắt tay vào dự án “Thiết bị hỗ trợ di chuyển và theo dõi sức khỏe bệnh nhân IoT”?

- Hồi đầu, chúng em chỉ nghĩ đơn giản là muốn làm một sản phẩm có ích. Sau lần vào bệnh viện thăm cô giáo chủ nhiệm, thấy người nhà và điều dưỡng vất vả xoay trở khi chăm sóc cô, chúng em nhận ra việc di chuyển, nâng đỡ bệnh nhân… đều cần nhiều người hỗ trợ. Từ đó, em và bạn nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị hỗ trợ việc di chuyển, gắn thêm cảm biến đo nhịp tim, nhiệt độ và cảnh báo khi có bất thường. Em và các bạn sử dụng công nghệ IoT để gửi dữ liệu đến điện thoại hoặc máy tính, giúp người thân hoặc bác sĩ theo dõi từ xa. Dù mới chỉ là mô hình nhưng em hy vọng ý tưởng của mình có thể phát triển sản phẩm hữu ích.

Quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án có lẽ đã mang đến cho em nhiều trải nghiệm đáng nhớ…

- Lúc mới bắt đầu, em háo hức lắm vì được lắp ráp, mày mò - đúng sở thích từ nhỏ. Nhưng càng làm càng thấy áp lực. Có những lần, thiết bị vừa lắp xong thì lại hỏng, phải tháo ra sửa, rồi thử nghiệm lại. Có hôm nản quá, muốn bỏ cuộc nhưng rồi lại thử lại từ đầu. Nghiên cứu, thực hiện dự án này giúp em rèn tính kiên trì, học được cách chủ động tìm kiếm kiến thức ngoài sách vở, như đọc tài liệu tiếng Anh, xem hướng dẫn kỹ thuật trên mạng… Những thứ đó em chưa từng nghĩ mình sẽ làm được.

Nhớ nhất là khi đem thiết bị đến cho cô giáo xem. Cô ngạc nhiên lắm, cứ cười rồi nói rằng tự hào về em. Nhìn cô vui, em càng tin là những điều nhỏ bé mình làm có thể mang đến thay đổi tích cực. Em biết con đường trở thành kỹ thuật viên nghiên cứu trong ngành y không dễ đi, nhưng em quyết tâm từ bây giờ, bằng cách học chăm hơn, giữ vững đam mê và luôn tìm tòi cái mới.

Hành động dũng cảm

Đỗ Lê Trí Hào là tấm gương sáng trong phong trào “Nghìn việc tốt” của thiếu nhi tỉnh nhà. Chiều 10.5.2024, khi đang tắm biển, Hào không ngần ngại cùng 2 bạn nhỏ khác lao vào sóng lớn để cứu những em học sinh nhỏ hơn mình 3 tuổi. Hành động ấy đã được Trung ương Đoàn trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” vào cuối tháng 5.2024 - phần thưởng xứng đáng cho lòng quả cảm của cậu học trò
lớp 6.

Tỉnh đoàn trao Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” của Trung ương Đoàn cho Đỗ Lê Trí Hào (thứ hai từ phải sang) và 2 người bạn cùng lớp vì hành động đẹp. Ảnh: Tỉnh đoàn

Hào còn nhớ khoảnh khắc khi em và các bạn lao ra cứu người giữa sóng biển?

- Chiều hôm đó, chúng em đang tắm biển ở thôn Phú Thứ (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) thì nghe tiếng kêu cứu thất thanh. Nhìn ra, em thấy mấy em nhỏ đang vùng vẫy giữa vùng nước sâu. Có 1 em gắng sức bơi được vào bờ, 3 em còn lại bị sóng cuốn ra xa. Lúc đó, em và các bạn chỉ kịp nhìn nhau rồi lao ra biển, không ai nói gì liền chia nhau ra, cố đưa từng em vào bờ. Trong đó, 2 em được chúng em cứu thành công. Riêng 1 em bị cuốn ra xa hơn, em lấy miếng xốp lớn gần đó làm phao rồi bơi ra đưa em ấy vào bờ. Khi vào bờ được người lớn hỗ trợ cấp cứu ngay, nhưng em ấy đã đuối sức nên không qua khỏi… Em và các bạn buồn lắm!

Giờ ngồi nghĩ lại thời điểm lúc đó em sợ chứ, vì sóng đánh mạnh, bơi ngược dòng rất mệt. Nhưng thực tình khi đó em và các bạn lại không nghĩ quá nhiều, chỉ thấy có người bị nạn thì nhảy xuống cứu thôi. Em biết bơi mà còn chần chừ thì ai cứu các em nhỏ. Nếu quay lại thời điểm đó, em vẫn sẽ làm vậy, vì mong muốn cứu người vẫn lớn hơn nỗi sợ.

