Thực tế, đau cơ và đau do bệnh lý cột sống rất dễ bị nhầm lẫn, nhất là trong những tình huống không đáng lo như đau lưng sau khi làm việc nặng. Đau cơ cấp tính thường xảy ra do căng thẳng, vận động quá mức hoặc chấn thương nhẹ, với triệu chứng đau cục bộ, không lan rộng và thuyên giảm dần khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, một số bệnh lý về cột sống như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống hoặc hẹp ống sống có thể khởi phát với dấu hiệu tương tự với đau cơ, khiến người bệnh chủ quan và bỏ qua giai đoạn vàng để điều trị hiệu quả.
Không ít người vì tâm lý chủ quan, cho rằng chỉ là đau cơ thông thường nên tự điều trị tại nhà, trường hợp của chị N. (37 tuổi) là một ví dụ điển hình.
Mang vác nặng vật có thể gây bệnh cột sống nguy hiểm
Ảnh minh họa: AI
Sau khi mang vác nặng vật nặng trong lúc dọn dẹp nhà, chị cảm thấy đau lưng dưới. Nghĩ rằng chỉ là đau cơ do gắng sức, chị không đi khám mà tự mua thuốc giảm đau về uống. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, cơn đau không những không giảm, mà còn lan xuống chân, kèm cảm giác tê bì và yếu cơ rõ rệt.
"Thật ra lúc đầu tôi chỉ nghĩ là đau lưng bình thương do bê vác nặng thôi, nên cũng chủ quan lắm. Nhưng sau đó vài hôm, tôi bắt đầu thấy đau lan xuống chân, rồi tê từ mông xuống đến bắp chân. Có lúc còn cảm giác chân yếu hẳn đi, đi đứng khó khăn, đứng lâu cũng mỏi. Lúc đó mới bắt đầu nghĩ tới việc đi bệnh viện để khám", chị N. chia sẻ.
Tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, sau khi được bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh - cột sống thăm khám và thực hiện chụp MRI, chị ngỡ ngàng khi được chẩn đoán mắc thoát vị đĩa đệm cột sống - thắt lưng (vị trí L4 - L5) và phải điều trị bằng phẫu thuật, do nhân nhầy đĩa đệm đã chèn ép vào rễ thần kinh.
Trước tình trạng chèn ép nghiêm trọng và nguy cơ tiến triển nhanh, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Anh Vũ, Khoa Ngoại thần kinh - cột sống đã chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi cột sống - một phương pháp điều trị hiện đại, ít xâm lấn, giúp loại bỏ phần đĩa đệm chèn ép mà vẫn bảo toàn tối đa các mô mềm xung quanh.
"Nói chung thì cũng vừa lo vừa sợ, tại trước cũng nghe người ta mổ về xong không đi lại bình thường được, nhưng sau khi nghe bác sĩ tư vấn thì tôi thấy cũng an tâm", chị N. nhớ lại khi biết mình cần phải phẫu thuật.
Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Chỉ sau vài ngày điều trị, chị N. bắt đầu hồi phục tích cực, có thể ngồi dậy và tập luyện đi lại. "Bác sĩ, điều dưỡng ở đây ai cũng nhiệt tình. Tôi được mọi người theo dõi sát sao từng ngày, hỏi thăm liên tục và được hướng dẫn kỹ từng bước trong quá trình hồi phục", chị N. chia sẻ thêm.
Bác sĩ Vũ thăm khám cho người bệnh
Ảnh: BVCC
Không ít người đã rơi vào tình cảnh giống chị N., theo bác sĩ Vũ thì đây là tình huống thường gặp khi người bệnh nhầm lẫn đau cơ với các bệnh lý cột sống nghiêm trọng, dẫn đến phát hiện muộn và điều trị chậm trễ.
Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Anh Vũ, Khoa Ngoại thần kinh - cột sống, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết: "Nhiều người bệnh đến khám với triệu chứng đau cơ, chủ yếu xung quanh khu vực cổ và lưng. Qua chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT hoặc MRI, chúng tôi thường phát hiện các vấn đề liên quan đến cột sống. Điều này dễ xảy ra khi người bệnh có tâm lý chủ quan, không thăm khám sớm dù tình trạng đau đã kéo dài liên tục trong nhiều tháng trước".
Theo bác sĩ Vũ, có thể phân biệt đau cơ cấp tính và đau lưng do bệnh lý cột sống dựa vào các dấu hiệu sau:
Đau cơ cấp tính: Xuất hiện sau vận động mạnh, cơn đau giảm dần khi nghỉ ngơi, không kèm đau lan, tê bì hoặc yếu cơ.
Đau do bệnh lý cột sống: Đau có xu hướng lan từ cổ/lưng ra tay/chân, kèm cảm giác tê, ngứa ran, yếu tay chân hoặc mất cảm giác kéo dài, dù đã nghỉ ngơi. Cơn đau do bệnh cột sống thường xuất hiện khi đứng, ngồi lâu hoặc khi cúi người xuống.
Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh lý cột sống có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như: Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm nặng, gây chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống, từ đó dẫn đến nguy cơ yếu - liệt chi vĩnh viễn và mất kiểm soát đại tiểu tiện.
Ê kíp phẫu thuật tại bệnh viện
Ảnh: BVCC
"Chúng tôi thường tiếp nhận các ca bệnh nặng như thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa cột sống ở giai đoạn muộn, bắt buộc phải phẫu thuật khi các phương pháp điều trị bảo tồn không còn hiệu quả. Tuy nhiên, may mắn là hiện nay các phương pháp điều trị bệnh cột sống hiện đại như: Xâm lấn tối thiểu hay nội soi đã được áp dụng rộng rãi, giúp tăng khả năng thành công cho ca mổ và giảm thời gian hồi phục cho người bệnh", bác sĩ Vũ nhận định.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý cột sống, bác sĩ Vũ khuyến cáo chúng ta nên duy trì lối sống khoa học và thói quen vận động hợp lý: Giữ tư thế đúng khi làm việc, tránh ngồi cong lưng, cúi gập người quá lâu; Không bê vật quá nặng; Tập thể dục đều đặn và kiểm soát cân nặng. Đồng thời, nên có thói quen khám sức khỏe định kỳ, nhằm phát hiện sớm nguy cơ về các bệnh lý cột sống ngay khi chưa có triệu chứng rõ ràng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tuong-chi-dau-co-thong-thuong-ai-ngo-benh-cot-song-nguy-hiem-185250714135943358.htm
Bình luận (0)