Từ sự việc này, em nghĩ như thế nào về vấn đề trang bị kỹ năng mềm như bơi lội, sơ cấp cứu cho trẻ em…

- Em nghĩ là rất quan trọng, đặc biệt với những bạn hay đi tắm biển như chúng em! Nhờ bố mẹ dạy bơi từ nhỏ nên em mới dám bơi ra xa để giúp đỡ; tuy nhiên em cũng hiểu rằng, biết bơi thôi chưa đủ, còn phải biết đâu là vùng nước sâu, đâu là chỗ nguy hiểm. Có bạn biết bơi rồi nhưng chủ quan, nghĩ không sao, mà sóng lớn thì không ai lường trước được.

Em mong là các cơ quan, đơn vị thường xuyên mở các lớp dạy bơi miễn phí, sơ cấp cứu, hay trang bị các kỹ năng xử lý khi gặp người đuối nước. Những kỹ năng đó sẽ giúp chúng em tự bảo vệ bản thân và giúp người khác khi cần. Có như vậy tình trạng học sinh bị đuối nước trên địa bàn tỉnh sẽ giảm hẳn.

Tuổi nhỏ đa tài

Lê Bảo Trân không chỉ nổi bật với thành tích học tập xuất sắc nhiều năm liền mà còn gây ấn tượng bởi sự “đa tài” trong các môn năng khiếu. Em giành HCĐ Giải Vô địch cờ vua trẻ Quốc gia 2024, HCB và HCĐ tại Giải Cờ vua trẻ miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ VI, năm 2024; HCV Giải Cờ vua CLB T-Chess cấp thành phố năm 2024; đồng thời đạt chứng chỉ Piano quốc tế ABRSM cấp độ 4. Dành thời gian cho cờ vua, piano, vẽ… cạnh việc học, Trân luôn hào hứng và vui với những thứ mình chọn.

Lê Bảo Trân nhận danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ năm 2025. Ảnh: D.L

Tuổi nhỏ nhưng Trân đã có những thành tích nổi bật ở môn cờ vua. Điều gì khiến em yêu thích bộ môn này đến vậy?

- Em bắt đầu chơi cờ từ hồi còn học lớp lá. Lúc đó mẹ hay chỉ em cách đi từng quân cờ như xe, pháo, mã… Em thấy thú vị nên ngày càng thích chơi hơn. Sau này lên lớp 1, em được học bài bản với cô Nguyễn Thị Thúy Triên (Đội tuyển cờ tỉnh Bình Định) từ đó hiểu thêm về chiến thuật và các thế cờ hay. Điều em thích nhất ở cờ vua là mỗi ván cờ đều không giống nhau, mình phải suy nghĩ để tìm ra nước đi phù hợp nhất, nên chơi cờ hoài mà không thấy chán.

Kỷ niệm em nhớ nhất là khi tham gia Giải Vô địch cờ vua trẻ Quốc gia năm 2024. Hồi đó, em vừa háo hức, vừa lo lắng vì lần đầu đi thi xa và gặp các bạn đến từ nhiều tỉnh, thành phố lớn. Vui nhất là em có thêm nhiều bạn mới, giỏi giang và học thêm được nhiều nước cờ hay…

Em đã sắp xếp thời gian ra sao để vừa phải học tốt, vừa chơi cờ, học vẽ, thậm chí là luyện piano?

- Vì thật sự yêu thích những việc đó nên em đã sắp xếp thời gian hợp lý. Mỗi ngày, em dành khoảng 1 tiếng rưỡi để luyện cờ, còn lại thì chia đều cho việc học và các bộ môn khác như piano, vẽ hay võ. Cha mẹ luôn ủng hộ và giúp em lập thời gian biểu để không bị quá tải, nhắc em nghỉ ngơi đúng lúc nên em không thấy mệt, chỉ thấy rất vui.

Mỗi bộ môn đều giúp em học thêm một điều mới. Piano rèn cho em tính kiên trì và cảm nhận âm nhạc tốt hơn. Vẽ thì giúp em sáng tạo, còn võ giúp em khỏe mạnh và dạn dĩ hơn. Dù lịch học có nhiều nhưng ngày nào em cũng thấy vui vì được làm những điều mình thích và học thêm được nhiều điều hay!

Cảm ơn các em! Mong các em tiếp tục gương mẫu trong học tập, xứng đáng với danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ!

DƯƠNG LINH (Thực hiện)



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=32&macmp=32&mabb=354613

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm